Khi rau và hoa trồng chung trong nhà kính
Mơ luống đất trồng rau
Luân canh rau với hoa trong nhà kính, nhà nông Cao Minh Chí thu lãi 1 tỷ đồng/ha/năm.
Bên luống rau và hoa luân canh trong nhà kính công nghệ cao, ông Chí nói đây là mảnh đất ông từng làm thuê, giờ thuộc quyền sử dụng của gia đình. Ba mươi mấy năm trước, vì hoàn cảnh gia đình, ông học chưa hết lớp 9 đã phải nghỉ hẳn để vào đời cuốc đất, làm cỏ, bón phân, bơm thuốc, thu hoạch, vận chuyển rau cho những chủ vườn sản xuất ngoài trời.
“Hồi đó một ngày công lao động được chi trả số tiền chỉ tương đương một ký gạo, nhưng đi xin việc làm thuê vô cùng khó khăn. Phải năn nỉ nhiều nơi, may mắn một tháng mới có người thuê 15- 20 ngày. Không như bây giờ, tôi phải đi tìm nhiều ngày mới thuê được một vài lao động làm rau, hoa thời vụ, dù mức lương chi trả đâu gọi là thấp nữa, từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, không kể bao ăn bữa trưa và các bữa ăn giữa buổi sáng, chiều”, ông Chí “ăn cơm mới, nói chuyện cũ”.
Cũng theo lời ông Chí, làm nghề nông hơn 3 thập niên nhưng trước đây chủ yếu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ thực tế sản xuất trên đồng. Kiến thức khoa học kỹ thuật hầu như tiếp cận rất hạn chế do điều kiện khách quan.
Tuy nhiên, dù năng suất rau chưa cao, thị trường tiêu thụ còn hẹp nhưng đã tạo ra những nông sản đặc trưng của miền ôn đới, nên nghề nông vẫn là sự lựa chọn của ông. “Cảm thấy tương lai có thể tạo lập cuộc sống ổn định với nghề nông ở Đà Lạt, những năm tháng làm thuê, tôi luôn mơ ước có đủ một khoản tiền để mua những luống đất nho nhỏ canh tác riêng cho mình”, ông tâm sự.
Một nhà kính, nhiều loại rau và hoa
Mãi đến đầu những năm 2000, ông Chí mới xoay xở mua được 0,4ha đất ở vùng Đất Mới, phường 7, Đà Lạt để lên luống trồng đậu Hà Lan. Mấy năm sau đó, một doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tìm đến đây thiết lập các hợp đồng trồng rau bó xôi, ông là một trong những hộ nông dân đầu tiên được tham gia liên kết.
Niềm yêu thích nghề nông và tinh thần chịu thương, chịu khó đã giúp ông nắm bắt khá nhanh kỹ thuật mới chuyển đổi canh tác từ 0,4ha cây đậu Hà Lan tiêu thụ nội địa sang trồng rau bó xôi xuất qua Đài Loan, mở hướng đột phá đi lên.
Rồi đến đầu năm 2010, trên diện tích 0,4ha này, ông chính thức xây dựng và đưa vào sử dụng nhà kính công nghệ cao sản xuất rau bó xôi, xà lách lô lô luân canh với các loại hoa cẩm chướng, đồng tiền, cát tường…
Đến nay, biện pháp luân canh trong nhà kính này đã được ông Chí mở rộng lên hơn 1ha, hàng năm thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.
Hiện tại, doanh nghiệp Đài Loan đã hết nhu cầu thu mua rau bó xôi, ông lại chọn hướng sản xuất theo xu hướng chung của thị trường trong nước. Từ bài học “được mùa, mất giá” và “được giá, mất mùa” đã từng trải qua, ông Chí triển khai sản xuất theo lịch thời vụ chuẩn xác để tránh thời điểm thu hoạch các loại rau, hoa vào mùa chính.
Như từ rằm tháng Chạp năm trước đến rằm tháng Giêng năm sau, ông chỉ trồng các loại hoa để thu hoạch với số lượng vừa phải; hoặc 2 tháng kể từ sau ngày rằm tháng Giêng, sản lượng thu hoạch hoa phải chiếm phần lớn so với sản lượng rau trong nhà kính.
Bên cạnh đó, để phòng trừ mầm bệnh bùng phát trong quá trình sản xuất luân canh, khi xuống giống trồng các loại rau, hoa vụ mới, phải tiến hành cải tạo đất trước hoặc sau thời gian giao mùa giữa mùa khô sang mùa mưa và ngược lại. Đây là những bài học mà ông Chí đã sàng lọc qua hàng chục năm làm nghề nông, và thực tế đã mang về doanh thu luôn đạt tốp đầu ở vùng Đất Mới.
Bây giờ, bên trong nhà kính trồng rau, hoa luân canh của ông Chí đã tự động hóa hoàn toàn các hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân, trở thành địa điểm trao đổi kỹ thuật sản xuất, xây dựng các đầu mối tiêu thụ. Hơn 40 hộ nông dân thành viên đã đồng thuận bầu ông Cao Minh Chí làm Tổ phó Tổ Hợp tác Đất Mới.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm trên cát là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì mô hình này cũng tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn do các DN, hộ nuôi sử dụng các thiết bị lạc hậu, không có tính năng tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.

Toàn tỉnh Cà Mau đã có trên chín nghìn ha các loại hình tôm nuôi bị dịch bệnh chết trắng trong vài tháng qua; trong đó có 833 ha diện tích tôm nuôi công nghiệp. Dịch bệnh thường gặp trên tôm nuôi như đốm trắng, đỏ thân, gan tụy và đến nay vẫn chưa có cách phòng trừ, chữa trị dịch bệnh này.

Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, người nuôi nghêu không khỏi lo lắng do nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm gần đây vẫn chưa được xác định, đồng nghĩa “tai họa” có thể bất ngờ ập xuống bất cứ lúc nào mà người nuôi nghêu không có cách gì để phòng tránh.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi cá nước ngọt ngày một phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại Quảng Nam còn cung ứng cho thị trường trong nước, đặc biệt là xuất khẩu.