Khẩn Trương Thực Hiện Mua Tạm Trữ 1 Triệu Tấn Quy Gạo Vụ Đông Xuân 2014-2015

Ngày 1-3-2015, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức Hội nghị triển khai việc mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 tại ĐBSCL theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 241).
Theo Quyết định 241, Thủ tướng Chính phủ Quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2014 - 2015 ở ĐBSCL.Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 1-3 đến hết ngày 15-4-2015. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ lúa, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết 31-8-2015.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 30-6-2015. VFA tổ chức việc phân giao cho các thương nhân trực tiếp sở hữu kho chứa lúa, gạo đúng quy chuẩn theo quy định thực hiện mua tạm trữ, đồng thời phối hợp UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức mua tạm trữ lúa, gạo…
Tại hội nghị, cùng với việc triển khai Quyết định 241, Bộ NN&PTNT đã triển khai cho các địa phương vùng ĐBSCL nắm Quyết định của Bộ NN&PTNT về Quy chế kiểm tra giám sát việc mua trạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2014 - 2015. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay mua tạm trữ lúa, gạo.
Riêng đối với VFA, ngoài việc công bố các tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp được tham gia mua tạm trữ lúa gạo trong vụ đông xuân 2014 - 2015 cũng đã đưa ra kế hoạch phân bổ dự kiến chi tiết về việc giao chỉ tiêu mua tạm trữ cho các địa phương và doanh nghiệp cụ thể…
Nhìn chung, các địa phương vùng ĐBSCL đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với chủ trương mua tạm trữ lúa, gạo và cho rằng các bộ ngành Trung ương, nhất là Bộ NN&PTNT đã có tham mưu đề xuất kịp thời với Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ sớm cho chủ trương mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 ngay từ trước Tết Nguyên đán 2015 và ban hành Quyết định 241 kịp thời, đúng thời điểm, giúp giá lúa gạo tại ĐBSCL quay đầu tăng giá trở lại.
Các địa phương cho biết sẽ tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT,VFA và các bên liên quan để thực hiện tốt việc mua tạm trữ lúa, gạo. Nhiều địa phương cũng kiến nghị VFA cần xem xét phân bổ chỉ tiêu cho hợp lý giữa các địa phương, trong đó chú ý phân bổ nhiều cho các doanh nghiệp có năng lực và tích cực thực hiện việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa cho nông dân thông qua mô hình “cánh đồng lớn”…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, cần triển khai thực hiện tốt việc mua tạm trữ để ổn định giá, tạo thuận lợi cho nông dân tiêu thụ lúa gạo. Ngay sau hội nghị, VFA cần sớm điều chỉnh và phân bổ chỉ tiêu chính thức cho các địa phương và doanh nghiệp để khẩn trương thực hiện ngay việc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2014 - 2015.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các địa phương vùng ĐBSCL phải tích cực vào cuộc để triển khai thực hiện việc mua tạm trữ lúa, gạo tại địa phương...
Có thể bạn quan tâm

Liên tục những ngày gần đây giá chanh ở ĐBSCL tăng rất mạnh. Chiều 14-5, thương lái ở Long An, Hậu Giang, Bến Tre… thu mua chanh không hạt với giá dao động từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, chanh núm giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg… tăng gần gấp đôi so với tháng trước.

Đi qua nhiều nhà vườn ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) mùa này, không khó để bắt gặp những hàng ớt thẳng tắp, quả đỏ trĩu cành đang được bà con nông dân khẩn trương thu hoạch. Loại cây trồng khá mới mẻ này đang là niềm hy vọng cho bà con nơi đây.

Huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông, đang xúc tiến xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa cho các sản phẩm xoài Đắc Ghềnh và sầu riêng Đắc Min. Đây đều là những loại nông sản đặc trưng của địa phương, với chất lượng thơm ngon vượt trội và sản lượng ổn định.

Ông Huỳnh Văn Hương, ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, được biết đến là một lão nông chăm chỉ, một hội viên Hội Cựu chiến binh tiêu biểu trong lao động sản xuất. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một nông dân đầu tiên nuôi bò thành công trên địa bàn xã.

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã tích cực tìm kiếm các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có mô hình trồng bí đỏ của gia đình chị Đinh Thị A Ngắc, ở làng 2, xã Vĩnh Thuận.