Khánh Hòa Được Mùa Cá Nục

Từ đầu tháng 8 đến nay, cảng cá Vĩnh Lương (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) và những làng chài khác trên địa bàn tỉnh đã nhộn nhịp trở lại, bởi tàu về cá nặng khoang. Mỗi chuyến ra khơi, sau khi trừ chi phí, chủ tàu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng.
Mất mùa cá hố
Đến những làng biển chuyên nghề giã cào, khai thác cá hố ở TP. Nha Trang cách đây 4 tháng, chúng tôi chứng kiến không ít ngư dân thở dài khi cá hố mất mùa nặng. Tàu thuyền ra khơi khai thác trở về đều thua lỗ. Tại cảng cá Vĩnh Lương (xã Vĩnh Lương), vào giờ cao điểm, không khí trên bến, dưới thuyền khá buồn tẻ, nhiều tàu cá nằm im dưới bến. Ông Trần Quốc Việt (chủ tàu KH 90567 TS, xã Vĩnh Lương) chia sẻ: “Mùa cao điểm khai thác cá hố kéo dài từ khoảng tháng 4 đến cuối tháng 11, nhưng năm nay không hiểu vì lý do gì mà cá hố mất mùa, sản lượng đánh bắt được rất thấp. Ở cảng Vĩnh Lương, có tháng sản lượng cá hố khai thác được chỉ khoảng 1 tấn (trước đây hàng chục tấn/tháng). Như gia đình tôi, 10 chuyến ra khơi thì hết 6 - 7 chuyến thua lỗ”.
Tại phường Vĩnh Thọ, 40 đôi tàu giã cào chuyên khai thác cá hố cũng bị thua lỗ nặng. Nếu như năm trước, trung bình mỗi tháng, sản lượng cá hố khai thác được của địa phương này lên đến 400 tấn thì năm nay chỉ đạt khoảng 20 - 30%. Ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ - chủ 2 chiếc tàu chuyên khai thác cá hố tâm sự: “Bám biển gần cả đời người, tôi thấy năm nay “biển đói” nhất trong vòng 20 năm qua; ra khơi 10 chuyến thì già nửa là thua lỗ. Thế nhưng, ngư dân mà không bám biển thì biết làm gì?”. Theo ông Tính, thời gian trước, với đôi tàu khai thác xa bờ của gia đình ông, bình quân mỗi chuyến biển 5 - 7 ngày cũng đánh bắt được 10 tấn cá hố. Sau khi trừ chi phí, mỗi tàu có thể lãi cả trăm triệu đồng. Còn bây giờ, sản lượng đánh bắt thấp, phí tổn cao nên nhiều chủ tàu như ông phải bù lỗ.
Tại các địa phương như: phường Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Lương, người dân chủ yếu làm nghề biển, nhưng năm nay, nghề khai thác thủy sản mất mùa nặng khiến đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ tàu thua lỗ và không còn khả năng trả nợ; không ít chủ tàu đã phải bán tàu.
Được mùa cá nục
Bỏ lại sau lưng nỗi buồn của những tháng “biển đói”, hiện ngư dân xã Vĩnh Lương đang tiếp tục chuẩn bị ra khơi đánh bắt. Từ đầu tháng 8 đến nay, cảng cá Vĩnh Lương lại trở nên nhộn nhịp, mỗi chuyến tàu về cá lại nặng khoang. Gặp lại ông Trần Quốc Việt, ông hồ hởi cho biết: “Chúng tôi vừa ra khơi đánh bắt 6 ngày ở vùng lộng của tỉnh. Chuyến đi này đánh bắt đạt khá, hơn 7 tấn cá nục, cá sơn thóc và một số loại hải sản khác”. Theo tính toán của ông Việt, với giá cá hiện nay, sau khi trừ chi phí khoảng 120 triệu đồng cho 1 cặp tàu giã cào, mỗi chuyến biển, ngư dân thu lợi khoảng 30 triệu đồng.
Mới trở về sau chuyến biển dài ngày, ông Nguyễn Thanh Xuân (tài công trên tàu KH 90543 TS, xã Vĩnh Lương) chia sẻ: “Thời gian gần đây được mùa cá nục, cá sơn thóc; tuy lợi nhuận mỗi chuyến biển không cao bằng khai thác cá hố nhưng từ chủ tàu đến bạn thuyền đều vui mừng, bởi tàu không phải nằm bờ, anh em lại có thu nhập”. Được biết, ở Vĩnh Lương hiện có khoảng 150 cặp tàu giã cào hoạt động ở vùng lộng của tỉnh; do khai thác cá nục, cá sơn thóc đạt sản lượng cao nên hầu hết tàu thuyền đều ra khơi đánh bắt. Tính trung bình một tháng, mỗi tàu có thể ra khơi 4 chuyến; nhiều chủ tàu công suất lớn đã chuyển sang đánh bắt ngắn ngày, khoảng 7 ngày là quay vào bờ.
Ông Nguyễn Thành Hải - Phó Ban Quản lý Cảng cá Vĩnh Lương cho hay, năm nay do mất mùa cá hố nên sản lượng loại cá này qua cảng rất ít, chỉ vài tấn. Trong khi từ đầu tháng 8 đến nay, ngư dân được mùa cá nục, cá sơn thóc, sản lượng khai thác được đến 5 - 7 tấn/cặp tàu giã cào. Cảng cá Vĩnh Lương có ngày đón hơn 40 tàu đánh bắt cá nục gai, cá sơn thóc và nhiều loại hải sản khác; sản lượng cá nục, cá sơn thóc qua cảng lên đến hàng trăm tấn.
Chia sẻ với niềm vui của ngư dân những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho biết, thời gian gần đây, ngư dân đánh bắt được nhiều cá nục, cá sơn thóc. Sản lượng đánh bắt khá vừa giúp ngư dân tăng thu nhập vừa góp phần sớm đạt kế hoạch khai thác 85.000 tấn hải sản trong năm 2013 của tỉnh.
Hiện nay, cá nục gai bán tại cảng có giá khoảng 14.000 đồng/kg; cá nục suôn khoảng 20.000 đồng/kg, cá sơn thóc khoảng 7.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá cá cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 11/9, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, trả lời các câu hỏi của phóng viên về những vấn đề báo chí quan tâm.

Trước khi xuống giống, các nhà vườn trồng thanh long ở Đài Loan đánh luống cao để tránh bị úng nước. Ngoài cây trụ cho thanh long bám, nhà vườn Đài Loan còn làm giá đỡ. Trong quá trình phát triển, cây thanh long được cung cấp thêm dưỡng chất canxi bằng cách rải nhiều vỏ trứng gà vịt, vỏ trấu vào gốc cây, tạo độ tơi xốp và mát cho rễ cây bởi nó có bộ rễ ăn lan mặt đất.

Sáng 11-9, đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Xuân Lộc về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tham gia đoàn công tác còn có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Theo một số chủ doanh nghiệp (DN), trang trại, hiện nhiều DN, trang trại chăn nuôi đang chuyển hướng từ làm gia công cho các doanh nghiệp FDI sang tự chủ, thành đối tác làm ăn với họ. Các chủ DN, trang trại ngày càng quan tâm xây dựng chuỗi trong chăn nuôi nhằm tăng sức cạnh tranh.

Nhằm giúp người trồng mía có những thông tin về công tác chuẩn bị, tình hình giá cả, chính sách thu mua, cũng như những kế hoạch sản xuất trong vụ mía 2014-2015, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Ngoan (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), xung quanh những vấn đề mà bà con nông dân quan tâm hiện nay.