Khá Lên Từ Nuôi Ếch

Về ấp 2, xã Đạo Thạnh TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), hỏi "Trại ếch giống Bảy Có" của chú Phan Văn Có, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ếch, ai cũng biết. Chú Có là người tiên phong trong mô hình sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm với lợi nhuận mỗi năm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Khi mới bước vào nghề nuôi thủy sản, chú Có đã nuôi qua nhiều loài thủy đặc sản như: Ba ba, lươn, cá rô đầu vuông,... nhưng tất cả các đối tượng nuôi này hiệu quả mang lại không cao. Vì vậy, chú Có chọn ếch Thái Lan để tiếp tục cái nghiệp thủy sản của mình. Đến đây, nhờ đam mê và tìm tòi học hỏi, chú thành công với mô hình sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm.
Chú Có cho biết, bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi ếch Thái Lan trong ao đất vào năm 2008 chỉ với 20 cặp ếch bố mẹ và 2.000 con ếch giống mua vào thời điểm đó khoảng 3 triệu đồng. Lúc này, lượng ếch mua bị dịch bệnh tấn công, dẫn đến hao hụt khá nhiều do chưa nắm quy trình nuôi cũng như kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh. Sau đó, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về kỹ thuật chăm sóc ếch, phòng trị bệnh nên đàn ếch đã dần thoát khỏi dịch bệnh, phát triển ổn định và cho lợi nhuận trong năm đầu thực hiện mô hình khoảng 30 triệu đồng.
Mỗi năm, chú cho ếch sinh sản 3 lần với tỷ lệ nở đạt 25%, giá ếch giống dao động 1.000 - 1.500 đồng/con. Ếch giống nuôi khoảng 3 tháng (trọng lượng 0,2 - 0,25 kg/con) là có thể xuất bán. Tùy thời điểm, thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, các quán ăn trong, ngoài tỉnh thu ếch thịt với mức giá dao động từ 35 - 70 ngàn đồng/kg. Vụ ếch năm 2012, chú Có cho 300 cặp ếch Thái Lan bố mẹ đẻ được hơn 10 thiên ếch giống (100.000 con) với giá bán tại trại 1.000 - 1.200 đồng/con, tính ra lợi nhuận thu được từ ếch trên 100 triệu đồng. Thời điểm này, trại ếch của chú có 16 bể, tổng diện tích bể nuôi gần 200 m2 với tổng cộng 150 cặp ếch bố mẹ và 5.000 ếch thịt.
Theo kinh nghiệm của chú Có, để hạn chế dịch bệnh trong nuôi ếch thương phẩm, bà con cần phải phơi khô đáy ao, bón vôi để sát trùng sau mỗi đợt nuôi. Nơi trú ngụ cho ếch có thể làm bằng lá dừa thay cho việc dùng vạt tre như trước đây vừa tiện dụng vừa có tác dụng phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho ếch rất hiệu quả. Tuy nhiên, đối với việc sản xuất ếch giống, vấn đề khó hiện nay là làm sao cho ếch mẹ giữ được trứng sang tới mùa nghịch để cho đẻ ếch giống, nếu làm được, giá ếch giống có thể đạt trên 2.000 đồng/con so với giá chỉ 1.000 đồng/con trong mùa thuận.
Nhiều hộ nông dân ở ngoại thành TP. Mỹ Tho đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của chú Có và bắt đầu nuôi ếch từ việc cải tạo các ao nuôi các loài thủy sản khác kém hiệu quả, hay lót bạt nuôi quanh sân vườn. Thời điểm năm 2009, phong trào nuôi ếch ở các xã ngoại thành thành phố đã phát triển gần 40 chục hộ, riêng xã Đạo Thạnh có 20 hộ nuôi ếch. Để mô hình nuôi ếch phát triển bền vững, Tổ hợp tác nuôi ếch xã Đạo Thạnh với 20 tổ viên đã ra đời để làm đầu mối chuyển giao kỹ thuật, góp vốn sản xuất cũng như tạo đầu ra ổn định cho các tổ viên.
Tuy nhiên, hiện nay một số hộ nuôi ếch ở địa phương này tạm ngừng sản xuất do hoạt động không hiệu quả. Theo chú Có, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều người chủ quan cho rằng ếch dễ nuôi nên không chú ý chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm.
Mặt khác, chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về đối tượng này, kỹ thuật nuôi ếch của người dân chủ yếu là tự mày mò học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nên vẫn chưa hoàn thiện. Thời gian gần đây, dịch bệnh trên ếch rất nhiều như: Bệnh đỏ đùi, mù mắt, vẹo cổ, sình bụng,... nhưng chưa có thuốc thủy sản đặc trị mà chỉ dùng thuốc dành cho người để trị bệnh ếch nên hiệu quả chưa cao.
Từ mô hình nuôi ếch, chú Có đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện, con cái có điều kiện ăn học tới nơi tới chốn và có việc làm ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, cây hành, tỏi là một trong những cây vụ đông mang lại thu nhập cao cho nhân dân nhiều địa phương ở Thái Thụy (Thái Bình). Tuy nhiên, tại thời điểm này, nông dân trồng hành tại Thái Thụy đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.

Ở những vùng ngọt ổn định, cây lúa được chuyên canh 3 vụ/năm, là nơi nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV nhất. Trung bình, cứ 10 ngày là bà con phải phun xịt thuốc một lần. Vì thế, chuyện nông dân ngộ độc thuốc BVTV là chuyện như cơm bữa. Tuy nhiên, không phải lúc nào nông dân cũng phát hiện mình bị ngộ độc.

Đã hơn 20 năm qua, người dân Vũng Liêm đã gắn bó và sinh sống cùng cây lác. Thu nhập kinh tế từ 1 công đất lác hơn hẳn 1 công đất lúa. Lác dễ trồng, một lần trồng có thể thu hoạch được trong 5 - 6 năm, cá biệt có diện tích tốt sẽ thu hoạch được gần 10 năm. Cứ 5 tháng thì thu hoạch một lần.

Đến cuối năm 2014, tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện Khánh Sơn là 536ha, trong đó, 320ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, do thời tiết diễn biến bất thường, cà phê lâu năm trổ bông đúng thời điểm nhiều mưa nên năng suất không cao, thậm chí giảm so với mọi năm.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh Bình Thuận hàng năm trên 100 ngàn ha, năng suất bình quân năm 2014 là 56,3 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 659 ngàn tấn. Vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh tập trung ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh.