Khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản

Sẵn có kinh nghiệm nuôi cá lồng từ nhiều năm trước, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, năm 2002, ông Nguyễn Văn Bình, thôn Đào Kiều đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư nuôi cá lồng.
Hơn 10 năm nuôi cá lồng thấy hiệu quả kinh tế không cao, năm 2013, qua tìm hiểu sách báo, ông Bình thấy việc nuôi cá quây tại những khu vực eo ngách của hồ Thác Bà cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông đã mạnh dạn đăng ký với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận đấu thầu 5,6 ha diện tích mặt nước hồ để quây lưới thả cá.
Sau một năm thử nghiệm, thấy hiệu quả kinh tế hơn hẳn việc nuôi cá lồng, gia đình ông đã chuyên canh tập trung vào nuôi cá quây.
Theo ông Bình, nuôi cá quây đơn giản hơn, mặc dù tiền đầu tư ban đầu lớn bởi phải tìm những loại lưới tốt để quây song có thể nuôi chuyên canh các loại cá, không tốn nhiều thức ăn, rủi ro thấp bởi cá ít bị bệnh, thu nhập cao gấp từ 3 - 5 lần nuôi cá lồng.
Năm đầu tiên nuôi thử nghiệm theo hình thức quây lưới, gia đình ông thu về gần 300 triệu đồng.
Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông đã khá lên trông thấy.
Gia đình anh Phạm Đức Kết ở thôn 3 cũng vậy.
Sẵn có diện tích đầm hơn 4 héc-ta đấu thầu từ trước, gia đình anh đã tập trung vào nuôi trồng thuỷ sản, coi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Anh Kết cho biết, vốn có kinh nghiệm nuôi cá nên anh thả xen canh nhiều loại cá với hình thức đánh tỉa thả bù.
Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh cũng thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi.
Dự tính, năm tới, gia đình anh sẽ thả thêm một số loại cá lăng, cá nheo bởi đây là loại cá có giá trị kinh tế cao.
“Nếu xen canh nhiều loại cá trong một diện tích nuôi thì thu nhập sẽ không chỉ dừng lại ở con số 100 triệu đồng” - anh Kết cho biết thêm.
Gia đình chị Hoàng Thị Anh, thôn Đào Kiều lại khác.
Do không có diện tích ao đầm, nhận thấy chủ trương của tỉnh, huyện hỗ trợ cho việc nuôi cá lồng, gia đình chị đã manh dạn vay vốn để làm lồng, mua lưới, đấu thầu eo ngách hồ Thác Bà để nuôi cá.
Bỏ ra số vốn ban đầu cho 7 lồng cá cộng với tiền lưới để nuôi cá quây trên diện tích 4 ha eo ngách mặt nước hồ mất gần 200 triệu đồng song năm đầu tiên, gia đình chị cũng thu gần hoàn vốn.
Theo chị Anh, quây lưới để ươm cá giống, khi cá lớn sẽ đưa vào lồng để nuôi, vừa đỡ công chăm sóc vừa không phải lo con giống, lại có thể nuôi gối vụ, không để thời gian lồng nhàn rỗi.
Hiện nay, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của xã Thịnh Hưng có trên 100 ha; trong đó, diện tích ao đầm 63,1 ha, diện tích quây lưới khoảng 60 ha với khoảng 268 hộ.
Sản lượng cá bình quân mỗi năm đạt trên 200 tấn, giá trị đạt gần 10 tỷ đồng.
Thời gian qua, Thịnh Hưng đặc biệt quan tâm, chú trọng trong việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô nuôi; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện;
Chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản để giúp người nông dân trên địa bàn xã tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả.
Hiện, xã đã thành lập hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản ngoài hồ để cung ứng con giống chất lượng, làm đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nhân dân.
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Thủy sản Yên Bái, vừa qua, gia đình anh Trần Đức Phương ở thôn 6, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho cá nheo và đạt kết quả cao, tỷ lệ trứng nở thành cá nheo giống đạt trên 80%.

Khởi nghiệp chỉ với hai con bò sữa, thời gian đầu, gia đình anh Lương Văn Thiết ngụ tại phường Bình Hòa (TX.Thuận An, Bình Dương) đã gặp không ít khó khăn và tưởng chừng như phải dừng lại niềm đam mê nuôi bò sữa. Nhưng bằng tấm lòng yêu nghề, vượt lên mọi điều kiện khó khăn, đến nay anh đã có được một trang trại bò sữa khá thành công.

Tuýp hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc giá 2.000 đồng đem hòa với 2 lít nước rồi phun trực tiếp vào buồng chuối. Chỉ sau một đêm, chuối chín đều, vàng ruộm như chín cây...

Chăn nuôi heo tại Bến Tre đang phát triển rộng khắp ở nhiều nơi trong tỉnh và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con nông dân. Mặc dù việc thu gom và xử lý chất thải trong chăn nuôi vẫn được người chăn nuôi thực hiện triệt để, đồng bộ bằng biện pháp xây dựng hầm ủ Biogas. Điều này góp phần cho ngành chăn nuôi mang tính bền vững hơn. Tuy nhiên, một số nơi bà con nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại như bệnh tật phát sinh, chi phí đầu tư cao trong thiết kế xây dựng hầm Biogas, điện, nước, công chăm sóc ...

Sau một thời gian tạm lắng, những ngày gần đây dịch lở mồm long móng đã tái bùng phát trên đàn gia súc ở thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến chiều tối nay 10.8 tại địa phương này đã có 16 con bò của 15 hộ dân bị mắc bệnh với các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, sùi nước bọt, nổi mụn nước.