Khởi Động Xây Dựng Chuỗi Cung Ứng Cá Tra Bền Vững

Với tổng giá trị đầu tư gần 2,4 triệu euro, trong đó Liên minh châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu euro, dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) đã được khởi động tại TP. Hồ Chí Minh ngày 2-8.
Dự án được xây dựng gồm 4 đối tác là Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) Việt Nam và WWF Áo.
Theo VNCPC, SUPA là một trong những dự án hỗ trợ ngành cá tra Việt Nam tiếp cận và hỗ trợ theo chuỗi cung ứng, áp dụng cách thức vừa "đẩy" và "kéo" cho các hoạt động sản xuất bền vững, thúc đẩy thị trường trong đó bao gồm cả việc chuyển các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thông qua dự án, EU sẽ hỗ trợ trực tiếp toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu ươm, sản xuất thức ăn nuôi và chế biến của Việt Nam đến các nhà xuất nhập khẩu và người tiêu dùng cuối cùng, trong đó có EU đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Vasep cho biết dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm (từ 2013 đến 2017), tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp luận sử dụng tài nguyên có hiệu quả và sản xuất sạch hơn, cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường.
Dự án cũng sẽ giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng cá tiêu chuẩn bền vững hiện hành nhằm hướng tới sản xuất bền vững.
Dự kiến vào cuối dự án, sẽ có ít nhất 70% các doanh nghiệp mục tiêu sản xuất và chế biến cá tra ở quy mô từ trung bình đến lớn; 30% các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại nuôi quy mô nhỏ độc lập chủ động thực hiện phương pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn; ít nhất 50% số các doanh nghiệp tham gia dự án sẽ được cung cấp các sản phẩm bền vững phù hợp cho thị trường châu Âu và các thị trường khác.
Theo Vasep, hiện tổng sản lượng cá tra của Việt Nam đạt 1,19 triệu tấn (chiếm 20,3% tổng sản lượng thủy sản cả nước) và đã được xuất khẩu sang 142 thị trường, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 1,744 tỷ USD.
Diện tích nuôi cá tra hiện có khoảng 5.600ha, trong đó có khoảng 2.900ha đã được chứng nhận bởi các chứng nhận bền vững khác nhau (chiếm khoảng 50%).
Có thể bạn quan tâm

Nhờ được vay vốn không phải trả lãi, nhiều hộ ND ở Hải Dương đã có điều kiện mua máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp, ô tô tải nhẹ...

Với sự năng động, dám nghĩ dám làm và bằng kiến thức tích lũy được qua tìm tòi, nghiên cứu, anh Trần Văn Biên ở thôn Bình Tiến, xã Phước Minh (Bù Gia Mập - Bình Phước) đã có một trang trại nuôi ong mật quy mô lớn, đem lại nguồn thu không dưới 400 triệu đồng mỗi năm.

Ngày 4/6/2013, tại khu nuôi tôm công nghiệp 200 ha ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Duyên Hải và bà con ngư dân xã Long Toàn tham dự tổng kết Mô hình trình diễn nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp.

Ông Phạm Quang Tuyến (sinh năm 1960) ngụ ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã chuyển đổi thành công việc nuôi cá lóc và thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp. Mô hình hứa hẹn nhiều khả năng nhân rộng trong thời gian tới...

Những ngày qua ở Phú Yên tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, người dân đổ xô đi chặt cây sắn bán cho thương lái. Cách đây 2 năm, cảnh mua bán cây sắn cũng diễn ra rầm rộ, làm cho nhiều nơi không có sắn giống trồng dặm. Lo ngại nhất hiện nay, nếu các cấp chính quyền không kịp thời ngăn chặn tình trạng này, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên cây sắn sẽ xảy ra.