Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi Cá Bổi Rớt Giá

Khi Cá Bổi Rớt Giá
Ngày đăng: 12/04/2014

Nhân rộng được một mô hình kinh tế là niềm vui của nông dân và của các cấp, các ngành địa phương. Tuy nhiên, sau khi mô hình được nhân rộng thì đầu ra của sản phẩm và giá cả bấp bênh đã làm cho phần lớn nông dân lo lắng, hoang mang.

Những ngày gần đây, cá bổi mất giá, thậm chí một số nơi thương lái không mua cá bổi, vấn đề này đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn đối với nông dân huyện Trần Văn Thời, vùng có diện tích và sản lượng cá bổi lớn nhất tỉnh Cà Mau.

Bỏ thì thương, vương thì lỗ

Tình trạng nuôi “cầm chừng”, hay nói phóng đại hơn là “cầm tù cá bổi” nghe ra có lẽ lạ đối với một số người, nhưng đối với những người nuôi cá bổi ở huyện Trần Văn Thời vào thời điểm này, đó là một từ thông dụng, có thể hiểu được.

Anh Đỗ Văn Lâm, Trưởng Ban Nhân dân ấp Rạch Ruộng C, cho biết: “Dùng từ cầm tù là còn nhẹ đối với nó, bởi vì cầm tù người ta còn cho ăn đầy đủ, còn đằng này chỉ cho ăn cầm chừng cho cá đừng chết, chớ tiền đâu mà cho ăn nhiều”.

Nhà anh Lâm nuôi hơn 4.000 m2 mặt nước cá bổi, năm 2013 giá cá còn ở mức tương đối nên các ao cá của anh thu về hơn 12 tấn, trị giá trên 500 triệu đồng. Những tháng đầu năm 2014, giá cá giảm dần, nay chỉ còn 42.000 đồng/kg đối với cá 8 con/kg.

Giá cá càng ngày càng giảm, trong khi một số thương lái đến xem và từ chối mua vì cá trứng nhiều, làm khô ít có lời. Nước ao ngày càng cạn, giá cá thấp dần, có khi còn không có thương lái đến mua cá.

Anh Lâm lý giải: “Vùng Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang có nhà máy thức ăn tại chỗ nên người nuôi cá có thể bán cá giảm hơn ở đây 10.000 đồng/kg mà vẫn lời”.

Đầu năm 2014, huyện Trần Văn Thời phát triển được gần 300 ha nuôi cá bổi, năng suất bình quân 20 tấn/ha. Đầu ra đối với khoảng 6.000 tấn cá bổi ở huyện Trần Văn Thời là nỗi lo chung không chỉ của nông dân. Dù rằng được mang thương hiệu cá bổi U Minh, nhưng xem ra thương hiệu trong tình cảnh này chẳng giúp được gì cho những hộ nuôi ở đây.

Khi sản phẩm có thương hiệu thì người bán cá bổi khô phải tốn thêm nhiều khoản chi phí đội lên từ nhãn hiệu, bao bì và phải sản xuất theo đúng chuẩn quy định. Giá thành đội lên thì sản phẩm bán ra thị trường giá tăng cao hơn sản phẩm không có thương hiệu.

Trong khi đó, cá bổi hiện nay chủ yếu được bày bán nhỏ lẻ cho người dân trong vùng sử dụng, sản phẩm chưa vươn ra xa được.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, trăn trở: “Cái bọc hút chân không là 3.500 đồng, nhãn hiệu 500 đồng, quy trình làm truyền thống là 2,2 kg cá tươi đạt 1 kg cá khô, còn quy trình mới thì 2,8 kg mới được 1 kg cá khô. Như vậy là giá bán đội lên khoảng 20.000/kg cá bổi với quy trình mới. Bán nhỏ lẻ thì người dân ăn cá chủ yếu là ngon hay dở chứ ít chú ý tới thương hiệu cá bổi U Minh”.

Cá thương hiệu không bằng cá… chợ đen

Đa phần thương lái thích mua cá bổi vùng Cần Thơ, Hậu Giang hơn. Bởi vì, vùng nuôi gần nhà máy thức ăn, nước tốt, cá ít trứng hơn vùng Cà Mau nên giá thành nuôi cá rẻ hơn, thương lái ít tốn chi phí vận chuyển, nông dân có lời nhiều hơn. Chỉ khi hết cá ở “vùng trên” thì một số thương lái mới dồn xuống Cà Mau thu mua cá.

Sau một năm thả nuôi cá bổi, ông Trần Thuận Thành cảm thấy vui mừng vì không bị lỗ vốn. Bởi, “may mắn” ông bán được một số cá tạp trong ao cá bổi nên cũng đỡ phần nào. Mùa mưa năm nay ông Thành quyết định chỉ nuôi cá bổi để ăn, còn làm kinh tế thì ông chuyển qua nuôi những loại cá khác.

“Nuôi nhiều thì có khi còn bán được, còn như nuôi một vài ao sau nhà thì có khi để tới cá đẻ lứa sau mà vẫn chưa có người mua”, ông Thành chua chát.

Ông Trần Thanh Hải kể lại: “Vừa rồi có một công ty ở Long An xuống hợp đồng mua cá bổi. Công ty này xuất mỗi năm khoảng 10-15 tấn sang châu Âu. Mình gợi ý họ mua cá mang thương hiệu cá bổi U Minh thì bị họ từ chối vì họ cho rằng quá đắt so với giá thị trường”.

“Mang tiếng phát động phong trào và nông dân làm theo, nhưng với giá cá bổi xuống thấp như hiện nay thì cũng buồn lắm và sau này không biết đi vận động các hội viên và nông dân tham gia mô hình sao nữa?”, ông Huỳnh Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, trăn trở.

Tạo dựng được thương hiệu cá bổi U Minh là điều quan trọng, nhưng vấn đề xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm, đưa thương hiệu đó tiến xa hơn, giữ vững giá cả là một việc làm cấp thiết hơn, cần được thực hiện ngay để người dân yên tâm phát triển sản xuất, tránh tình trạng chạy theo nuôi những con có lợi nhuận trước mắt, không mang tính chất lâu dài, ổn định về sau.


Có thể bạn quan tâm

Sẵn Sàng Cho Ngày Công Nhận Xã Nông Thôn Mới Sẵn Sàng Cho Ngày Công Nhận Xã Nông Thôn Mới

Đến xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy những ngày này sẽ dễ dàng nhận thấy không khí hối hả xen lẫn niềm vui của người dân đang trông chờ một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt: đó là lễ công nhận xã nông thôn mới (NTM) dự kiến sẽ diễn ra vào những ngày cuối tháng 11 này.

07/11/2014
Hiểm Họa Từ Cây Mai Dương Hiểm Họa Từ Cây Mai Dương

Theo thống kê sơ bộ từ các ngành chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 10.000 ha diện tích đất bị nhiễm cây mai dương- một loài thực vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, tốc độ phát tán cực nhanh trên diện rộng.

07/11/2014
Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Xây Dựng Nông Thôn Mới Vùng ĐBSCL Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Xây Dựng Nông Thôn Mới Vùng ĐBSCL

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Diễn đàn lần này nhằm tìm kiếm các giải pháp, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ĐBSCL, đồng thời tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ làm ăn, kinh doanh trên vùng đất này.

07/11/2014
Mô Hình Thí Điểm Chuỗi Cung Cấp Sản Phẩm Chè An Toàn Mô Hình Thí Điểm Chuỗi Cung Cấp Sản Phẩm Chè An Toàn

An toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, để có nông sản thực phẩm an toàn đòi hỏi có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và các cấp quản lý, giám sát chất lượng các sản phẩm nông sản (rau, củ, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm…) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

07/11/2014
Tập Đoàn Cao Su Lỗ Đề Nghị Lấy Vốn Nhà Nước Giải Quyết? Tập Đoàn Cao Su Lỗ Đề Nghị Lấy Vốn Nhà Nước Giải Quyết?

Đến nay ngoài Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALC II) đổ bể, lại có Công ty Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su VN) bị đề nghị giải thể, để lại khoản lỗ trên 1.770 tỉ đồng.

07/11/2014