Khóc Ròng Cá Lóc

Người nuôi cá lóc ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long đang lỗ nặng khi giá cá lóc thương phẩm thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 4.000 đ/kg.
Ông Ngô Văn Nghiêm, ấp Vàm Bến Tranh, xã Định An (Trà Cú, Trà Vinh) than thở: Năm ngoái giá cá lóc thương phẩm ở mức 35.000 - 38.000 đ/kg, với diện tích 1.000 m2 sau 5 tháng nuôi thu lãi hơn 100 triệu đ/vụ. Còn từ sau Tết đến nay giá cá lóc liên tục giảm xuống, chỉ còn khoảng 27.000 – 28.000 đ/kg, thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 4.000 – 5.000 đ/kg. Đã có nhiều hộ dân thu hoạch cá lóc lỗ ít nhất là 80 triệu đ/hộ, nhiều thì lên đến 500 triệu đ/hộ.
Giá cá lóc sụt giảm một phần do sản lượng nuôi quá nhiều, mặt khác do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng làm cho cá lóc xuất hiện nhiều loại bệnh gây chết hàng loạt, thế là thương lái vin vào cớ này đè giá cá thương phẩm xuống. Hiện tại, ao cá lóc nào xuất hiện bệnh mà kêu thương lái bán là "nhận giá" chỉ có 23.000 – 24.000 đ/kg, không bán thì thôi.
Giá cá giảm, khổ nhất là những hộ bỏ mía đào ao nuôi cá lóc. Ông Phan Văn Giảng, ấp Xa Xi, xã Ngãi Xuyên (Trà Cú, Trà Vinh) đã bỏ mía đào ao nuôi cá lóc, mới thả nuôi vụ đầu tiên đã bị thua lỗ trắng tay và còn ôm thêm món nợ ngân hàng đầu tư đào ao nuôi và mua con giống.
Ông Giảng nói: "Trồng mía cả năm trên diện tích 1.000 m2 thu được hơn 7 triệu đồng, trừ mọi chi phí chẳng còn đồng lãi nào. Năm 2013, thấy bà con ở thị trấn Định An nuôi cá lóc lãi cao gấp 50 lần trồng mía, người nào cũng giàu nên học làm theo. Hậu quả là ôm một cục nợ, bán 1 ha mía cây không đủ tiền trả nợ cá lóc".
Ông Tăng Văn Nhường, ở ấp Vịnh, xã Lưu Nghiệp Anh (Trà Cú, Trà Vinh) nói: "Với giá cá lóc hiện tại thì người nuôi thua lỗ trên 100 triệu đ/1.000m2/vụ. Bao nhiêu tiền lãi nuôi cá lóc trong năm ngoái không đủ bù lỗ cho vụ nuôi này".
Ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, Trà Vinh cho biết: Do nông dân bất chấp mọi khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, năm 2013 nông dân các huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè ồ ạt phá bỏ mía, bỏ trồng lúa, rau màu… đào ao nuôi cá lóc. Khi bước vào vụ thu hoạch đầu năm 2014 giá cá lóc liên tục giảm, kéo theo tình trạng nguồn nước ô nhiễm nặng nên cá lóc xuất hiện nhiều loại bệnh đã làm cho người nuôi dở khóc, dở cười.
Hiện tại, toàn tỉnh Trà Vinh có hơn 2.100 hộ thả nuôi cá lóc, riêng huyện Trà Cú chiếm hơn 84% diện tích nuôi cá lóc tòan tỉnh, với khoảng 2.000 hộ thả nuôi trên diện tích 212 ha. Khi diện tích nuôi ồ ạt tăng, sản lượng tăng nhanh nên đến vụ thu hoạch rộ, thị trường các tỉnh ĐBSCL, TPHCM… trung bình chỉ tiêu thụ 200 - 300 tấn cá thịt/ngày thì khó mà giải quyết được sản lượng cá hiện tại.
Không chỉ ở Trà Vinh, người nuôi cá lóc ở Vĩnh Long cũng đang khóc theo con cá lóc. Ông Nguyễn Chí Cường, cán bộ nông nghiệp xã Phú Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết: Mô hình nuôi cá lóc trong ao, vèo ở ấp Mái Dầm, xã Phú Thành phát triển được khoảng 10 năm nay và đã giúp cho hơn 20 hộ có nguồn thu nhập rất khá. Thế nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, các hộ dân thuộc Tổ hợp tác nuôi cá lóc trong ao, vèo ở ấp Mái Dầm đã hết hy vọng thu lãi từ con cá lóc.
Cụ thể giá cá lóc bán ra hiện khoảng 28.000 đ/kg, trong khi đó giá thành sản xuất khoảng 32.000 đ/kg, lỗ 4.000 đ/kg. Mặt khác, từ sau Tết đến nay cá lóc xuất hiện bệnh ghẻ thân, trắng mang nhiều, dẫn đến đàn cá nuôi hao hụt rất lớn. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm cho giá lóc thương phẩm lao dốc mạnh trong thời gian qua và hiện tại.
Có thể bạn quan tâm

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là vựa lúa của cả nước. Nhưng ngày càng tụt hậu, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Sinh kế của người dân vẫn dựa vào cây lúa là chính. Nhưng đầu ra hạt lúa đang chịu nhiều áp lực từ sự cạnh tranh gay gắt.

Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng mì của nông dân Tây Ninh, nếu thường xuyên sử dụng phân hữu cơ thì đất sẽ không bị thoái hoá, năng suất cây trồng đạt cao.

Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang hoành hành khắp các vùng nông thôn. Mùa mưa ở Tây Nguyên bắt đầu, cũng là thời điểm thuận lợi để nhà nông xuống giống, bón phân cho các loại cây trồng.

việc xây dựng thành công nhãn hiệu Lạc giống Tân Yên, hai năm nay, huyện Tân Yên (Bắc Giang) tập trung cao cho phát triển và mở rộng diện tích cây lạc, cây thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Trong nhiều năm trở lại đây, cây điều thường xuyên bị mất mùa, năng suất, sản lượng liên tục giảm mạnh. Ðể nâng cao năng suất, hiệu quả cây điều, Sở NN&PTNT phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (NNDHNTB) xây dựng mô hình đầu tư thâm canh cây điều trên địa bàn huyện Phù Cát (Bình Định), kết quả mang lại rất khả quan.