Khởi Nghiệp Từ 3 Sào Đất Và 2 Con Bò Sữa

Khởi nghiệp với chỉ 3 sào đất (300 m2) và căn chòi lá tạm bợ, nhưng nhờ chí thú làm ăn, nên sau 15 năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò, giờ đây anh nông dân nghèo khó ngày nào Nguyễn Văn Tùng (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã trở thành “triệu phú”. Hiện nay, với đàn bò sữa 20 con, mỗi ngày mang lại cho anh nguồn thu nhập 1,4 triệu đồng.
Anh Tùng cho biết: Anh bắt đầu với nghề nuôi bò thịt từ năm 1998, sau đó, nhận thấy thời gian quay vòng vốn chậm và lâu cho thu lãi nên đến năm 2000, anh quyết định bán hết đàn bò thịt để chuyển sang nuôi bò sữa. Với số tiền bán đàn bò được 24 triệu đồng, anh sang tỉnh Long An mua 2 con bò sữa giống với giá 22 triệu đồng. Sau đó, anh tiếp tục mua thêm một con nữa.
Qua 2 lứa sinh sản, đàn bò của anh có thêm 6 con và toàn là cái. Sau đó, anh tiếp tục gầy dựng, nhân giống đàn bò. Đến nay, anh sở hữu đàn bò sữa 20 con, trị giá 700 triệu đồng, trong đó có 13 con đang cho sữa. Mỗi ngày, lượng sữa vắt được trung bình 200kg, bán cho công ty sữa với giá từ 13-14 ngàn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi 1,4 triệu đồng.
Trong quá trình nuôi, được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, các buổi hội thảo do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, cũng như qua trải nghiệm thực tế, anh tích lũy nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi, vắt sữa, khẩu phần thức ăn, vệ sinh chuồng trại, cách phòng, trị một số bệnh thông thường, đặc biệt là bệnh viêm vú làm giảm đáng kể khả năng tiết sữa của bò.
Về thức ăn cho bò, mỗi ngày anh sử dụng 7 kg thức ăn công nghiệp dạng bột trộn với 6 kg xác bia và 4 kg xác mì, chia làm 3 cử pha với nước cho bò uống. Ngoài ra, anh còn cho bò ăn dặm thêm cỏ voi và rơm khô. Để đảm bảo vệ sinh môi trường chuồng trại, mỗi ngày anh vệ sinh, tắm cho bò 2 lần; khi nhiệt độ tăng cao vào mùa nắng, anh sử dụng mô tơ bơm phun sương nước lên mái tôn để làm mát cho bò; ban đêm mở đèn và sử dụng quạt để đuổi muỗi. Định kỳ 6 tháng một lần, cán bộ thú y xã đến chích ngừa bệnh tụ huyết trùng và bệnh lở mồm long móng cho đàn bò.
Theo anh Tùng, do tiết sữa nhiều nên bò dễ mắc chứng tuột canxi. Để khắc phục triệu chứng này, khoảng 1 tuần đến 10 ngày, anh tiến hành chích canxi, thuốc bổ và treo nhiều đá cho bò liếm để bổ sung chất khoáng; trường hợp nặng (bò đi đứng khó khăn) thì nhờ cán bộ thú y đến truyền dịch.
Vào buổi chiều, khi thấy bò ăn no nhưng không nhai lại là chúng bị chứng sình hơi, khó tiêu, anh tiến hành đổ bia hoặc dầu ăn. Trường hợp phát hiện trễ, bò bị trướng hơi nhiều thì nhờ cán bộ thú y đến hỗ trợ, can thiệp. Qua theo dõi, anh Tùng nhận thấy, thời gian khai thác sữa ở bò dài nhất là từ 6-7 năm, ngắn thì chỉ từ 1-2 năm. Trong 6 tháng kể từ ngày bò thụ tinh (qua thăm khám), anh tạm ngưng vắt sữa để bò tập trung nuôi bào thai.
“Khoảng 6 tháng nay, Công ty sữa cô gái Hà Lan đặt Trạm thu mua sữa tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành với mức giá thu vào cao hơn một số công ty khác, trong khi không phải mất nhiều thời gian mang sữa sang tỉnh Long An để bán, người nuôi bò sữa được “lợi kép” nên ai cũng phấn khởi” - anh Tùng cho biết.
Nhờ chí thú làm ăn, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi và kiên trì, bám trụ với nghề nên từ chỗ nghèo khó, anh Nguyễn Văn Tùng đã vươn lên thoát nghèo và trở thành “triệu phú” với khởi nghiệp từ 3 sào đất và 2 con bò sữa. Tháng 1-2014, anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen với danh hiệu: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.
Có thể bạn quan tâm

Chị Thắm, bạn hàng tại chợ Châu Đốc (An Giang) cho biết: “Mấy ngày nay, giá ớt tại chợ tới 60.000 đồng/kg. Cứ lâu lâu ớt lại lên giá một lần nhưng ít khi lên đến mức này. Tôi phải xuống tận rẫy nông dân mua mà vẫn không đủ bán”. Nhiều nông dân cho biết, chỉ với giá 25.000 đồng/kg người trồng ớt đã thu lãi khoảng 10 triệu đồng/công. Mỗi lần xuống giống, ớt cho thu hoạch 3 đợt, năng suất bình quân 800 kg/công.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên cá tra trong nước nói chung và ở Tiền Giang nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, phổ biến nhất là bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân.

Là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam, nhưng với tốc độ đầu tư triển khai trồng đại trà với quy mô lớn, Trung Quốc có thể trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long VN.

Ngày 12- 11, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản phối hợp Công ty Cổ phần TCSH Vĩnh Thịnh tổ chức tập huấn kỹ thuật “Nuôi tôm bền vững và tiếp cận mô hình VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng” cho 55 học viên là nông dân thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Hiện nay phong trào nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang phát triển rất mạnh ở Cần Thơ, tập trung ở các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn. Ông Nguyễn Hữu Huynh, ở P. Thới Hòa, Q. Ô Môn cho biết, với 2 ha mặt nước ruộng chuyên nuôi tôm luân canh trên nền đất lúa, mỗi vụ cho thu hoạch bình quân 1,6 tấn, lợi nhuận 90 - 100 triệu đồng. Lợi nhuận nuôi tôm càng xanh gấp đôi trồng lúa. Ngoài ra, mô hình luân canh này bền vững, giúp giảm lượng phân bón sử dụng cho lúa, tăng năng suất lúa, đồng thời giảm được lượng mùn bã hữu cơ và góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi.