Khan Hiếm Dưa Hấu Xuất Khẩu Sang Trung Quốc

Giá dưa hấu tăng trở lại và tiêu thụ tốt giúp nông dân một số tỉnh miền Trung phần nào thoát khỏi khó khăn sau đợt rớt giá thê thảm hồi tháng 3.
Anh Nguyễn Văn Quang, nông dân trồng dưa ở xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho biết, khoảng hơn 1 tuần nay, nhiều thương lái đã quay lại mua dưa để xuất sang Trung Quốc với giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình một sào dưa (500m2) thu hoạch khoảng 2 tấn, anh kiếm xấp xỉ 5 triệu đồng sau khi đã trừ đi các chi phí.
Nông dân Trần Trung ở Quảng Ngãi chia sẻ: “cách đây 2 tuần gia đình tôi thu hoạch 2 ha dưa hấu, không ai mua phải mang đổ cho gia súc ăn. Giờ giá lên thì gia đình không còn sào nào nữa để thu hoạch. Tính hết cả vụ, tôi chịu lỗ đến hơn 40 triệu đồng”.
Ở tỉnh Bình Định, dưa hấu cũng bất ngờ tăng vọt. Dưa tại ruộng được thương lái thu mua với giá bình quân 7.000 đồng/kg, cao hơn trước trước từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Còn dưa được bán lẻ tại các chợ trong tỉnh giá từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg. Các thương lái cho biết với tình hình nắng nóng và tiêu thụ như hiện nay thì giá dưa có thể tiếp tục tăng trong một tháng tới.
Một số tỉnh khác ở miền Trung như Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa,... những ngày gần đây nông dân cũng phấn khởi thu hoạch vụ dưa cuối mùa để xuất sang Trung Quốc. Lý giải về việc giá dưa đột ngột tăng mạnh sau khi rớt thê thảm chỉ còn 500 đến 1.000 đồng/kg, các thương lái cho biết hiện nay dưa hấu đã vào cuối vụ, nông dân đã thu hoạch gần hết, trong khi phía Trung Quốc thu mua mạnh. Dưa chở lên cửa khẩu Lạng Sơn bao nhiêu cũng bán hết. Vì khan hiếm nên giá tăng là điều dễ hiểu.
Tại Bình Định, vụ Đông Xuân năm nay, nông dân các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Phù Mỹ,… đã chuyển đổi hơn 3.000 ha đất chân cao sản xuất lúa và hoa màu hiệu quả thấp sang trồng dưa hấu. Nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên dưa hấu phát triển tốt, cho năng suất cao từ 20 đến 25 tấn/ha. Tuy nhiên, do phần lớn dưa được thu hoạch vào thời điểm giá thấp nên nông dân trồng dưa đều lâm vào cảnh thua lỗ. Hiện nay chỉ có một số ít hộ kiếm được lời nhờ giá dưa tăng trở lại.
"Nếu nông dân mình biết rải đều thời gian thu hoạch thì chắc rằng phía Trung Quốc không dễ ép giá như một tháng trước", bà Phạm Thị Ngọc, một thương lái trái cây ở trị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát phân tích. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: "Để nghề trồng dưa hấu ở miền Trung được phát triển ổn định thì các tỉnh phải ngồi lại với nhau bàn bạc, tránh việc thu hoạch ồ ạt cùng thởi điểm để cho phía Trung Quốc có cơ hội ép giá".
Có thể bạn quan tâm

Những ngày qua, việc tôm thẻ chân trắng tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị bệnh lạ đang là đề tài thời sự, khiến hàng trăm hộ nuôi tôm tại tỉnh Nghệ An phân tâm và lo lắng.

Quý I/2012 trôi qua với đầy sóng gió cho hàng loạt mặt hàng nông sản XK của nước ta, đặc biệt là mặt hàng điều và cà phê. Duy nhất chỉ hồ tiêu vẫn giữ được “phong độ” khi giá bán ngay từ đầu niên vụ mới 2012 đã cao gấp 30% so với cùng kỳ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…

Trong khi nhiều nông dân khốn đốn với các loại cá da trơn xuất khẩu, thì ở ấp Đông Phước, xã Đông Bình, Huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, hàng chục hộ dân lại ăn nên làm ra khi chọn mô hình ương cá tra giống.

Huyện Phú Quý (Bình Thuận) không những được thiên nhiên ban tặng là vùng biển có trữ lượng hải sản lớn, đa dạng và phong phú mà còn là nơi có tiềm năng nuôi trồng thủy sản như khu vực Lạch Dù, Mộ Thầy. Chỉ tính hai nơi này diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản trên 5 ha.

Nghề nuôi rắn ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng đã phát triển mạnh và sản phẩm rắn đã xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực châu Á, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân.