Khởi sắc nông thôn mới xứ Nghệ

Tổng số vốn huy động cho chương trình này trong 4 năm qua đạt hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 28%.
Những con đường đoàn kết
Về xóm 12, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn), người ta không còn thấy cảnh đường sá gồ ghề, trơn lầy như trước, thay vào đó là những con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi.
Ông Trần Văn Hùng, xóm trưởng xóm 12 cho biết, trong khi nhiều nơi đang trông chờ hỗ trợ của Nhà nước thì từ cuối năm 2010, Ban cán sự xóm đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp tiền để đổ bê tông các tuyến đường liên xóm.
Trước khi triển khai, Ban cán sự xóm tổ chức họp dân để phổ biến về chủ trương làm đường, sau khi nhận được sự đồng tình từ người dân mới cử ra những người có uy tín, hiểu biết về xây dựng để thành lập các nhóm thi công. Mọi công việc đều có sự bàn bạc và công khai, nhờ vậy đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Theo đó, mỗi hộ đóng 2 triệu đồng, với tổng số 115 hộ, xóm 12 đã huy động được hơn 200 triệu đồng để mua xi măng.
Nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, người dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẵn sàng hiến đất, góp tiền của để mở đường.
Có xi măng rồi, các hộ lại hô hào nhau cùng tham gia thi công, vì vậy các tuyến đường ở đây hoàn thành rất nhanh.
Nhờ phát huy tốt tinh thần đoàn kết, chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 60% đường nội xóm 12 được đổ bê tông, có đèn điện thắp sáng, việc đi lại của người dân nhờ đó rất thuận tiện, an toàn.
Đến nay, việc bê tông hóa các tuyến đường nông thôn lại càng thuận lợi hơn nhờ có chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh.
Cụ thể, thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã giao chỉ tiêu hỗ trợ cho các địa phương 4 đợt với hơn 423.000 tấn xi măng, trong đó, các xã miền núi đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2015 được hỗ trợ 8km/xã, các xã đồng bằng được hỗ trợ 6km/xã.
Tính đến tháng 6.2015, các xã đã làm được gần 1.600km, trị giá 437 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch.
Cộng với các nguồn vốn khác, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng NTM, Nghệ An đã nâng cấp, làm mới được 3.365km đường giao thông nông thôn các loại, với tổng kinh phí hơn 6.295 tỷ đồng.
Theo rà soát mới đây của UBND tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh đã có 83/431 xã đạt tiêu chí giao thông – một tiêu chí cực kỳ khó đối với hầu hết các xã trên cả nước.
Hiến đất làm đẹp xóm làng
6 tháng đầu năm 2015, Nghệ An đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn đạt trên 1.206,8 tỷ đồng, nâng tổng số vốn huy động cho xây dựng NTM trong hơn 4 năm qua lên tới 16.002 tỷ đồng.
Mặc dù là địa phương có nhiều xã miền núi nghèo, đời sống người dân còn khó khăn, nhưng thấu hiểu được lợi ích to lớn, lâu dài mà Chương trình xây dựng NTM mang lại nên nhiều gia đình, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền của để góp phần làm đẹp xóm làng, đơn cử như xã Nam Cường (huyện Nam Đàn).
Lãnh đạo UBND xã Nam Cường cho biết, do đường giao thông trong các xóm thấp nên cứ vào mùa mưa là xảy ra lụt lội, người dân đi lại rất khó khăn.
Trước tình hình đó, xã đã thành lập 5 đoàn về 11 xóm để tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền của, đồng thời ban hành cơ chế xóm nào làm được 100m đường đạt chuẩn xã sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng...
Vì vậy chỉ trong thời gian ngắn đã có 122 hộ hiến đất với diện tích 1.440m2, tạo điều kiện cho xã hoàn thành 37 tuyến đường, dài hơn 5,7km với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng.
Không riêng gì Nam Cường, đến nay, phong trào hiến đất làm NTM đã lan rộng ra khắp các địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, người dân Nghệ An đã hiến 242.903m2 đất, nâng tổng số diện tích đất hiến trong hơn 4 năm qua lên hơn 5,2 triệu m2. Bên cạnh đó, người dân còn đóng góp tổng cộng trên 4,2 triệu ngày công và 4.513,3 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 22-1, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở NN&PTNT Hậu Giang tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả 2 năm thực hiện dự án nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long (CLUES) tại tỉnh Hậu Giang.

Về xã Lão Hộ trong một chiều mưa xuân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự đổi khác của khung cảnh làng xóm nơi đây. Con đường làng đất đỏ chạy dài xưa kia nay đã được bê tông hoá hoàn toàn, xung quanh là những toà nhà cao tầng khang trang.

Sau một thời gian tuột dốc, gần đây hành tím đã tăng giá trở lại, nông dân trồng hành đang mong có vụ mùa bội thu. Tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - nơi có diện tích trồng hành tím lớn nhất ĐBSCL, giá hành tím thương phẩm thương lái thu mua đang ở mức 15.000 đồng/kg

Tuy không phải là “đại gia” về nhiều đất, nhiều mía nhưng thương lái buôn mía ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đều biết đến tiếng ông Lê Thanh Tân ở khu 7. Tiếng của ông không phải đất rộng, nhiều mía mà là lúc nào vườn mía của ông đứng đầu bởi cây mía to, đều, màu đẹp.

Phước Trung là xã vùng cao thuộc huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Toàn xã có 542 hộ, với 2.408 khẩu, sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dày, Rã Trên, Rã Giữa và Tham Dú, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn một số công trình thủy lợi, tiêu biểu như: Hồ chứa nước Phước Trung, đập Ô Căm.