Khai thác hiệu quả cây dược liệu

Có khả năng phát triển rộng:
Thực hiện đề án phát triển cây dược liệu của tỉnh, những năm gần đây, huyện Quản Bạ đã tập trung lãnh, chỉ đạo chương trình phát triển cây dược liệu như thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc phát triển dược liệu trên địa bàn huyện; đẩy mạnh thu hút đầu tư... Đến nay, đã thu hút được 4 doanh nghiệp tham gia trồng và chế biến dược liệu, thành lập 5 HTX vệ tinh sản xuất cây dược liệu, nâng tổng diện tích cây dược liệu lên 2.440 ha gồm: 2.343,2 ha Thảo quả, Ấu tẩu, Hương thảo... do nhân dân tự trồng và 106,8 ha của các doanh nghiệp, HTX.
Tình hình phát triển cây dược liệu được xem là khả quan, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, Phạm Ngọc Pha cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, huyện Quản Bạ đã tập trung vào phát triển cây dược liệu. Tính đến nay, có 4 doanh nghiệp vào đầu tư như: Công ty Nam Dược và Công ty Dược Khoa đầu tư bằng hình thức thành lập các HTX vệ tinh, cùng các hộ dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm; Công ty Anvy và Công ty Bình Minh sản xuất bằng hình thức thuê đất của người dân tự sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Theo đó, nhiều giống cây mới như hương thảo, Đỗ trọng, Bạch chỉ... được đưa vào trồng”. Năm 2014, nhân dân đã phối hợp với các doanh nghiệp thông qua hình thức HTX cộng đồng để sản xuất dược liệu, cung cấp cho các công ty. Riêng năm 2015 sản xuất được 11,3 ha cây Atiso, nâng cao giá trị gia tăng cho cây dược liệu, các HTX còn xây dựng các dây chuyền chế biến vừa và nhỏ dùng để sản xuất cao Atiso, chất lượng dược liệu và thu nhập của bà con cũng nâng lên. Điều này giúp thay đổi một bước tư duy sản xuất từ nhỏ, lẻ sang sản xuất theo chuỗi giá trị.
Khẳng định về hiệu quả của cây dược liệu, Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, Vương Đình Ba chia sẻ: “Tổng diện tích cây dược liệu ở xã là 5,6 ha, gồm: Thảo quả, Bạch chỉ, Đẳng sâm... là những loại cây do Phòng Nông nghiệp huyện chỉ đạo trồng thử nghiệm từ năm 2011. Đến năm 2014, sau khi HTX Cộng đồng được thành lập, Công ty Dược Khoa đến hỗ trợ, thu mua sản phẩm Atiso thì trồng cây dược liệu mới bắt đầu có hiệu quả. Hiện mới có 13 hộ trong xã tham gia trồng cây dược liệu, bước đầu thấy rằng lợi nhuận cao hơn so với trồng ngô, lúa. Xét thấy tiềm năng của loại cây trồng này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 19 đã đề ra mục tiêu phấn đấu tăng diện tích cây dược liệu lên 50 ha”.
Cần tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm:
Đến thăm các cánh đồng trồng dược liệu tại thị trấn Tam Sơn, xã Quản Bạ, xã Quyết Tiến, người trồng dược liệu đều khẳng định đây là loại cây dễ trồng do phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, lãnh đạo các xã cho rằng dù có nhiều tiềm năng, là lựa chọn phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương nhưng để cây dược liệu phát triển rộng rãi vẫn còn khó khăn do thiếu đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Hơn nữa, đây là một loại cây trồng mới nên việc phát triển rộng cũng có khó khăn nhất định về vấn đề trồng trọt. Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, người trồng dược liệu chưa sản xuất được theo hướng hàng hóa, cần phải bồi dưỡng thêm về cách thâm canh theo quy trình kỹ thuật. Các dây chuyền chế biến sau thu hoạch đã có nhưng chưa đồng bộ. Vốn đầu tư cho sản xuất dược liệu cao, nguồn giống dược liệu chưa đáp ứng được vì chưa có nguồn giống chuẩn dùng cho sản xuất.
Dù còn nhiều thách thức song huyện đã có giải pháp tháo gỡ từng bước như thành lập Tổ phát triển cây dược liệu đồng hành với bà con; giúp người trồng tập huấn về kiến thức, kỹ thuật bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” trên đồng ruộng. Có cơ chế chính sách hỗ trợ từ 10 – 15 triệu đồng/ha tùy từng loại cây dược liệu; hỗ trợ các HTX xây dựng dây chuyền sơ chế dược liệu. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục định hướng cho người dân tổ chức lại sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, HTX và đồng hành với người dân để tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất; phấn đấu sản xuất dược liệu của Quản Bạ sẽ trở thành vùng lõi của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.

Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho hay mấy năm gần đây giá cá tra nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến ngành nuôi cá của tỉnh. Một thời gian dài, giá cá tra luôn ở mức xấp xỉ và thấp hơn giá thành sản xuất cá đẩy người nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Sản lượng cá tra toàn tỉnh 3 tháng đầu năm ước khoảng 95.500 tấn.

Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính giống mới theo hình thức thâm canh cho và 50 chủ trang trại nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Mấy ngày qua, trên các tuyến đường nông thôn tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu xuất hiện nhiều xe chở củ mì dính đầy bùn đen đem bán cho các cơ sở chế biến mì trong tỉnh. Hỏi ra mới biết nông dân đang thu hoạch sớm do trồng mì trên những vùng đất thấp, đó là những chân ruộng được canh tác theo chế độ luân canh "1 lúa 1 mì" hoặc là những vùng đất trồng mía sau khi hết chu kỳ.

Ngày 1.4, Tổ dự án nuôi ghẹ xanh trên biển do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) chủ trì, đã thả trên 6.000 con ghẹ xanh giống để nuôi tại khu vực đảo Hòn Khô - Nhơn Hải (nuôi bằng hình thức thả đăng, ảnh).