Khan Hiếm Dưa Hấu Xuất Khẩu Sang Trung Quốc

Giá dưa hấu tăng trở lại và tiêu thụ tốt giúp nông dân một số tỉnh miền Trung phần nào thoát khỏi khó khăn sau đợt rớt giá thê thảm hồi tháng 3.
Anh Nguyễn Văn Quang, nông dân trồng dưa ở xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho biết, khoảng hơn 1 tuần nay, nhiều thương lái đã quay lại mua dưa để xuất sang Trung Quốc với giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình một sào dưa (500m2) thu hoạch khoảng 2 tấn, anh kiếm xấp xỉ 5 triệu đồng sau khi đã trừ đi các chi phí.
Nông dân Trần Trung ở Quảng Ngãi chia sẻ: “cách đây 2 tuần gia đình tôi thu hoạch 2 ha dưa hấu, không ai mua phải mang đổ cho gia súc ăn. Giờ giá lên thì gia đình không còn sào nào nữa để thu hoạch. Tính hết cả vụ, tôi chịu lỗ đến hơn 40 triệu đồng”.
Ở tỉnh Bình Định, dưa hấu cũng bất ngờ tăng vọt. Dưa tại ruộng được thương lái thu mua với giá bình quân 7.000 đồng/kg, cao hơn trước trước từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Còn dưa được bán lẻ tại các chợ trong tỉnh giá từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg. Các thương lái cho biết với tình hình nắng nóng và tiêu thụ như hiện nay thì giá dưa có thể tiếp tục tăng trong một tháng tới.
Một số tỉnh khác ở miền Trung như Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa,... những ngày gần đây nông dân cũng phấn khởi thu hoạch vụ dưa cuối mùa để xuất sang Trung Quốc. Lý giải về việc giá dưa đột ngột tăng mạnh sau khi rớt thê thảm chỉ còn 500 đến 1.000 đồng/kg, các thương lái cho biết hiện nay dưa hấu đã vào cuối vụ, nông dân đã thu hoạch gần hết, trong khi phía Trung Quốc thu mua mạnh. Dưa chở lên cửa khẩu Lạng Sơn bao nhiêu cũng bán hết. Vì khan hiếm nên giá tăng là điều dễ hiểu.
Tại Bình Định, vụ Đông Xuân năm nay, nông dân các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Phù Mỹ,… đã chuyển đổi hơn 3.000 ha đất chân cao sản xuất lúa và hoa màu hiệu quả thấp sang trồng dưa hấu. Nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên dưa hấu phát triển tốt, cho năng suất cao từ 20 đến 25 tấn/ha. Tuy nhiên, do phần lớn dưa được thu hoạch vào thời điểm giá thấp nên nông dân trồng dưa đều lâm vào cảnh thua lỗ. Hiện nay chỉ có một số ít hộ kiếm được lời nhờ giá dưa tăng trở lại.
"Nếu nông dân mình biết rải đều thời gian thu hoạch thì chắc rằng phía Trung Quốc không dễ ép giá như một tháng trước", bà Phạm Thị Ngọc, một thương lái trái cây ở trị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát phân tích. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: "Để nghề trồng dưa hấu ở miền Trung được phát triển ổn định thì các tỉnh phải ngồi lại với nhau bàn bạc, tránh việc thu hoạch ồ ạt cùng thởi điểm để cho phía Trung Quốc có cơ hội ép giá".
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, để phục vụ SX nông nghiệp quy mô lớn và giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân, tỉnh đã thành lập Trung tâm Cơ khí nông nghiệp Tháp Mười.

Sở NN-PTNT Nam Định đã phối hợp với Cty TNHH Cường Tân tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả trình diễn, SX thử giống lúa thuần chất lượng M1-NĐ trong vụ mùa 2015 tại xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu.

Không chỉ giải quyết được vấn đề chất thải, hầm biogas đã trở thành cứu cánh cho bà con xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu (Sơn La) về nhu cầu chất đốt.

Hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước được Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu cải tiến từ hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel.

Chăn nuôi đại gia súc ở miền núi phía Bắc từ lâu trở thành một nghề truyền thống, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.