Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khai thác lợi thế hồ chứa để phát triển thủy sản lợi cả đôi đường

Khai thác lợi thế hồ chứa để phát triển thủy sản lợi cả đôi đường
Ngày đăng: 09/04/2015

Nhiều hộ dân nuôi cá ở hồ Khe Chão, xã Long Sơn (Sơn Động) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lợi ích “kép” từ hồ chứa

Men theo con đường uốn lượn qua các triền núi cách trung tâm xã Đồng Hưu (Yên Thế) hơn 3 km, chúng tôi tới hồ Suối Cấy. Đây là hồ thủy lợi rộng khoảng 100 ha, cung cấp nước sản xuất cho người dân trong vùng. Năm 2011, anh Nguyễn Thanh Hải ở thôn Giếng Đồng, xã Đồng Tâm (Yên Thế) mạnh dạn nhận thầu diện tích mặt nước hồ để nuôi cá trong 20 năm.

Ban đầu, anh đầu tư hơn 300 triệu đồng mua xuồng máy, lưới, xây nhà kho trên đảo hồ và hai tấn cá giống các loại về thả, thuê 6 lao động địa phương cùng trông coi, chăm sóc. Ngay năm đầu tiên, anh Hải bán hơn 8 tấn cá, lãi gần 100 triệu đồng. Những năm sau, anh tăng dần lượng cá giống để thu hoạch rải quanh năm.

Năm 2014, được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ cá giống, thức ăn chăn nuôi và chế phẩm, anh đóng 6 lồng để nuôi cá diêu hồng. Anh Hải cho biết: “Nước ở hồ chứa luôn dồi dào, sạch do đó cá chưa bao giờ bị bệnh. Hơn nữa, lòng hồ có phù du sinh vật phong phú, quanh bờ có nhiều thức ăn xanh nên cá lớn nhanh”. Năm 2014, anh Hải thu hoạch hơn 4 tấn cá diêu hồng, gần 9 tấn cá các loại, lãi khoảng 150 triệu đồng.

Cũng khai thác lợi thế hồ chứa như anh Hải, tại thôn Đoàn Kết, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) có tỷ phú nuôi cá được nhiều người biết đến là ông Nguyễn Văn Sáng. Năm 2000, trong một lần lên thôn Đoàn Kết chơi, ông Sáng thấy có hồ nước rộng 20 ha trong thung lũng chưa giao khoán liền đến trụ sở UBND xã xin nhận thầu. Được chấp thuận, ông Sáng rời Hà Nội (nơi ông đang sinh sống) lên xã Quý Sơn ở hẳn để nuôi cá.

Đặc biệt, ông tự chế biến thức ăn cho cá bằng biện pháp phối trộn những nguyên liệu sẵn có ở địa phương nên giảm đáng kể chi phí, thu nhập ngày một tăng. Năm 2013, ông tiếp tục nhận khoán 60 ha mặt nước hồ Cây Đa, xã Đông Phú (Lục Nam) để mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Sáng nói: “Ngoài nguồn thức ăn thủy sinh có sẵn trong hồ, tôi bổ sung cám và rau, cỏ cho cá ăn. Đặc biệt, gần đây tôi thử nghiệm phương pháp nhử mồi trong lưới để đánh bắt cá, giảm đáng kể chi phí, công lao động”. Năm 2014, hai hồ chứa cho thu hoạch khoảng 100 tấn cá các loại, ông thu về hơn ba tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi gần một tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Khuyến khích mở rộng diện tích

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 618 hồ chứa do các công ty thủy nông và UBND cấp huyện quản lý với diện tích mặt nước hàng chục nghìn ha, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang. Các hồ này có chức năng chính là trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Đoàn Bá Thiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), các hồ chứa đều có diện tích rộng, nước sạch, lượng ô xi hòa tan trong nước cao... nên nhiều năm nay Chi cục khuyến cáo các hộ dân khai thác lợi thế này để phát triển thủy sản. Được biết, đến nay các hộ dân trong tỉnh đã nhận khoán gần 70 hồ chứa thủy lợi để nuôi cá theo hình thức quảng canh và bán thâm canh với diện tích gần 4 nghìn ha, tập trung ở Lục Ngạn với 22 hồ, Lục Nam 15 hồ, Yên Thế 7 hồ, Sơn Động 5 hồ…

Đặc biệt mấy năm gần đây, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng thâm canh với những giống cá có giá trị kinh tế cao như: Cá tầm, diêu hồng, chim trắng, rô phi đơn tính trên hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn), hồ Khe Chão (Sơn Động), Suối Cấy (Yên Thế). Cơ quan chuyên môn có cơ chế hỗ trợ giá cá giống, thức ăn chăn nuôi và cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nuôi thả. Hằng năm, tỉnh trích ngân sách thả cá công ích xuống hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) tạo nguồn lợi thủy sản cho người dân các xã vùng hồ.

Hiện, tại hồ Cấm Sơn, Công ty Cá tầm ngư Bắc Giang và Trung tâm Giống thủy sản cấp I (Lạng Giang) đang liên kết sản xuất thử nghiệm giống cá tầm để nuôi thương phẩm. Đây là giống cá chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Năm 2014, sản lượng cá các loại nuôi tại các hồ chứa ước đạt gần 4 nghìn tấn, với giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, các hộ thu về khoảng 120 tỷ đồng, trong đó nhiều hộ có mức thu vài tỷ đồng. Nghề nuôi thủy sản trên hồ chứa còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương mỗi năm với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù còn gặp những khó khăn nhất định nhưng lợi ích của việc nuôi cá tại các hồ chứa đã được khẳng định. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục khuyến cáo các hộ, tổ chức, cá nhân liên kết nuôi cá để tăng nguồn lực, trong đó tập trung vào các mô hình nuôi cá lồng.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo Chi cục Thủy sản đánh giá lại thực trạng nuôi thủy sản trên các hồ để tiếp tục xây dựng mô hình nuôi cá lồng cho các hộ dân học tập, đồng thời triển khai cấp giấy chứng nhận cho các hộ nuôi cá lồng có diện tích từ 50m3 trở lên, bảo đảm vệ sinh môi trường


Có thể bạn quan tâm

4 tháng đầu năm, số lô tôm bị cảnh báo tăng cao 4 tháng đầu năm, số lô tôm bị cảnh báo tăng cao

Chỉ 4 tháng đầu năm 2015, tổng số lô tôm xuất khẩu cả nước bị ba thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật Bản trả về do “vướng” chất cấm đã bằng gần 40% so với con số của cả năm ngoái, theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad).

23/05/2015
Lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu thủy sản quí 3 Lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu thủy sản quí 3

Xuất khẩu khó khăn, giá nguyên liệu tôm và cá tra xuống thấp cùng với dịch bệnh trên tôm hoành hành từ đầu năm tới nay khiến cho nông dân cắt giảm diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản. Do vậy, nhiều doanh nghiệp lo lắng về khả năng thiếu nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu vào quí 3 sắp tới.

23/05/2015
Đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới Đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

23/05/2015
Ngành mía đường có nguy cơ vỡ trận Ngành mía đường có nguy cơ vỡ trận

Với không ít yếu kém từ khâu sản xuất, chế biến tới tiêu thụ, nhiều chuyên gia đánh giá, nếu không kịp thời khắc phục, chỉ vài năm tới khi kinh tế hội nhập sâu, đường ngoại ồ ạt tràn vào, ngành mía đường Việt Nam có thể sẽ bị đánh bật khỏi “cuộc chơi” và “dâng” toàn bộ thị trường cho các DN nước ngoài.

23/05/2015
Cơ hội vàng cho nông sản xuất khẩu Cơ hội vàng cho nông sản xuất khẩu

Được coi là cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, song Việt Nam luôn chịu cảnh “được mùa mất giá”. Tình hình này sẽ giảm bớt nếu hiệp hội ngành hàng các nước bắt tay nhau.

23/05/2015