Khai Thác Hiệu Quả Mô Hình Cá Xen Lúa Ở Nghĩa Lộ (Yên Bái)

Với địa hình bằng phẳng, có nguồn nước dồi dào từ Ngòi Thia, suối Nung, suối Nậm Tộc không những đã tạo cho thị xã Nghĩa Lộ điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp mà còn là tiềm năng, lợi thế để địa phương phát triển ngành chăn nuôi thủy sản, nhất là mô hình nuôi cá xen lúa.
Với lợi thế đồng ruộng trũng, nguồn nước dồi dào quanh năm nên trong nhiều năm qua gia đình ông Lường Văn Sính, tổ Tông Pọng 1, phường Tân An đã tận dụng, áp dụng biện pháp kỹ thuật thả cá xen lúa cho thu nhập đáng kể.
Gia đình ông Sính đã tận dụng 3.000m2 ruộng vừa cấy lúa vừa thả cá. Cá nuôi chủ yếu là cá chép, cá rô, mỗi năm thu hoạch 2 vụ được trên 2 tạ cá, giá bán bình quân từ 50.000 - 55.000 đồng/kg mang về cho gia đình ông trên 10 triệu đồng.
Ông Sính cho biết: “Mặc dù không phải là nghề chính nhưng người dân chúng tôi đã biết tận dụng diện tích trồng lúa để nuôi cá, tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Là một trong những người nuôi cá lâu năm ở thôn Bản Vệ, xã Nghĩa An, ông Đồng Văn Nọ có 4.000m2 diện tích trồng lúa đều đã thả cá chép, mỗi vụ thu về trên 1 tạ cá.
Ông Nọ cho biết: “Gia đình nuôi cá xen lúa đã lâu. Nuôi loại cá này không khó, không phải chăm sóc nhiều vì cá ăn cây cỏ non, phân chuồng bón cho lúa, khi lúa trỗ ăn phấn hoa. Nuôi cá trước hết là để cải thiện bữa ăn cho gia đình và nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác”.
Phong trào nuôi cá xen lúa ở Nghĩa Lộ đã có từ lâu, hiện nay, diện tích thả cá xen lúa trên địa bàn là hơn 160ha, tập trung ở 7 xã, phường, trong đó: phường Tân An trên 32ha, Cầu Thia gần 10ha, Trung Tâm trên 7ha, xã Nghĩa Lợi trên 10ha, Nghĩa An gần 15ha… Chương trình nuôi cá xen lúa đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân và nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác của địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, tập quán canh tác của bà con trong vùng là nuôi cá để cải thiện chứ chưa sản xuất tạo vùng hàng hóa tại chỗ. Việc nuôi thả, chăm sóc chưa đúng kỹ thuật cũng ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất như: thả giống mật độ cao, kéo dài thời gian thả, con giống không đồng đều... cộng với các yếu tố môi trường như: nước bị ô nhiễm do dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên cá dễ bị ngộ độc chết…
Để khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần đẩy mạnh ngành chăn nuôi thủy sản trở thành ngành kinh tế có tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thị xã Nghĩa Lộ cần tăng cường công tác quản lý giống và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất cá lúa xen canh tăng cao; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình cá lúa mang lại hiệu quả; cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cung ứng giống, kỹ thuật cho nhân dân; các cơ quan chuyên môn cần có biện pháp phối hợp, chỉ đạo trong công tác tuyên truyền, vận động, tập trung hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thủy sản đến từng thôn, bản và hộ dân...
Có thể bạn quan tâm

Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.

Những ngày cuối năm âm lịch, nông dân trồng khoai mỡ ở xã Phú Mỹ rất phấn khởi vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, phấn khởi cho biết, anh có 8 công đất trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch được trên 17 tấn khoai. Đợt 1 thu hoạch bán được giá 14.000 đồng/kg, đợt 2 có giá 13.500 đồng/kg, còn đợt 3 vừa mới thu hoạch cách nay mấy ngày bán được giá 10.000 đồng/kg.

Mì chỉ là cây trồng xen lấy ngắn nuôi dài của nông dân Bình Phước. Nhưng cứ “giáp hạt” là giá cao, vào vụ giá giảm. Năm nay, giá mì lúc vụ chính thì nông dân chỉ hòa vốn, nếu hộ nào không nhổ kịp thì nay lỗ giá và cũng không bán được. “Trồng mì khó có lãi” - ông Nguyễn Anh Nhật ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) với 10 năm trồng mì thở dài.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2015, ngành tiêu chủ trương không tăng số lượng mà củng cố nâng cao chất lượng, khuyến khích các DN đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.

Tại nhiều chợ và điểm bán trái cây ở TP Cần Thơ, vú sữa Lò Rèn loại ngon giá bán lẻ đang ở mức 12.000 - 15.000 đồng/kg; vú sữa Cà Na 10.000 - 12.000 đồng/kg. Giá vú sữa Lò Rèn được nhà vườn bán buôn cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 10.000 - 11.000 đồng/kg; vú sữa Cà Na có giá khoảng 8.000 đồng/kg.