Khoai Lang Bình Tân Sao Chỉ Phụ Thuộc Vào Thị Trường Trung Quốc?

Huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hiện có gần 10.000ha khoai, nhưng cho đến nay chưa có bất kỳ một doanh nghiệp nào ở địa phương đứng ra thu mua và xuất khẩu khoai lang. Do vậy, các lái Trung Quốc quyết định toàn bộ về giá cả, mua nhiều, mua ít...
Mua bán hàng trăm triệu, có khi tiền tỷ nhưng toàn “ừ” qua điện thoại chớ không có bất kỳ giấy tờ nào.
Từ năm 2010, 2011, các thương lái bắt đầu ăn mạnh khoai tím Nhật với giá cao, nên nhiều người chuyển lúa qua trồng khoai. Đến nay, Bình Tân được xem là địa phương có diện tích khoai lang lớn nhất tỉnh.
Phải công nhận rằng, chính nhờ chuyển mạnh sang trồng khoai mà thu nhập nông dân tăng lên đáng kể. Như ông Ba Công ở Thành Đông, thu hơn nửa tỷ bạc từ 7 công khoai, nhờ “neo” ruộng chờ giá nên năng suất khoai tăng lên lại trúng dịp khoai lên đột ngột 850.000 đ/tạ. Còn bình thường thì 1 công khoai vẫn có thu nhập cao hơn trồng lúa.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thành Đông, ông Trần Ngọc Chiến cho biết, hiện giá khoai đang đứng trong khoảng 620.000- 640.000 đ/tạ, dù năng suất vụ này không cao lắm chỉ khoảng 30 tạ/công, nhưng vậy là cũng có ăn rồi, cứ tính thu nhập gần 20 triệu đồng/công, trừ chi phí khoảng 6- 7 triệu là nông dân có lợi nhuận trên 10 triệu rồi.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 15 phút sau, thì anh Điệp- một thương lái địa phương cho biết giá khoai đang rớt xuống 580.000 đ/tạ. Anh Điệp nhăn mặt: “Như vậy là 20 tấn khoai “ăn” sáng nay coi như lỗ nặng”. Đúng là giá khoai nó nhảy như cây cân vậy, chỉ tích tắc là mất có khi hàng trăm ngàn đồng/tạ. Nông dân chỉ biết trồng, còn giá cả thì “may nhờ, rủi chịu”.
Là một cán bộ nhà nước, cách đây hơn 2 năm anh Nguyễn Khắc Điệp, nghỉ hẳn nhảy ra ngoài làm lái khoai, hiện anh là một trong những lái khoai có vốn mạnh, lúc nào cũng cầm tiền tỷ trong tay. Phương thức mua bán là lái Trung Quốc không trực tiếp mua ở ruộng, mà cho giá thông qua những thương lái địa phương.
Những năm đầu còn lạ nước, lạ cái nên việc mua bán, định loại khoai đều do mình, nhưng bây giờ thì chua lắm, khi dội hàng thì nó ép giá, hoặc lỡ nhận giá cao thì nó dạt khoai thấy thương. Như vậy là củ khoai của nông dân chỉ di chuyển có mấy cây số đến kho, nhưng phải qua mấy lần thương lái.
Theo nguyện vọng người trồng khoai, thì phải chi Nhà nước mình vận động làm sao cho công ty gốc ở nước ngoài vào đây thành lập công ty thu mua trực tiếp và thống nhất một đầu mối, thì mọi người mới an tâm, chớ làm theo kiểu “đánh lẻ” như bây giờ thì đúng là hồi hộp lắm.
Ruộng khoai bữa nay vậy, nhưng ngày mai là khác rồi. Thêm vấn đề nữa là, những thương lái qua đây cũng chỉ là một trung gian thu gom cho các đầu mối bên Trung Quốc, cho nên củ khoai của mình “bị cắn” thêm một khúc.
Hiện có 8 kho khoai Trung Quốc đóng trên địa bàn huyện Bình Minh, toàn bộ giao dịch mua bán đều thông qua hệ thống lái người địa phương với khoảng 30 người. Chỉ sau hơn 2 năm lái khoai, anh Điệp được xem là một “đại gia” trẻ. Theo ông Chiến, chỉ có nông dân là “nắm đằng lưỡi”, còn thương lái mạnh vốn vẫn vững trân. Những thương lái địa phương “chết” là do yếu vốn chạy bạc nóng, khi bị thương lái Trung Quốc đè thì trắng tay.
Khoai lang đã khẳng định là thế mạnh của huyện Bình Tân, tạo ra việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, với rất nhiều công việc như: lựa khoai, bốc vác, thu hoạch, xuống giống… Đặc biệt, là tăng thu nhập đáng kể cho nông dân. Do đó, rất cần thiết quy hoạch diện tích ổn định, tránh mở rộng tràn lan rồi lâm vào cảnh nông dân thua thương lái Trung Quốc ngay trên ruộng khoai của mình.
Có thể bạn quan tâm

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm đang xuất hiện ở nhiều tỉnh ĐBSCL trong vụ tôm 2012, một cuộc họp về dịch bệnh tôm đã được tổ chức ở Bến Tre vào chiều ngày 29/2.

Tại xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội có hàng ngàn con vịt chết do cúm gia cầm H5N1. Cơ quan chức năng vào cuộc và tiến hành tiêu huỷ gần 3.000 con. Đây là ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên tại Hà Nội.

Nhằm nâng cao giá trị cây vải, mang lại hiệu quả cho người dân, hướng tới xuất khẩu, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt đề án “Xây dựng, phát triển mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà, đảm bảo ATVSTP theo quy trình VietGAP”.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở vùng đất bán sơn địa thuộc xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa), năm học lớp 10, Vũ phải nghỉ học giữa chừng vì cha bệnh nặng. Để có tiền phụ giúp gia đình và nuôi các em ăn học, Vũ phải bươn chải kiếm sống bằng cách theo các cô bác trong làng buôn bán vật tư nông nghiệp, nông sản

Khi thu hoạch cá xong ao phải được cải tạo thật kỹ bằng cách: tháo cạn nước ao, vét lớp bùn đáy, diệt cá tạp, bón vôi, phơi đáy ao lâu hơn so nuôi các loài cá khác (phải trên 10 ngày), lấy nước vào ao, dùng hóa chất xử lý nước để ổn định môi trường nước