Khởi Động Xây Dựng Chuỗi Cung Ứng Cá Tra Bền Vững

Với tổng giá trị đầu tư gần 2,4 triệu euro, trong đó Liên minh châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu euro, dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) đã được khởi động tại TP. Hồ Chí Minh ngày 2-8.
Dự án được xây dựng gồm 4 đối tác là Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) Việt Nam và WWF Áo.
Theo VNCPC, SUPA là một trong những dự án hỗ trợ ngành cá tra Việt Nam tiếp cận và hỗ trợ theo chuỗi cung ứng, áp dụng cách thức vừa "đẩy" và "kéo" cho các hoạt động sản xuất bền vững, thúc đẩy thị trường trong đó bao gồm cả việc chuyển các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thông qua dự án, EU sẽ hỗ trợ trực tiếp toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu ươm, sản xuất thức ăn nuôi và chế biến của Việt Nam đến các nhà xuất nhập khẩu và người tiêu dùng cuối cùng, trong đó có EU đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Vasep cho biết dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm (từ 2013 đến 2017), tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp luận sử dụng tài nguyên có hiệu quả và sản xuất sạch hơn, cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường.
Dự án cũng sẽ giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng cá tiêu chuẩn bền vững hiện hành nhằm hướng tới sản xuất bền vững.
Dự kiến vào cuối dự án, sẽ có ít nhất 70% các doanh nghiệp mục tiêu sản xuất và chế biến cá tra ở quy mô từ trung bình đến lớn; 30% các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại nuôi quy mô nhỏ độc lập chủ động thực hiện phương pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn; ít nhất 50% số các doanh nghiệp tham gia dự án sẽ được cung cấp các sản phẩm bền vững phù hợp cho thị trường châu Âu và các thị trường khác.
Theo Vasep, hiện tổng sản lượng cá tra của Việt Nam đạt 1,19 triệu tấn (chiếm 20,3% tổng sản lượng thủy sản cả nước) và đã được xuất khẩu sang 142 thị trường, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 1,744 tỷ USD.
Diện tích nuôi cá tra hiện có khoảng 5.600ha, trong đó có khoảng 2.900ha đã được chứng nhận bởi các chứng nhận bền vững khác nhau (chiếm khoảng 50%).
Có thể bạn quan tâm

Cà Mau là vùng đất phì nhiêu, trù phú, song cũng lắm phần khắc nghiệt. Nếu không đủ ý chí có lẽ đây chẳng phải là miền đất hứa cho những ai có mộng làm giàu. Nhưng giờ đây Cà Mau đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Vùng dự án nuôi tôm càng xanh thuộc ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có diện tích 493 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 200 ha, tập trung ở ô bao số 8 và ô bao số 21.

Đến nay, nông dân huyện Thới Bình (Cà Mau) đã chính thức vào vụ thu hoạch tôm càng xanh trên ruộng lúa, tập trung chủ yếu ở các xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông và Trí Phải.

Năm 2012 là năm huyện Đầm Dơi gặp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản. Người dân và doanh nghiệp phải đối mặt với giá cả vật tư tăng cao, dịch bệnh hoành hành, tư thương ép giá… Tuy nhiên, chính quyền các cấp ở Đầm Dơi luôn đồng hành, nỗ lực vượt khó cùng người dân.

Một số nông dân thuộc Tổ hợp tác sản xuất ấp 7 xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Bởi giờ họ đã thay hoa bằng trồng dưa hấu, vừa có lợi về môi trường, vừa có tiền rủng rỉnh bỏ túi.