Khẩn Trương Chống Rét Cho Mạ Và Lúa Xuân

Thời tiết đột ngột rét đậm, rét hại kéo dài trong mấy ngày qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích mạ và lúa xuân mới cấy tại các tỉnh phía Bắc. Trước diễn biến này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo bà con nông dân làm tốt công tác phòng chống rét cho cây trồng, không chủ quan với thời tiết.
Nhiều biện pháp giữ ấm
Trong mấy ngày trời trở rét, bà Bá Thị Vân, thôn Đông, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức ngày nào cũng chạy ra đồng thăm ruộng mạ được gần 20 ngày tuổi. Bà cho biết, thời điểm gieo mạ trước Tết, thời tiết khá ấm nên không che phủ nilon.
Tuy nhiên mấy ngày qua, do nhiệt độ xuống quá thấp, bà đã phải phủ nilon tạm thời trên mặt luống mạ mà chưa kịp làm vòm. "Ngày nào, tôi cũng phải kiểm tra ruộng mạ, nếu có mưa đọng trên mặt luống phải gạt bỏ. Mạ năm nay phát triển tốt, sẵn sàng cho cấy khi thời tiết ấm áp" - bà Vân chia sẻ.
Còn tại khu gieo mạ của xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, ngoài một số ruộng mạ vẫn được phủ nilon kín mít, còn lại đa số đã được lột bỏ nilon, phát triển xanh tốt. Ông Nguyễn Văn Hoàn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Yên Sở cho biết, toàn xã gieo khoảng 5 - 6ha mạ phục vụ gieo cấy vụ xuân 2014, đến nay, mạ đã được 3 - 4 lá.
Theo ông Hoàn, dù thời tiết rét và người dân đã gỡ bỏ nilon che phủ nhưng diện tích mạ vẫn đảm bảo sinh trưởng tốt, vì HTX đã chủ động bơm nước vào toàn bộ diện tích khu mạ để giữ ấm. Hơn nữa, đã hướng dẫn bà con nông dân trước khi cấy bón lót phân lân, phân chuồng ủ mục để tăng sức đề kháng cho mạ non.
Tại một số địa phương đã có diện tích cấy sớm như Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ..., bà con nông dân cũng đã thực hiện các biện pháp chống rét cho lúa, trong đó quan trọng nhất là giữ nước trong ruộng.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng khuyến cáo, bà con nông dân không để ruộng lúa mới cấy bị hạn, cần đưa nước vào ruộng duy trì ở mực nước tối thiểu 2 - 3cm liên tục để giữ lúa ấm chân. Đối với diện tích lúa mới gieo sạ, không tháo nước vào ruộng, tăng cường bón tro bếp, phân lân, tuyệt đối không được bón phân đạm, các loại phân bón lá vào những ngày rét đậm rét hại, nhiệt độ dưới 13 độ C.
Đảm bảo khung thời vụ
Vụ đông - xuân năm nay, toàn TP dự kiến gieo cấy 102.000ha lúa, thời vụ gieo cấy tập trung từ giữa cho đến hết tháng 2. Để đảm bảo khung thời vụ, các địa phương đang theo dõi sát sao tình hình thời tiết và chỉ đạo sản xuất. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, vụ xuân năm nay, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy gần 7.000ha. Đến thời điểm này, diện tích đã cấy đạt khoảng 10%.
"Ngay khi bắt đầu đợt rét vừa qua, huyện đã chỉ đạo các xã dừng ngay việc cấy, tập trung chống rét cho mạ và làm đất. Khi nào thời tiết ấm lên sẽ tiếp tục triển khai cấy lúa. Huyện phấn đấu đến ngày 25/2, cơ bản hoàn thành việc cấy theo kế hoạch đề ra" - bà Dung cho biết.
Trước diễn biến của thời tiết, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc tuyệt đối không gieo mạ vào những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C. Đối với những diện tích mạ đã đủ tiêu chuẩn để cấy nhưng do điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại phải giữ mạ lại chờ khi nào nhiệt độ ấm (trên 15 độ C) mới đưa ra cấy.
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp hãm mạ hoặc hãm mộng đã ngâm ủ. Đồng thời, tập trung cao độ cho việc gieo cấy lúa đông xuân, hoàn thành gieo cấy trong tháng 2.
Theo đó, khi thời tiết ấm, cần chuẩn bị ruộng thật nhanh để cấy hoặc gieo sạ, gieo thẳng, tránh tình trạng "mạ chờ ruộng" dẫn đến mạ sân, mạ nền đất cứng bị chết chòm hoặc phát triển kém do thiếu dinh dưỡng, nhiễm nấm bệnh.
Đối với diện tích lúa đã cấy và diện tích gieo thẳng, bón bổ sung lân supe nếu nền nhiệt dưới 20 độ C kéo dài, kết hợp phun bổ sung các loại phân qua lá, chất hỗ trợ sinh trưởng... Khi trời ấm cần tranh thủ tỉa dặm kịp thời để đảm bảo đủ mật độ và bón thúc sớm bằng các loại phân hỗn hợp, phức hợp NPK hàm lượng cao, chuyên thúc để lúa bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh thuận lợi.
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa yêu cầu các địa phương khi thời tiết có rét đậm, rét hại tăng cường, cần tuyên truyền và hướng dẫn người nuôi tạm dừng thả giống. Theo Tổng cục Thủy sản, nhiệt độ xuống thấp dễ phát sinh bệnh đốm trắng. Từ đầu năm 2014 đến nay đã có khoảng 1.000ha tôm nuôi đã bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính.
Có thể bạn quan tâm

Theo đánh giá của các ngành chức năng, chăn nuôi là một trong những ngành sẽ bị tổn thương nhiều nhất trong quá trình hội nhập, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, để họ không bị “chìm” trong “cơn bão” này, rất cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và đủ mạnh.

Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2015 là năm thứ 3 Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ được tham gia dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi” với mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học thực hiện tại xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê (năm 2013), xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (năm 2014) và xã Chu Hóa, TP.Việt Trì (năm 2015).

Ông Trần Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết, hiện nay có nhiều thương lái đến địa phương, thu mua chuối quả trong dân, với giá cao, gấp từ 2 đến 2,5 lần so với 6 tháng trước.

Người nông dân Bình Thuận từng một thời nhờ cây thanh long đổi đời, khá giả lên. Nhưng cũng chính cây thanh long đã mang đến nợ nần chồng chất khiến nhiều người điêu đứng, trắng tay. Vấn đề là thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc, giá cả bấp bênh…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về sự cần thiết của việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam.