Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khá Lên Từ Nuôi Ếch

Khá Lên Từ Nuôi Ếch
Ngày đăng: 23/08/2013

Về ấp 2, xã Đạo Thạnh TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), hỏi "Trại ếch giống Bảy Có" của chú Phan Văn Có, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ếch, ai cũng biết. Chú Có là người tiên phong trong mô hình sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm với lợi nhuận mỗi năm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Khi mới bước vào nghề nuôi thủy sản, chú Có đã nuôi qua nhiều loài thủy đặc sản như: Ba ba, lươn, cá rô đầu vuông,... nhưng tất cả các đối tượng nuôi này hiệu quả mang lại không cao. Vì vậy, chú Có chọn ếch Thái Lan để tiếp tục cái nghiệp thủy sản của mình. Đến đây, nhờ đam mê và tìm tòi học hỏi, chú thành công với mô hình sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm.

Chú Có cho biết, bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi ếch Thái Lan trong ao đất vào năm 2008 chỉ với 20 cặp ếch bố mẹ và 2.000 con ếch giống mua vào thời điểm đó khoảng 3 triệu đồng. Lúc này, lượng ếch mua bị dịch bệnh tấn công, dẫn đến hao hụt khá nhiều do chưa nắm quy trình nuôi cũng như kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh. Sau đó, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về kỹ thuật chăm sóc ếch, phòng trị bệnh nên đàn ếch đã dần thoát khỏi dịch bệnh, phát triển ổn định và cho lợi nhuận trong năm đầu thực hiện mô hình khoảng 30 triệu đồng.

Mỗi năm, chú cho ếch sinh sản 3 lần với tỷ lệ nở đạt 25%, giá ếch giống dao động 1.000 - 1.500 đồng/con. Ếch giống nuôi khoảng 3 tháng (trọng lượng 0,2 - 0,25 kg/con) là có thể xuất bán. Tùy thời điểm, thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, các quán ăn trong, ngoài tỉnh thu ếch thịt với mức giá dao động từ 35 - 70 ngàn đồng/kg. Vụ ếch năm 2012, chú Có cho 300 cặp ếch Thái Lan bố mẹ đẻ được hơn 10 thiên ếch giống (100.000 con) với giá bán tại trại 1.000 - 1.200 đồng/con, tính ra lợi nhuận thu được từ ếch trên 100 triệu đồng. Thời điểm này, trại ếch của chú có 16 bể, tổng diện tích bể nuôi gần 200 m2 với tổng cộng 150 cặp ếch bố mẹ và 5.000 ếch thịt.

Theo kinh nghiệm của chú Có, để hạn chế dịch bệnh trong nuôi ếch thương phẩm, bà con cần phải phơi khô đáy ao, bón vôi để sát trùng sau mỗi đợt nuôi. Nơi trú ngụ cho ếch có thể làm bằng lá dừa thay cho việc dùng vạt tre như trước đây vừa tiện dụng vừa có tác dụng phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho ếch rất hiệu quả. Tuy nhiên, đối với việc sản xuất ếch giống, vấn đề khó hiện nay là làm sao cho ếch mẹ giữ được trứng sang tới mùa nghịch để cho đẻ ếch giống, nếu làm được, giá ếch giống có thể đạt trên 2.000 đồng/con so với giá chỉ 1.000 đồng/con trong mùa thuận.

Nhiều hộ nông dân ở ngoại thành TP. Mỹ Tho đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của chú Có và bắt đầu nuôi ếch từ việc cải tạo các ao nuôi các loài thủy sản khác kém hiệu quả, hay lót bạt nuôi quanh sân vườn. Thời điểm năm 2009, phong trào nuôi ếch ở các xã ngoại thành thành phố đã phát triển gần 40 chục hộ, riêng xã Đạo Thạnh có 20 hộ nuôi ếch. Để mô hình nuôi ếch phát triển bền vững, Tổ hợp tác nuôi ếch xã Đạo Thạnh với 20 tổ viên đã ra đời để làm đầu mối chuyển giao kỹ thuật, góp vốn sản xuất cũng như tạo đầu ra ổn định cho các tổ viên.

Tuy nhiên, hiện nay một số hộ nuôi ếch ở địa phương này tạm ngừng sản xuất do hoạt động không hiệu quả. Theo chú Có, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều người chủ quan cho rằng ếch dễ nuôi nên không chú ý chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm.

Mặt khác, chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về đối tượng này, kỹ thuật nuôi ếch của người dân chủ yếu là tự mày mò học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nên vẫn chưa hoàn thiện. Thời gian gần đây, dịch bệnh trên ếch rất nhiều như: Bệnh đỏ đùi, mù mắt, vẹo cổ, sình bụng,... nhưng chưa có thuốc thủy sản đặc trị mà chỉ dùng thuốc dành cho người để trị bệnh ếch nên hiệu quả chưa cao.

Từ mô hình nuôi ếch, chú Có đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện, con cái có điều kiện ăn học tới nơi tới chốn và có việc làm ổn định.


Có thể bạn quan tâm

Trưởng Thôn 9X Năng Động Trưởng Thôn 9X Năng Động

Nhìn những thanh niên trẻ măng sinh năm 1991-1993, khó ai có thể tin họ đang là những người “đứng mũi chịu sào” lo lắng công việc của thôn làng và nhận được tín nhiệm cao của người dân trong thôn.

25/02/2014
Diện Tích Cây Ăn Trái Ở Cái Bè (Tiền Giang) Tăng Diện Tích Cây Ăn Trái Ở Cái Bè (Tiền Giang) Tăng

Huyện Cái Bè (Tiền Giang) nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái đặc sản như: Bưởi lông Cổ Cò, Xoài Cát Hòa Lộc, quýt đường, cam sành, nhãn,... Diện tích cây ăn trái ngày càng tăng nhanh. Hiện toàn huyện có 16.864 ha vườn cây ăn trái (tăng 64 ha so với năm 2013).

18/07/2014
Thoát Nghèo Bằng... Con Ếch Thái Thoát Nghèo Bằng... Con Ếch Thái

Ông Nguyễn Văn Tân là người đầu tiên đưa ếch Thái Lan về nuôi ở xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Từ mô hình của ông, nhiều gia đình trong xã đã làm theo và đang làm giàu bền vững.

25/02/2014
Gia Vị, Trứng Gia Cầm Tăng Mạnh Gia Vị, Trứng Gia Cầm Tăng Mạnh

Gừng tươi lâu nay ổn định từ 40.000 đồng – 50.000/kg nay tăng lên 80.000 đồng/kg; trứng giá cầm tăng 3.000 – 5.000 đồng/hộp (10 trứng). Theo lý giải của các tiểu thương, hiện nay các mặt hàng gia vị hàng không đáp ứng đủ nên giá tăng lên. Bên cạnh đó, hiện đang vào mùa sản xuất bánh trung thu nên nhu cầu trứng tăng cao, vì vậy giá trứng gia cầm tăng mạnh.

18/07/2014
Bùng Phát Dịch Lở Mồm Long Móng Bùng Phát Dịch Lở Mồm Long Móng

Ngay sau đó, mầm bệnh tiếp tục lây lan sang đàn bò của ông Nguyễn Tấn Xí trú cùng thôn. Ông Thống nói: “Tính đến thời điểm này, tại thôn Trung Phường của xã Duy Hải đã có 8 con bò bị nhiễm dịch lở mồm long móng.

18/07/2014