Khổ Vì Cà Phê Chín Sớm Đụng Mưa Ở Đồng Nai

Những ngày gần đây, nhiều nông dân trồng cà phê ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã bước vào vụ hái cà phê, sớm hơn gần tháng so với mọi năm. Năm nay do nhiều nguyên nhân dẫn tới cà phê chín sớm, khiến nhiều chủ vườn khổ vì hái cà phê trong khi thời tiết đang mưa nhiều.
Chúng tôi đến vườn cà phê của ông Đoàn Văn Chín tại khu 12, thị trấn Tân Phú khi ông đang cặm cụi nhặt từng trái cà phê chín rơi dưới các gốc cây. Với diện tích trên 1 hécta, mọi năm đến thời điểm này thì cà phê chưa chín, nhưng năm nay ông đã phải thuê công vào thu hoạch sớm, nếu không thì cà phê chín sẽ rơi rụng khiến chi phí sẽ tăng cao. Ông Chín cho biết: “Hiện nay, khó khăn cho nhà vườn nói chung là do mưa nhiều, cà phê chín không hái kịp gặp mưa nhiều thì trái sẽ rụng. Nhiều vườn phải thuê người đi thu lượm cà phê rơi rụng trong khi công thuê mướn bây giờ quá cao. Một ngày công bây giờ tới 100 ngàn đồng. Nếu đi lượm cà phê trong một ngày chỉ được 5 kg, tính ra chi trả tiền công như vậy thì nhà vườn chẳng còn bao nhiêu”.
Còn anh Nguyễn Văn Châu ở ấp 7, xã Phú Lộc, than: “Vườn nhà chỉ có 1,2 hécta, đây là năm thứ ba cà phê cho trái. Vụ trước tôi thu được trên 3 tấn, còn vụ này chắc thu ít hơn vì năm trước do có mưa trái vụ làm cà phê ra hoa không đồng đều, có cây ra bông 4 - 5 đợt nên hiện nay cà phê chín không đều, gây khó khăn cho thu hoạch". Anh Châu cũng cho biết: "Trong xã có nhiều vườn cà phê chín rụng đầy gốc phải thuê người đi nhặt, tốn kém chi phí. Năm rồi cuối tháng 10, tôi mới hái cà phê và thu hoạch rất gọn. Năm nay, mới tới tháng 8, tôi đã phải hái rồi lại gặp vào thời điểm mưa nhiều nên cà phê chín nhiều, rụng đầy gốc".
Theo anh Nguyễn Lý Tuấn Anh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, huyện Tân Phú có 2.491 hécta cây cà phê. Các năm trước cà phê thu hoạch chính vụ vào trung tuần tháng 11, nhưng năm nay do nhiều yếu tố (như: bón phân không đúng thời điểm; đợt bông đầu tiên của năm ngoái ra sớm do bị kích thích mưa trái vụ; thời gian mưa kéo dài hơn...) khiến thời điểm này nhiều vườn cà phê đã thấy chín lai rai, không đồng đều nên buộc phải thu hoạch. Tất nhiên, thu hoạch vào lúc này có khó khăn do khó phơi, khó bảo quản, chi phí nhân công cao...
Cũng theo anh Tuấn Anh, để tránh cà phê trong vụ tới chín không đều như năm nay, bà con trồng cà phê sau khi thu hoạch xong cần có biện pháp, như: bón phân đúng thời điểm; khống chế nguồn nước tưới để cây cà phê ra hoa từ 1 - 2 đợt, tránh tình trạng cà phê ra hoa không đồng loạt như hiện nay dẫn đến cà phê giảm năng suất, chất lượng, chi phí cho thu hoạch cao khiến nhà vườn giảm lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm

Từ năm 2014 đến tháng 4/2015, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổng vốn đầu tư các dự án là 734 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của doanh nghiệp (DN) để thực hiện dự án là 237 tỷ đồng.

Liên tục mấy ngày gần đây, người dân xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) thu hoạch được nhiều rau câu chỉ.

Mục tiêu của chiến dịch giải cứu này là giúp đưa giá ổi lên 2.000 đồng một kg, cao gấp 3-4 lần giá thương lái đưa ra.

Tỉnh ta có trữ lượng nông, thủy sản dồi dào và hàng chục làng nghề chế biến, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn. Trong đó các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng có thế mạnh chế biến hải sản gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ; huyện Vụ Bản, Ý Yên, Thành phố Nam Định phát triển các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm…

Khi trao đổi về tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp của xã Hợp Hải – một xã trọng điểm lúa, đạt tiêu chí nông thôn mới của huyện Lâm Thao, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Bây giờ làm ruộng nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung khác xưa nhiều. Hầu hết công đoạn nặng nhọc đã được cơ giới hóa, nên lao động trực tiếp giảm đi nhiều nhưng sản lượng và giá trị sản xuất vẫn tăng đáng kể.