Khoai Tây Trung Quốc Đội Lốt Khoai Đà Lạt Giá Tăng Gấp 3 Nhờ Bôi... Đất Đỏ

Sau khi nhập về Đà Lạt (Lâm Đồng), khoai tây Trung Quốc được “mặc áo” đất đỏ để đánh lừa người tiêu dùng. Bằng “công nghệ” này, khoai tây Trung Quốc có thể tăng giá lên đến 3 lần.
Vài năm gần đây, cứ vào khoảng tháng 6, mỗi ngày có hàng tấn khoai tây Trung Quốc từ TP.Hồ Chí Minh được chuyển về chợ nông sản Đà Lạt và chợ đầu mối huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoai tây Trung Quốc được đưa lên đây không phải để tiêu thụ, mà chỉ để “hóa trang” thành khoai tây Đà Lạt bằng cách… bôi thêm đất đỏ và công việc này diễn ra rất công khai.
Tại chợ nông sản Đà Lạt, khoai tây Trung Quốc được các thương lái cho vào bể hoặc đắp thành đống khoảng vài tạ để “thay áo” cũ. Do lớp vỏ của loại khoai tây này khá dày nên những người rửa phải giẫm mạnh cho vỏ trầy ra, sau đó họ tiếp tục dùng đất đỏ đã được phơi khô, nghiền mịn (giá 20.000 đồng/bao) rắc lên để “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc.
Sau khi được hóa trang, khoai tây Trung Quốc sẽ được phơi khô, rũ bớt đất, đóng bao rồi mang đi bán với cái “mác” mới- khoai tây Đà Lạt.
Với “mác” mới này, từ chỗ giá bán chỉ khoảng dưới 4.000 đồng/kg và rất khó bán, giá bán sỉ khoai tây Trung Quốc đã đội lên 10.000 – 12.000 đồng/kg. Khi đến tay người dùng, giá có thể lên tới 16.000 – 18.000 đồng/kg, vì vậy người tiêu dùng vẫn đang đinh ninh mình mua được khoai tây Đà Lạt. Đáng nói là cơ quan chức năng biết việc cách làm ăn gian dối của thương lái để móc túi người tiêu dùng, nhưng lại chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Ông Dương Minh Sơn - cán bộ Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho biết, tính từ giữa tháng 6 đến nay, đã có 44 tấn khoai tây Trung Quốc được nhập về chợ. Tất cả đều có chứng từ hợp lệ, giá chỉ 3.380 đồng/kg. Khoai Trung Quốc sau khi “mặc áo” được xuất bán tại vựa có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, chỉ kém khoai tây Đà Lạt 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Ông Lại Thế Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết: Đơn vị đã nhiều lần lấy mẫu khoai tây Trung Quốc để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV và không ít lần, cơ quan chức năng phát hiện trong khoai tây Trung Quốc có chứa chất độc hại cao gấp hàng chục lần cho phép nên bị tịch thu và tiêu hủy.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, điều khó nhất hiện nay là khi cơ quan chức năng kiểm tra, các thương lái đều xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ và họ cũng thừa nhận đó là khoai tây Trung Quốc. Còn việc “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc, theo họ chỉ là để trông bắt mắt chứ không thừa nhận đó là hành vi đánh lừa người tiêu dùng.
Đà Lạt hiện đứng đầu cả nước về sản xuất khoai tây với diện tích trồng mỗi năm khoảng 1.500ha, nhưng trước tình trạng cạnh tranh không bình đẳng của khoai tây Trung Quốc, diện tích trồng khoai tại thành phố này đang bị giảm mạnh. Điển hình như tại xã Xuân Thọ, nơi trồng khoai tây lớn nhất Đà Lạt, năm nay diện tích trồng khoai trái vụ chỉ còn 15ha, bằng 1/3 so với trước.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi phát triển mạnh ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Đặc biệt, mô hình nuôi gà an toàn sinh học đã chứng minh được hiệu quả bền vững khi vừa cho lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Được hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị phân tích các chỉ tiêu về môi trường, phân tích sản phẩm rau an toàn, ứng dụng công nghệ sinh học và canh tác theo hướng sinh thái nên sản phẩm rau màu của HTX ngày càng được thị trường ưa chuộng.

Đang làm cho một chi nhánh ngân hàng với mức thu nhập ổn định, chàng trai ấy quyết định bỏ phố về quê nuôi gà chín cựa, loài gà tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết. Trải qua không ít gian nan, cuối cùng, anh đã thành công trong sự khâm phục của nhiều người.

Nhờ đề án phát triển cà phê bền vững nên hiện Việt Nam đã có 200.000 héc ta cà phê được chứng nhận theo các tiêu chuẩn bền vững quốc tế như 4C, UTZ, trong đó, có 150.000 héc ta theo tiêu chuẩn 4C. Diện tích này sẽ tăng lên 300.000 héc ta vào năm 2015.

Cây trồng biến đổi gene đang là một trong những lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được quan tâm nhất hiện nay và thực phẩm biến đổi gene chủ yếu là ngô, đậu tương.