Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khoai Lang Rớt Giá Tại Thương Nhân Trung Quốc Hay Tại Ta?

Khoai Lang Rớt Giá Tại Thương Nhân Trung Quốc Hay Tại Ta?
Ngày đăng: 16/05/2012

Câu chuyện thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu gom nông thủy sản, kích giá sốt mạnh rồi lao dốc sâu đã không còn xa lạ với người nông dân vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện một lần nữa bà con trồng khoai lang tại các tỉnh ĐBSCL lại rơi vào tình cảnh này. Vì sao?

“Chết” vì ham lãi

Cách đây vài năm khi giá khoai lang, đặc biệt là khoai lang tím Nhật liên tục tăng cao, từ 450.000 đồng/tạ (tạ tính bằng 60 kg) lên 500.000 đồng/tạ, rồi 600.000 đồng/tạ. Đặc biệt vào thời điểm khoảng tháng 10 năm ngoái, mỗi tạ khoai lang tím Nhật được thương lái trong nước thu gom bán lại cho thương lái Trung Quốc với giá 1.050.000 đồng.

Ông Nguyễn Thành Dũng, ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết: “Mấy năm trước trồng khoai cho lợi nhuận cao lắm, đặc biệt ở năm ngoái, lợi nhuận trồng khoai lang cao gấp 10 - 13 lần so với trồng lúa vì vậy ai cũng muốn bỏ lúa chuyển sang trồng khoai hết”. Cuộc chạy đua theo lợi nhuận “khủng” từ cây khoai lang làm diện tích cứ thế liên tục tăng cao.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, Vĩnh Long, trong những năm qua diện tích khoai lang tại huyện Bình Tân liên tục tăng cao, từ 4.500 héc ta lên 5.100 héc rồi lên 6.000 héc ta và hiện tại diện tích lên đến 6.500 héc ta.

Không chỉ ở huyện Bình Tân, nhiều diện tích đất ở những địa phương khác lâu nay chỉ trồng lúa nhưng nông dân cũng ồ ạt chuyển sang trồng khoai lang như huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Tại tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ…, diện tích khoai lang cũng nhanh chóng tăng lên.

Tuy nhiên, lúc diện tích khoai lang tăng mạnh cũng là lúc giá rớt thê thảm, xuống mức đủ khiến người nông dân lâm vào cảnh nợ nần mà nguyên nhân được xác định là do thương lái Trung Quốc ép giá. Bà con nông dân trồng khoai lang tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết, hiện mỗi tạ khoai chỉ còn trên dưới 300.000 đồng, giảm 700.000 – 800.000 đồng/tạ so với mức giá kỷ lục đạt được trong năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Biên, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, Vĩnh Long tính toán, với giá bán như hiện tại, mỗi công (1.000 m2) khoai lang tím Nhật sau khi bán bà con thu được chỉ khoảng 10 – 12 triệu đồng. Nếu trừ đi các khoản chi phí gồm giống, phân thuốc, nhân công chắc chắn người trồng sẽ lỗ. Riêng những hộ đi thuê đất trồng khoai lang còn lỗ nặng hơn.

Bài học... thiếu tổ chức

Việc nông dân ồ ạt chuyển đất lúa sang trồng khoai lang, làm cung vượt cầu đã dẫn tới tình trạng như ngày hôm nay.

Giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo (Long An) - một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, tình trạng khoai lang rớt giá như hiện nay là do thiếu tổ chức sản xuất, để nông dân phát triển tự phát.

Ông nói: “Nông dân bán được giá cao là nhờ họ bán số ít (cầu vượt cung), khi chúng ta thấy giá cao nên cứ hè nhau trồng thì số lượng nhiều lên dẫn đến cung vượt cầu làm giá giảm xuống. Bởi khi cung vượt cầu thì đương nhiên người mua sẽ có quyền chọn lựa, ai làm tốt nhất, giá rẻ nhất thì họ mua”.

“Muốn chấp dứt điệp khúc này (được mùa rớt giá), nông dân cần tổ chức lại, họp lại. Nếu nông dân không tự đứng ra làm được thì Nhà nước phải đứng ra giúp nông dân làm. Từ đó, kéo ông thương lái lại hợp đồng thế nào, cần số lượng bao nhiêu, giá cả ra sao...?” - ông Xuân gợi ý giải pháp.

Thực tế, thời gian qua dù ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL, đã đưa ra nhiều khuyến cáo về việc nông dân ồ ạt chuyển đất lúa sang trồng khoai lang. Tuy nhiên, các biện pháp cũng chỉ dừng lại ở khuyến cáo mà không có bất kỳ một biện pháp hữu hiệu nào được áp dụng.

Ông Xuân cho rằng, thương lái Trung Quốc thu mua nông sản của Việt Nam cũng là một điều lợi. “Nếu ta bán nông sản không có người nào mua mà chỉ có Trung Quốc mua thôi thì mình phải cám ơn họ. Còn nếu mà họ vào tranh mua với doanh nghiệp Việt Nam thì mình cũng phải tính toán lại cho có sự hài hòa giữa doanh nghiệp trong nước, nông dân và doanh nghiệp Trung Quốc. Quan trọng nhất là mình phải có sự tổ chức sản xuất lại, tránh tình trạng cung vượt cầu” - giáo sư - tiến sĩ Xuân nói.

Có thể bạn quan tâm

Từ hai bàn tay trắng trở thành chủ của đàn bò gần 300 con Từ hai bàn tay trắng trở thành chủ của đàn bò gần 300 con

Sau 18 năm chăm sóc và gây dựng, từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình anh Xá đang sở hữu trong tay gần 300 con bò với giá trị hơn 3 tỷ đồng

28/11/2016
Ông trùm nuôi trâu vùng rốn phèn Ông trùm nuôi trâu vùng rốn phèn

Hơn chục năm ròng mải mê với đàn trâu rồi làm giàu cũng từ đó, anh Nguyễn Hồng Ngự được mọi người đặt biệt danh là trùm nuôi trâu miền Tây

28/11/2016
Nuôi gà siêu trứng, thu nhập 2 triệu đồng/ngày Nuôi gà siêu trứng, thu nhập 2 triệu đồng/ngày

Ông Nguyễn Văn Liệu (52 tuổi, ở phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đã thành công với mô hình nuôi gà siêu trứng, thu nhập 2 triệu đồng/ngày.

29/11/2016
Chuyện làm giàu của lão nông 75 tuổi Chuyện làm giàu của lão nông 75 tuổi

Dựa vào điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, lão nông Phạm Đạt ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đã mạnh dạn phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn trái

29/11/2016
Kiếm tiền tỷ nhờ lên rừng nuôi gà sạch Tiên Yên Kiếm tiền tỷ nhờ lên rừng nuôi gà sạch Tiên Yên

Năm 2015, sản lượng gà của anh Trần Văn Đa đạt 16 tấn mang về cho anh thu nhập khoảng 2,4 tỷ đồng, trừ đi chi phí, anh vẫn lãi trên 2 tỷ đồng.

29/11/2016