Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khôi phục ngành chăn nuôi

Khôi phục ngành chăn nuôi
Ngày đăng: 31/07/2015

Nỗi lo về giá

Ông Đặng Văn Bảy, ngụ xã Nhị Long, huyện Càng Long (Trà Vinh), cho biết: “Gia đình dù canh tác gần 10 công ruộng nhưng chỉ tạm đủ ăn. Suy nghĩ nát nước tìm hướng làm ăn, cuối cùng tui chọn thêm nghề chăn nuôi bởi việc này phù hợp với điều kiện nông thôn. Theo đó, tui dành dụm kinh phí nuôi bò, do xung quanh ruộng có nhiều cỏ để làm thức ăn cho bò, vì vậy giảm được chi phí đầu tư. Ban đầu chỉ nuôi 2 con, sau đó thấy việc nuôi bò ít bị dịch bệnh, chăm sóc đơn giản… nên dần phát triển đàn lên 4 con, rồi 8 con. Thông thường khoảng 8 tháng nuôi vỗ béo là có thể xuất chuồng với giá 20 - 22 triệu đồng/con.

Với đàn bò này, tính ra thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần làm lúa”. Ông Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Long nhìn nhận, vài năm gần đây mô hình chăn nuôi bò thịt ở xã phát triển nhanh với tổng đàn khoảng 2.000 con. Nguyên nhân do giá bò thịt dao động ở mức cao, khoảng 20 triệu đồng/con trở lên và quá trình nuôi hầu như rất ít rủi ro nên đảm bảo nông dân lời nhiều; vì thế nghề chăn nuôi bò đang rất triển vọng. Theo ông Kim Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, nếu so với sản xuất lúa hoặc một số loại hoa màu khác thì mô hình chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện Trà Vinh đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó mô hình nuôi bò được chú trọng phát triển.

Nếu như nuôi bò khá ổn định thì những hộ nuôi heo vẫn phập phồng bởi giá cả lên xuống thất thường. Ông Trần Văn Hùng, hộ nuôi heo lâu năm ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), trăn trở: “Mấy ngày qua giá heo hơi giảm chỉ còn khoảng 3 - 3,2 triệu đồng/tạ, trong khi chi phí đầu tư để nuôi mỗi tạ heo không dưới 4 triệu đồng; vì vậy ai xuất chuồng đợt này cũng đều lỗ vốn, buộc phải giảm đàn”. Theo Phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), toàn huyện có khoảng 117.000 con heo và là một trong những nơi chăn nuôi heo nhiều nhất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, việc phát triển đàn đang gặp khó bởi giá heo thấp, dưới chi phí giá thành. Đây cũng là một thách thức trong quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi ở địa phương.

Liên kết phát triển chăn nuôi

Bộ NN-PTNT đánh giá, vùng ĐBSCL có tiềm năng phát triển các mô hình chăn nuôi, tuy nhiên việc chăn nuôi thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế như phổ biến dạng nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, liên kết… Để vực dậy ngành chăn nuôi cần tập trung phát triển liên kết chuỗi theo hướng giá trị gia tăng, gắn chặt từ khâu cung cấp con giống chất lượng đến thức ăn, nuôi thương phẩm, thu mua, tiêu thụ… Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lưu ý, để việc chăn nuôi đi vào ổn định, tăng chất lượng, tăng hiệu suất, giảm giá thành… thì các địa phương phải chú ý đến mô hình trang trại, có cơ chế để phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng này. Hiện toàn vùng ĐBSCL có khoảng 908 trang trại chăn nuôi, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre…

Thời gian qua, chăn nuôi ở các trang trại có hiệu quả kinh tế bởi áp dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý thuận lợi, liên kết với doanh nghiệp trong cung cấp thức ăn, tiêu thụ sản phẩm… nhờ đó giảm được chi phí giá thành và đầu ra được đảm bảo. Ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ trang trại chăn nuôi bò qui mô lớn ở huyện Tri Tôn (An Giang), khẳng định: “Để chăn nuôi thành công phải phát triển theo mô hình trang trại. Bản thân tôi đang chuyển hàng chục hecta đất lúa sang trồng cỏ để nuôi đàn bò hơn 400 con và hướng tới quy mô 2.000 con trong tương lai. Một khi nuôi trang trại quy mô lớn, chất lượng con giống tốt… sẽ có các công ty tìm đến liên kết nên không lo ngại đầu ra”.

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, nuôi vịt là 1 trong 5 loại hình mà tỉnh đang tập trung tái cơ cấu để phát triển. Với quy mô đàn vịt của tỉnh dao động từ 5 - 7 triệu con, Đồng Tháp sẽ tận dụng khoảng 500.000ha lúa mỗi năm (3 vụ) để nuôi vịt, do tỷ lệ thất thoát lúa sau thu hoạch còn cao. Vấn đề hiện nay là mạnh dạn đổi phương thức nuôi tự phát, nhỏ lẻ, sang nuôi theo quy hoạch, chuỗi giá trị, có liên kết đầu vào - đầu ra. Đồng Tháp đang nghiên cứu chuỗi giá trị của mô hình nuôi vịt bằng việc lai tạo, chọn giống vịt chạy đồng có trọng lượng lớn, dễ nuôi, sức đề kháng tốt, nhiều thịt, thịt thơm ngon. Đối với vịt đẻ thì trứng phải to, đẻ nhiều, lòng đỏ chất lượng cao… để phổ biến cho nông dân phát triển đàn. Song song đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hệ thống giết mổ, chế biến vịt thịt, trứng vịt muối xuất khẩu…

Cục Chăn nuôi cho rằng, để tăng thu nhập cho người chăn nuôi thì phải tổ chức theo từng chuỗi giá trị; thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng…

* ĐBSCL hiện có khoảng 36 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản lượng 2,1 triệu tấn (chiếm gần 15% sản lượng thức ăn chăn nuôi của cả nước). Mô hình liên kết phổ biến hiện nay là các trang trại chăn nuôi lớn mua trực tiếp thức ăn từ nhà máy và được nhà máy cử cán bộ kỹ thuật đến tư vấn; đồng thời được chiết khấu ưu đãi như các đại lý. Liên kết này giúp các trang trại chăn nuôi hạ được giá thành sản phẩm từ 7% - 10%, do không phải qua các trung gian…


Có thể bạn quan tâm

Tôm hùm rớt giá, người nuôi lao đao Tôm hùm rớt giá, người nuôi lao đao

Tại Lý Sơn, Quảng Ngãi, nhiều hộ nuôi tôm hùm đứng ngồi không yên khi giá tôm hùm rớt thảm hại, giảm 700.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Họ liên tục bị tư thương ép giá.

24/10/2015
Cá rô phi xuất hiện dày ở đầm Ô Loan Cá rô phi xuất hiện dày ở đầm Ô Loan

Hiện nay, cá rô phi xuất hiện dày ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Đây là hiện tượng lạ vì Ô Loan là đầm nước lợ, còn cá rô phi sống thích nghi ở môi trường nước ngọt. Người dân lo ngại loại cá này có thể ăn các loại cá, tôm bản địa.

24/10/2015
 Chăn nuôi bò sữa lối đi hẹp người chăn nuôi gặp khó Chăn nuôi bò sữa lối đi hẹp người chăn nuôi gặp khó

Đã từng có thời điểm, chăn nuôi bò sữa trở thành phong trào nở rộ ở nhiều địa phương, nhiều nhất phải kể đến các huyện Đức Hòa, Bến Lức và TP.Tân An, sau đó phát triển thêm ở các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa... Và, tiềm năng phát triển đàn bò sữa ở Long An vẫn còn. Nhưng…

24/10/2015
Chủ trang trại đầu tư 12 tỷ nuôi bò Úc Chủ trang trại đầu tư 12 tỷ nuôi bò Úc

Ở Tân Kỳ (Nghệ An) có một trang trại bò Úc qui mô khá lớn với tổng đàn gần 400 con, trong đó 350 con mẹ và 43 con bê. Trang trại này của ông Tô Anh Phương, thị trấn Tân Kỳ được đầu tư 12 tỷ đồng. Ông đang khẩn trương xây dựng chuồng trại mới để đàn bò sinh sống ổn định.

24/10/2015
Phát sinh 6 ổ dịch cúm gia cầm Phát sinh 6 ổ dịch cúm gia cầm

rong quý III/2015, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phát sinh 6 ổ dịch cúm gia cầm. Cụ thể, ngày 19/8/2015, dịch bệnh H5N1 phát sinh trên đàn gà 40 ngày tuổi số lượng 1.048 con tại hộ chăn nuôi ấp Trung Trạch (xã Trung Thành - Vũng Liêm);

24/10/2015