Khánh Hòa Đã Có Rau Sạch Đạt Chuẩn VieGAP

Sản phẩm rau sạch, rau an toàn được xác định dựa trên 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy tìm nguồn gốc sản phẩm.
Xây dựng quy trình thực hành sản xuất theo 4 tiêu chí này, sản phẩm rau của bà con nông dân xã Ninh Đông - Thị xã Ninh Hòa đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 thuộc Cục quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản cấp chứng nhận VietGAP.
Đạt chuẩn VietGAP sẽ là tấm giấy thông hành để rau Ninh Đông vào các kênh phân phối lớn - hiện đại; tạo cơ hội tiếp cận và quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Trong những năm qua, việc sản xuất rau của nông dân tại Khánh Hòa chỉ tập trung phát triển về số lượng hơn chất lượng. Canh tác nhỏ lẻ, manh mún, chưa mang tính hàng hóa nên hiệu quả kinh tế từ cây rau mang lại chưa thật sự bền vững.
Trước thực tế nhu cầu về nguồn rau xanh an toàn, chất lượng ngày càng tăng cao, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Khánh Hòa triển khai mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn tại xã Ninh Đông thị xã Ninh Hòa. Là một trong những vùng rau trọng điểm của tỉnh, Ninh Đông hiện đã thành lập Tổ liên kết sản xuất rau an toàn VietGAP với 18 thành viên là các nông hộ trồng rau trong xã.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Khánh Hòa cho biết Ninh Đông đã có truyền thống nên Chi cục chọn vùng này triển khai mô hình thí điểm theo chuỗi cung ứng. Trên cơ sở vừa tạo môi trường tốt vừa tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.
Đặc biệt là vùng rau Ninh Đông đã được Ủy ban tỉnh Khánh Hòa phê duyệt. Từ kết quả mô hình sẽ nhân rộng trên toàn tỉnh, để sản lượng rau đáp ứng ngày càng nhiều hơn.
Thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, rau Ninh Đông đảm bảo các quy trình về lựa chọn vùng sản xuất; quản lý đất, giống, phân bón, chất bổ sung, nước tưới, hóa chất, thu hoạch và khâu xử lý sau thu hoạch.
Tất cả những thông tin về sản phẩm đều thể hiện qua sổ theo dõi - được ghi chép trong suốt quá trình sản xuất của bà con nông dân. Với diện tích sản xuất 2,8ha, sản lượng rau quả tươi dự kiến của tổ liên kết là hơn 30 tấn/năm, gồm nhiều chủng loại khác nhau như: rau gia vị, rau ăn lá, ớt, bầu, dưa hấu…
Đặc biệt về đầu ra của sản phẩm, ngoài đơn vị đã tham gia vào chuỗi sản xuất là Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hiệp Nông Phát tại Khánh Hòa, việc liên kết kinh doanh và tiêu thụ rau VietGAP Ninh Đông cũng đã được triển khai đến hệ thống các siêu thị trong tỉnh.
Cái lợi lớn nhất khi người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rau VietGAP là sự an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Bởi các loại rau này được sản xuất và chứng nhận theo một quy trình có sự giám sát nghiêm ngặt. Dù năng suất có giảm so với trồng rau theo phương pháp truyền thống nhưng giá bán rau VietGAP cao hơn nên tính ra hiệu quả kinh tế vẫn đạt.
Điều quan trọng là thực hành canh tác theo chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo an toàn cho cả người trồng và người sử dụng, vì hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và thuốc tăng trưởng trong suốt quá trình sản xuất.
Ông Lê Cự, Tổ liên kết sản xuất rau VietGAP Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa chia sẻ Tổ liên kết đã sản xuất rau trong 1 thời gian dài và cũng được trải nghiệm qua các lớp IPM, các chương trình rau sạch, qua đó nhận thấy rằng thực hiện sản xuất rau an toàn nếu thực hiện tốt quy trình kỹ thuật thì vừa đảm bảo cho sức khỏe không những cho bản thân, gia đình đồng thời cũng có sản phẩm rau sạch tốt bán cho thị trường.
Lợi ích là vậy, tuy nhiên cái khó nhất của rau VietGAP là việc tiêu thụ sản phẩm, bởi người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm nhiều đến rau an toàn. Hơn nữa, do phải xử lý sơ chế, đóng gói nên giá bán của rau VietGAP cao hơn rau trồng thông thường sẽ khiến người tiêu dùng e ngại.
Để giải quyết bài toán trên, trước mắt cần hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm bằng các hoạt động quảng bá xây dựng thương hiệu, tạo cơ chế thuận lợi để gắn kết giữa khâu sản xuất với thị trường tiêu thụ; đồng thời tăng cường tuyên truyền về lợi ích lâu dài của rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đến người dân, đặc biệt là các tiểu thương tham gia buôn bán tại các chợ truyền thống.
Có thể bạn quan tâm

Liên kết sản xuất lúa giống, các loại cây hoa màu là hướng đi hợp lý để các hợp tác xã (HTX) và nông dân có thể nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc liên kết cũng mang lại hiệu quả, mà ngược lại, một số HTX phải ôm nợ vì các công ty không thực hiện đúng cam kết.

Phong trào nuôi cá lồng bè tự phát trên sông Tam Kỳ không chỉ cản trở giao thông đường thủy nội địa mà còn báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Say mê trồng lan nên bỏ cả việc làm ở TP.HCM, rồi mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đưa giống lan mokara về trồng thử ở đất Quảng Ngãi. Sau gần 2 năm đầu tư chăm sóc, đến nay mô hình hoa lan của anh đã đem lại thành công. Anh là Võ Trọng Thanh, quê xã Bình Hòa (Bình Sơn), vốn dĩ là… kỹ sư xây dựng.

Nằm sâu trong khu rừng trồng tại địa phương nên trang trại nuôi heo của anh Nguyễn Văn Lộc ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) đảm bảo về các vấn đề môi trường. Trang trại này giúp cho gia đình anh có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Trong quá trình triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2015, nhất là vụ đông xuân 2014 -2015 ở Cam Lộ (Quảng Trị) gặp nhiều khó khăn do tình hình hạn hán. Năm 2014, tổng lượng mưa toàn tỉnh chỉđạt 1.690 mm, bằng 67,6% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Mực nước hồ của các công trình thuỷ lợi lớn đạt ở mức thấp (dưới 50% dung tích thiết kế) có nhiều tác động gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.