Khởi Sắc Kinh Tế Tập Thể

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, nhưng thời gian qua lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh từng bước thay đổi diện mạo. Dấu hiệu khởi sắc đáng ghi nhận là những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, hợp tác xã (HTX) điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
KTTT nòng cốt là HTX có bước phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 207 HTX (tăng 4,2%), với trên 55.450 thành viên (tăng 2,3%), vốn điều lệ trên 105 tỷ đồng (tăng 1,8%) và vốn hoạt động trên 646,6 tỷ đồng (tăng 27%) so với cuối năm 2010; hoạt động các lĩnh vực: nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại và quỹ tín dụng nhân dân.
Dù HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu; chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, dịch vụ còn đơn điệu; khả năng cạnh tranh kém, chưa theo kịp thị trường và hội nhập kinh tế thế giới... nhưng thời gian qua HTX góp phần kênh huy động các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Đáng lưu ý, những năm gần đây, các HTX nông nghiệp xây dựng cánh đồng liên kết để liên kết với doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm đã và đang phát triển.
Ông Võ Công Minh - Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (LMHTX) tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian qua, HTX tỉnh luôn quan tâm đến công tác củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, trọng tâm là xây dựng, nhân rộng mô hình HTX mới, HTX điển hình tiên tiến. Hàng năm, LMHTX tỉnh có kế hoạch riêng về xây dựng, nhân rộng mô hình HTX mới, HTX điển hình tiên tiến”.
HTX điển hình tiên tiến của tỉnh hàng năm đều tăng: năm 2010 có 29 HTX, năm 2012 có 31 HTX và 2013 có 33 HTX (21 HTX nông nghiệp, 9 Quỹ tín dụng nhân dân, 3HTX vận tải). Riêng các HTX điển hình tiên tiến được biểu dương tại hội nghị lần V-2010 đến nay vẫn được duy trì và phát triển.
Các HTX điển hình tiên tiến hoạt động có hiệu quả về kinh tế cũng như xã hội. Nhiều HTX có tổ chức Công đoàn, Chi bộ Đảng và gần đây là thành lập chi hội khuyến học...
Bên cạnh đó, các HTX còn quan tâm đến phúc lợi xã hội cho thành viên và người lao động, tham gia phúc lợi xã hội ở địa phương như đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhà đại đoàn kết... với số tiền hàng tỷ đồng. Thông qua hoạt động của HTX, kinh tế hộ thành viên phát triển, đời sống được nâng cao.
Là tỉnh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tiềm năng trong nông nghiệp rất lớn, trong khi các HTX nông nghiệp của Đồng Tháp hoạt động chủ yếu là dịch vụ tưới tiêu.
Thấy được vấn đề này, LMHTX tỉnh quyết tâm xây dựng những mô hình mới và định hướng cho HTX tổ chức hoạt động đa ngành nghề để phục vụ tốt đầu vào, đầu ra sản xuất của nông dân. Điển hình như HTX Tân Cường, HTX nông nghiệp Tân Bình, HTX nông nghiệp Tân Phú Đông...; nhiều HTX mới thành lập cũng định hướng là hoạt động đa ngành nghề như HTX đa ngành Tân Công Chí.
Bên cạnh đó, LMHTX tỉnh xây dựng mô hình HTX chuyên ngành như: HTX xoài Mỹ Xương, HTX quýt hồng Lai Vung; HTX chăn nuôi heo Phú Bình; HTX cá điêu hồng Bình Thạnh; HTX nhãn Châu Thành, HTX rau sạch Long Thuận...
Một mô hình mới khác được LMHTX tỉnh và các địa phương thực hiện bước đầu đạt hiệu quả là sáp nhập, hợp nhất các HTX quy mô nhỏ thành HTX quy mô lớn.
Mô hình này nhằm tăng quy mô hoạt động, tăng sức cạnh tranh, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất của thành viên và nông dân. Điển hình như huyện Hồng Ngự có 4 HTX quy mô nhỏ hợp nhất thành HTX Phước Tiền. Ngoài ra, các địa phương như huyện Tháp Mười, huyện Thanh Bình và các huyện khác cũng đang có kế hoạch hợp nhất, sáp nhập HTX.
Để KTTT phát triển ổn định, bền vững và có nhiều mô hình HTX mới, HTX điển hình tiên tiến, LMHTX tỉnh sẽ tiếp tục tập trung củng cố, nâng chất các HTX hiện có, vận động thành lập HTX ở những nơi người dân có nhu cầu, tự nguyện và đủ điều kiện; xây dựng, nhân rộng HTX điển hình tiên tiến, HTX mô hình mới, HTX đa ngành nghề, đa dịch vụ để phát triển kinh tế hộ thành viên, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Phạm Tấn Tho - Chủ tịch LMHTX tỉnh cho biết: “Thời gian tới, HTX phải nâng cao nguồn lực con người, cơ sở vật chất để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh; liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Mỗi huyện, thị xã, thành phố phấn đấu xây dựng, nhân rộng được ít nhất từ 3 HTX tiêu biểu trở lên trên các lĩnh vực có ưu thế của địa phương. Tập trung xây dựng 16 mô hình HTX, tổ hợp tác tiên tiến gắn với thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh; xây dựng HTX điển hình tiên tiến trong 30 xã điểm nông thôn mới...”.
Có thể bạn quan tâm

Tổng Biên tập Báo NNVN Nguyễn Mạnh Thường chia sẻ: “Với cùng mục đích hoạt động là làm cho đời sống nông dân được nâng cao, hơn 10 năm qua hai đơn vị đã gắn kết mật thiết với nhau trong lĩnh vực truyền thông về xúc tiến thương mại nông nghiệp. Sự hợp tác này là dấu mốc ghi nhận bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai đơn vị”.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận định, nếu giá trị XK thủy sản trong tháng 12 vẫn đạt ở mức bình quân 500 triệu USD như nhiều tháng qua, thì XK thủy sản cả năm nay hoàn toàn có thể đạt mức kỷ lục 7,7-7,8 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, quá trình xây dựng chất lượng và thương hiệu đã giúp cho gạo Việt tự tin trước yêu cầu đặt hàng gạo theo tiêu chuẩn cao cấp của các siêu trị trong nước và xuất khẩu. Gạo Việt đã xuất khẩu theo đơn đặt hàng bán vào siêu thị các nước EU, Mỹ, Mexico, Úc… tất nhiên với giá bán lẻ tăng cao gấp nhiều lần. Đó là giá trị của gạo có thương hiệu”, bà Lan nói.

Trào lưu trồng kiểng trái, kiểng lá đang lan rộng khắp các tỉnh ĐBSCL. Vì vậy để tạo nên sự mới lạ cho các mặt hàng chưng tết, anh Đỗ Tiến Bình ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã tạo ra loại kiểng làm bằng bông trang được trồng trong chậu, anh cho biết: “Vài năm nay tôi tạo ra kiểng làm bằng bông trang để bán cho các “đại gia” chơi kiểng và chưng tết.

NCB mong muốn thông qua gói vay ưu đãi 980 tỷ trong dự án “Cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết giá trị lúa gạo” góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn thiết thực, hiệu quả nhất, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất từ Chính phủ, đặc biệt tại khu vực Tây Nam Bộ.