Khoai Lang Xuất Ngoại

Khoai lang Nhật, hiện đang là cây trồng cho thu nhập ổn định. Khoai lang Nhật không chỉ bán nội địa mà một lượng lớn dùng để xuất khẩu với giá cao. Và một doanh nghiệp đã và đang đồng hành với nông dân, đưa củ khoai lang Nhật của Việt Nam đến với những phương trời xa. Đó là Công ty cổ phần Viên Sơn đóng trên địa bàn xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng - Lâm Đồng).
Khoai đặc sản
Cứ tưởng củ khoai lang được trồng bình thường là đủ chuẩn “xuất ngoại” nhưng khi trò chuyện với anh Nguyễn Duy Đa, Giám đốc của Công ty Viên Sơn mới biết đây cũng là một trong những loại củ khó tính. Khoai lang Nhật, như tên gọi có nguồn gốc ở Nhật Bản được nhập nội vào Việt Nam những năm 1996, 1997 và sau một thời gian thử nghiệm, khoai phát triển tốt nên được trồng rộng rãi.
Tuy nhiên, khoai lang Nhật chỉ sống được ở những vùng thổ nhưỡng cao trên 700m so với mặt nước biển, đất tơi xốp, hàm lượng dinh dưỡng cao nên Lâm Đồng là một vùng thổ nhưỡng hợp với cây khoai lang Nhật. Khoai lang Nhật có hình thức đẹp, vỏ đỏ ruột vàng, hàm lượng đường cao, củ khoai ăn rất ngon ngọt, những năm trước kia hầu như chỉ có Nhật Bản trồng loại khoai này và cung cấp cho thị trường với giá “trên trời”, người thu nhập không cao khó có khả năng thưởng thức khoai lang.
Khi đã quen với thổ nhưỡng Lâm Đồng, cây khoai lang cho năng suất trung bình 17 - 22 tấn/ha/vụ với chất lượng ngang ngửa khoai trồng tại Nhật. Vốn là người có thời gian gắn bó, hiểu biết về cây khoai lang Nhật từ những ngày đầu tiên trên đất Lâm Đồng, Giám đốc Nguyễn Duy Đa mày mò tìm đường đi cho củ khoai.
Anh mang củ khoai đi khắp thị trường châu Á để giới thiệu, thuyết phục và năm 2010, mẻ khoai lang đầu tiên được xuống tàu tới thị trường mới. Anh cho biết: “Hiện chúng tôi xuất mỗi năm khoảng trên 1.000 tấn khoai tươi cho thị trường Đông Nam Á là chủ yếu. Không phải khoe, tôi tự nhận chúng tôi là người đã “dạy” khách Đông Nam Á biết ăn khoai lang Nhật bởi trước kia, với giá bán của Nhật Bản thì họ hoàn toàn không có khả năng mua với giá như Việt Nam cung cấp hiện giờ”.
Củ khoai lang của Công ty Viên Sơn là một trong số ít nông sản Lâm Đồng được xuất khẩu với tên “chính chủ”, tức là vào thị trường nước ngoài với thương hiệu “Made in Vietnam”. Đây cũng là động lực để Viên Sơn tiếp tục phấn đấu chinh phục những thị trường mới.
Liên kết với nông dân và khát vọng cho khoai Việt
Để có con số xuất khẩu trên 1.000 tấn/năm, hiện Viên Sơn đang liên kết với khoảng 100 nông hộ, mỗi hộ trồng trung bình 1 ha. Công ty cung cấp giống, huấn luyện kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá phù hợp theo từng mùa. Ngoài ra, công ty cũng thu mua khoai của hầu hết các thương lái trên địa bàn Lâm Đồng. Củ khoai đủ chuẩn xuất khẩu có trọng lượng từ 70 - 450gr, da không bị sứt sẹo, củ không bị côn trùng cắn, hư thối. Và điều đó là nảy sinh khó khăn vì công ty thu mua 100% khoai của bà con nhưng số khoai đủ chuẩn xuất khẩu chỉ đạt chừng 40% là cao, ngoài ra là khoai dạt, phải bán nội địa. Đây là bài toán công ty phải giải đáp để nâng cao giá trị củ khoai Nhật, tăng thu nhập cho nông dân và cả công ty.
Từ nhiều gợi ý khác nhau, anh Đa xác định không thể cung cấp hoàn toàn khoai tươi mà cần gia tăng hàm lượng chất xám qua chế biến. Vậy là anh lên kế hoạch đầu tư, xây dựng nhà xưởng, máy móc để chế biến khoai theo hướng thanh trùng, đóng bao chân không củ khoai. Được sự hỗ trợ gần 5 tỷ đồng của Chương trình GCF của chính phủ Đan Mạch và vốn đối ứng 5 tỷ của công ty, nhà xưởng đã xây xong và máy móc đang được lắp đặt, dự kiến cuối năm 2013 mẻ khoai thanh trùng đầu tiên sẽ xuất kho.
Anh Đa cho hay: “Khoai đã qua chế biến để được lâu, vì thế chúng tôi có điều kiện để thâm nhập những thị trường xa hơn, cần thời gian vận chuyển dài hơn. Hiện khoai xuất bằng tàu biển, chỉ cần vượt quá 15, 20 ngày là đã dễ hư hỏng, nếu thanh trùng đóng bịch kín có thể để được vài năm, chúng tôi có thể tìm tới châu u, Mỹ để giới thiệu sản phẩm”. Ngoài ra, những củ quá to, quá nhỏ không thể xuất nguyên củ cũng có thể được xắt lát, xắt khối… cung cấp cho thị trường.
Để phục vụ cho việc chinh phục những thị trường cao cấp như châu Âu, anh Đa đã đầu tư hệ thống nhà kính sản xuất giống 0,5 ha với con số 2 tỷ đồng để cho ra những ngọn giống chất lượng cao nhất. Diện tích 10 ha đất của công ty đang được xây dựng Global Gap để đáp ứng đòi hỏi của châu Âu. Anh Đa cũng tâm sự, trong tương lai gần công ty vẫn xuất khoai tươi nhưng về lâu dài, hướng chế biến khoai vẫn là chủ đạo bởi giá trị được tăng lên đồng thời công ty chủ động trong sản xuất và cung cấp cho thị trường.
Củ khoai lang giản dị của bà con nông dân Lâm Đồng đang chứng tỏ được sức mạnh khi tham gia xuất ngoại, mang lại thu nhập cao đồng thời mang tới cho thị trường nước ngoài một loại nông sản có giá trị dinh dưỡng cao.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù đã di dời lồng bè về khu quy hoạch C1, nhưng hầu hết người nuôi tôm hùm vẫn không thể bám trụ, ổn định sản xuất được. Tìm hướng đi phù hợp để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững là vấn đề nan giải hiện nay.

9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.

Bão số 8 chưa khắc phục xong hậu quả, bão số 10 lại ập đến, bao mất mát, nước mắt, nghẹn đắng. Cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt sẻ chia từng ngày lương, gói mỳ thì bão số 11 tiếp tục hoành hành cướp đi sản nghiệp của hàng ngàn gia đình miền Trung. Bão lũ liên miên, miền Trung chìm trong biển nước…

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.

Quả thật, khi lên hồ Suối Hai (thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) hỏi thăm mọi người ai cũng biết đến ông Lã Đức Quảng, với bản chất tần tảo, cần cù chịu khó bám hồ suốt nhiều năm nay để phát triển nghề nuôi thuỷ sản lồng bè.