Khấm Khá Nhờ Hương

Với nghề sản xuất hương thơm, ông Nguyễn Văn Khoa (54 tuổi), trú tại khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị, đã có thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm.
Ông Khoa tâm sự: Ở quê ông, người dân chủ yếu làm ngư nghiệp. Ngày trước, ông cũng đi biển đánh cá. Cuộc sống bấp bênh trên ngọn sóng 30 năm, đến năm 2005 ông nghỉ đi biển vì sức khỏe không cho phép. Lúi húi tìm mọi nghề để kiếm sống nhưng gia đình ông vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo...
Ông Khoa kiểm tra hương thơm.
Nhìn vợ con sống cơ cực mà chưa có lối ra, ông không đành lòng. Thấy ở quê chưa có ai làm nghề sản xuất hương thơm, năm 2009, ông quyết định đi học nghề làm hương để mở cơ sở sản xuất. Với số vốn ít ỏi, vợ chồng ông mua 3 máy sản xuất hương thủ công.
Hương làm thủ công năng suất thấp, lại không đẹp nên rất khó tiêu thụ. Ông Khoa vay 35 triệu đồng của Ngân hàng NNPTNT để mua máy làm hương chạy bằng điện. Từ đó, năng suất và chất lượng hương tốt hơn, mẫu mã cũng đẹp hơn. Hương làm ra nhiều, chỉ bán trong thôn xã thì không thể làm giàu nên hàng ngày ông đạp xe đi khắp các địa phương trong tỉnh để chào hàng. Tiếng lành đồn xa, bây giờ hương của ông sản xuất không đáp ứng kịp đơn đặt hàng.
Chỉ số hương đang phơi ngoài sân, ông Khoa cho biết: “Nhìn thì có vẻ dễ nhưng thực ra để làm ra loại hương vừa đẹp, vừa thơm thì không đơn giản. Phải biết cách chọn tăm tre, pha chế mùi hương…, khi làm phải cẩn thận, tỉ mỉ từng li từng tí mới có sản phẩm có chất lượng, được thị trường chấp nhận”.
Đến nay mới gần 4 năm làm hương, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 150 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí. Ngoài 3 lao động của gia đình, cơ sở sản xuất hương của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương với thu nhập từ 2,5-2,7 triệu đồng/người/tháng.
Những tháng hết vụ cá, người làm công lên đến hàng chục người.Ông Phan Văn Hùng- Chủ tịch Hội ND thị trấn Cửa Việt cho biết: “Cơ sở sản xuất hương thơm của ông Khoa là mô hình mới của địa phương, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương”.
Có thể bạn quan tâm

Xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp chọn, để phát triển ổn định bền vững, vì vậy đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân.

Trong tái cơ cấu kinh tế, KH-CN đã được xác định là động lực then chốt để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

Theo thông báo của cơ quan thú y Campuchia, hiện dịch lợn tai xanh đã xảy ra tại 4 tỉnh của nước này là: Siem Reap, Kam pong Cham, Prey Veng và Svay Rieng.

Ngày 24/10, tại xã Thung Nai (huyện Cao Phong, Hòa Bình), Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Hòa Bình tổ chức thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng hồ Hòa Bình.

Tỉnh Tiền Giang có tổng đàn gia súc (heo, trâu, bò) khoảng 674.000 con và khoảng 7,1 triệu con gia cầm. Để giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi thì giải pháp xây dựng, lắp đặt hầm biogas là tối ưu nhất.