Khi nước lũ không về

Mấy ngày qua, gia đình ông Lê Văn Ân, ấp Thạnh Phước, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ phải bất bật khai nước vào 2 ha đất của gia đình và tốn thêm trên 2 triệu đồng thuê máy xới làm đất tơi xốp, xử lý gốc rạ và lượng rơm do vụ lúa thu đông để lại.
Ông Lê Văn Ân cho biết: "Gần 30 năm qua, chưa năm nào mực nước lũ thấp như năm nay.
Vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trước mắt, tôi tốn thêm chi phí xới, trục, ban ủi đất...
Nước lũ thấp, phù sa ít thì phải tốn phân bón nhiều, mà phân nhiều thì sâu bệnh chắc cũng nhiều hơn mọi năm".
Cờ Đỏ là huyện thuần nông, có trên 90% người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
Bình quân hằng năm, huyện Cờ Đỏ có trên 25.000 ha sản xuất lúa vụ đông xuân.
Những năm qua, khoảng cuối tháng 7 âm lịch, nước lũ đã tràn ngập các cánh đồng và mang về một lượng phù sa khá lớn bồi đắp cho đồng ruộng.
Nhờ đó, vụ lúa đông xuân của nông dân Cờ Đỏ luôn cho năng suất cao, đặc biệt là giảm rất nhiều chi phí đầu tư.
Nhưng, thời điểm này, đã bước vào tháng 9 (âm lịch) nhưng nước lũ vẫn chưa thấy xuất hiện.
Và các cánh đồng chỉ thấy toàn là cỏ.
Ông Lê Văn Xo, nông dân ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An, cho biết: "Khi nước lớn chỉ mấp mé trên đồng, nước ròng thì khô ran luôn.
Chỗ nào trũng, nước ngập chút ít thôi!"
Một số khu vực đồng ruộng ở Cờ Đỏ không có nước lũ về.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, nước lũ năm nay về chậm, thậm chí thấp hơn mọi năm rất nhiều.
Từ đó, lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng cũng sẽ không cao.
Không những vậy, nước lũ về thấp, các cánh đồng không bị ngập nước, đất sẽ bị bạc màu, thiếu chất dinh dưỡng.
Đồng ruộng không được vệ sinh, lượng rơm rạ và sâu bệnh ở những vụ lúa trước không được xử lý triệt để.
Tình trạng ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa tiếp theo sẽ dễ xảy ra.
Nhất là chi phí đầu tư cho vụ sau có thể tăng từ 5 - 10%.
Trước tình trạng này, bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, khuyến cáo:
"Sau khi thu hoạch xong lúa thu đông, bà con nông dân chủ động bơm nước vào đồng ruộng cho ngập, để nhấn chìm rơm rạ, không cho rầy nâu có nơi trú ẩn, cũng như giúp phân hủy lượng rơm rạ còn lại trên đồng, tránh tình trạng ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa sau.
Đặc biệt, khi chuẩn bị xuống giống vụ lúa đông xuân, bà con nông dân cần phải xới đất thật kỹ để tạo độ tơi xốp cho đất".
Nước lũ về kém làm nguồn tài nguyên thủy sản cũng bị cạn kiệt khiến nhiều nông dân cũng bị thất thu.
Do không có đất canh tác, gia đình ông Cao Văn Thuộc, ấp Phước Trung, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, quanh năm sống chủ yếu bằng nghề làm thuê làm mướn.
Hằng năm, tranh thủ mùa nước nổi, gia đình ông đi giăng lưới kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Thuộc than: "Mọi năm giờ này tôi giăng lưới nhiều lắm, mỗi ngày kiếm 20 - 30kg cá.
Bây giờ trên đồng cạn khô cạn, thất thu rồi!".
"Sống chung với lũ" được nông dân huyện Cờ Đỏ thích ứng nhiều năm qua.
Và mỗi độ nước lũ về, người dân lại thả xuồng khắp các cánh đồng giăng lưới, đẩy côn, đặt lọp… tìm kế mưu sinh, tạo nên một bức tranh sống động của một vùng quê.
Nhưng giờ đây, các cánh đồng lại trở nên vắng vẻ vì nước lũ năm nay đã không về!
Có thể bạn quan tâm

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, kéo theo nhu cầu tiêu thụ chanh tươi làm nước giải khát gia tăng, trong khi đó sản lượng chanh giảm do ảnh hưởng thời tiết khô hạn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản.

Nhiều hộ nuôi tôm ở các vùng ven biển ĐBSCL lâm vào cảnh điêu đứng khi tôm sú và tôm thẻ chân trắng đồng loạt kéo nhau rớt giá. Chẳng những thất về giá, người nuôi tôm còn chịu cảnh dịch bệnh tràn lan khiến nhiều ao, tôm chết la liệt. Vụ tôm nuôi 2015 đang đứng trước nguy cơ đổ nợ.

Đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm vụ 1 - 2015 ở huyện Duy Xuyên đã thu hoạch xong, sớm hơn so với mọi năm. Nhờ sản lượng tăng, giá bán sản phẩm ổn định nên người dân hết sức phấn khởi.

Gần đây, nhu cầu mua bán, tiêu thụ quế tăng cao so với mọi năm nên nhiều người trồng quế ở Phước Sơn rất phấn khởi. Bên cạnh việc chăm sóc diện tích quế cũ, nông dân địa phương gieo ươm cây quế bản địa để mở rộng thêm diện tích.