Khó khăn trong xuất khẩu gạo tụt lùi do độc quyền tập thể

Trì trệ vì chính sách
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 8.2015, các DN chế biến, xuất khẩu gạo trong nước đã xuất khẩu được 325.175 tấn gạo các loại, trị giá FOB (giá tại cửa khẩu Việt Nam) đạt khoảng 138 triệu USD. Lũy tiến từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu được trong cả nước đạt khoảng trên 3,6 triệu tấn, trị giá FOB hơn 1,5 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo cả nước đã giảm 8% về lượng và 13% về giá trị.
Nông dân thu hoạch lúa hè thu tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Trong khi đó, một số DN xuất khẩu gạo cho biết, không chỉ giảm về lượng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm khi hiện nay gạo 5% tấm được chào bán chỉ 325-335USD/tấn, giảm 15USD/tấn và gạo 25% tấm là 315-325USD/tấn, giảm 8 -10USD/tấn so với mức giá đầu tháng 8.2015.
Kéo theo đó, giá lúa gạo nội địa cũng giảm từ 100 – 150 đồng/kg, dao động từ 4.200 – 4.300 đồng/kg đối với lúa IR50404 tươi, 6.100 – 6.250 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu.
Dù không phải là người trực tiếp kinh doanh trong ngành gạo nhưng qua quan sát, theo dõi trong nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ khoa học Công nghệ Sắc Ký Hải Đăng cho rằng, chính cơ chế “độc quyền tập thể” của các DN nhà nước như Vinafood hay thông qua VFA… đã làm ngành lúa gạo bị tụt lùi trong nhiều năm qua.
Cụ thể, việc chỉ dựa vào những DN nhà nước, chỉ tạo điều kiện cho những DN lớn hoạt động trong ngành gạo sẽ triệt tiêu những DN mới, trẻ, tiên phong đổi mới về công nghệ có thể tham gia vào ngành hàng. Qua đó, tạo động lực phát triển cho toàn ngành.
Cần nới lỏng điều kiện xuất khẩu gạo
Trước xu hướng cạnh tranh xuất khẩu gạo ngày càng tăng, các nước tham gia xuất khẩu gạo đều định hướng sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường… nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần nới lỏng các điều kiện để DN tham gia xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Đức Thành – Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), nói đã đến lúc cần xây dựng cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trong hoạt động chế biến, xuất khẩu gạo, đồng thời, khuyến khích các DN trẻ, DN mới nổi tham gia tìm kiếm thị trường mới và góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo đó, cần nới lỏng điều kiện trở thành DN xuất khẩu gạo được quy định trong Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, thông qua việc bãi bỏ hạn ngạch số lượng DN tham gia xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, theo ông Thành, cần “mở cửa” cho phép DN liên kết với nông dân sản xuất các loại gạo đặc sản được xuất khẩu những loại gạo có chất lượng cao, không nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện trong Nghị định 109. Cũng cần bãi bỏ yêu cầu phải đạt lượng xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn/năm đối với DN xuất khẩu gạo.
“Những yêu cầu này của Chính phủ nhằm kiểm soát tình trạng làm ăn chộp giật trong xuất khẩu gạo, nhưng đến nay chính sách này đã hạn chế sự phát triển của ngành gạo. Nhiều DN giảm giá sâu để bán hàng nhằm đảm bảo số lượng nên tình hình xuất khẩu càng tệ hại hơn” - ông Thành phân tích.
Cũng theo ông Thành, cần tổ chức lại VFA với đầy đủ đại diện của DN tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân trong thương mại lúa gạo, hướng VFA tới các hoạt động cung cấp thông tin hơn là thực thi chính sách.
Còn ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho rằng, nên thí điểm lập sàn giao dịch cho mặt hàng lúa gạo, với cách làm là tập hợp một nhóm nông dân sản xuất lúa của một tổ hợp tác hay hợp tác xã với quy mô vài trăm ha, sản xuất theo cùng một quy trình chất lượng với sản lượng đủ lớn.
Sản phẩm sau đó sẽ được đưa lên sàn giao dịch, được bán khi giá bán “khớp lệnh” với giá chào mua.
Với mô hình này, DN có thể truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm, giá bán bao nhiêu, như vậy, sẽ minh bạch được thông tin giá cả giữa nông dân và DN, từ đó tạo cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu gạo sang một số thị trường lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Singapore, Hongkong đã sụt giảm khá mạnh trong 8 tháng qua. Chỉ riêng thị trường Malaysia có lượng nhập khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 325.000 tấn với trị giá khoảng 139 triệu USD, tăng 95,9% về khối lượng và 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm 2015 đến nay, nông dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã xuống giống được 3.963ha màu các loại. Trong đó, khoai lang 204ha, sắn 20ha, bắp 149ha, ớt chỉ thiên 108ha, cải bắp 40ha, dưa hấu 1.090ha, cà nâu 11ha, dưa leo 20ha, hành tím 165ha, bí đỏ 383ha, rau các loại 678ha, đậu phộng 554ha, mía 150ha, đậu xanh 197ha, dây thuốc cá 185ha....
Hay tin khoai lang rớt giá, trong thời gian ngắn đã có nhiều đơn vị đến tìm hiểu thu mua nhằm hỗ trợ nông dân trong lúc khó khăn. Đây không phải là giải pháp lâu dài nhưng việc làm đã mang ý nghĩa thiết thực, được cộng đồng xã hội đánh giá cao.

Ngày 13/8, tại TP Hồ Chí Minh, Quỹ Hòa bình và Phát triển TP phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Trí Việt, tổ chức buổi “Tọa đàm về giống cây trồng biến đổi gen”.

Về làng Bình An, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (Bắc Giang) những ngày này, thấy rất nhiều vườn nhãn trĩu quả. Gia đình ông Hoàng Văn Đại có diện tích trồng nhãn nhiều nhất của thôn. Ông từng đại diện cho “nhãn làng” giành giải Nhất cuộc thi chung khảo về bình tuyển nhãn ưu tú do Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện trên địa bàn huyện năm 2011.

Phường Phương Nam (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) nằm ở vị trí trũng, cứ mỗi trận mưa to, nước ở khu vực các xã, phường Thượng Yên Công, Phương Đông (TP Uông Bí); Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều) và nơi xả lũ từ hồ đập Tân Yên (huyện Đông Triều) đổ về. Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã làm đổ 2 nhà dân, ngập 265 nhà, đặc biệt làm ngập toàn bộ 365ha cây vải chín sớm Phương Nam, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.