Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Lồng

Chúng tôi về thôn Hòa Xuân, xã Điền Lộc vào những ngày đầu tháng 2, năm 2012. Ông Trần Văn Luật, một trong những hộ nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu cho biết: “Chỉ cần từ 3 đến 4 triệu đồng là người dân có thể đầu tư một lồng nuôi cá. Lúc đầu nuôi cá lồng bà con cũng gặp khó khăn, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ thủy sản, sự động viên của chính quyền địa phương, nên khó khăn nhanh chóng qua đi”. Theo tính toán của ông Luật và một số bà con, mỗi năm những người nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu thả nuôi 2 vụ cá. Mỗi vụ, trừ chi phí cũng cho bà con thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng. Có hộ nuôi tốt, thu nhập lên đến 20 triệu đồng/vụ. Hầu hết người nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu ở xã Điền Lộc trước đây là cư dân làm nghề vận chuyển đường sông và khai thác thủy sản. Tuy nhiên, từ khi hệ thống đường giao thông trên các tuyến sông được đầu tư xây dựng, nên bà con đã chuyển sang nghề nuôi cá lồng trên sông.
Theo thống kê của UBND xã Điền Lộc, hiện trên địa bàn xã có khoảng 60 hộ đầu tư vào nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu, với khoảng 100 lồng cá. Tận dụng nguồn nước, nguồn thức ăn tự nhiên trên sông Ô Lâu và đầu tư thêm chi phí mua thức ăn, các hộ nuôi cá lồng thả nuôi các loại cá trắm, chép và rô phi. Nuôi cá lồng không chỉ mang lại thu nhập cho bà con, mà còn làm đổi thay cuộc sống của không ít hộ gia đình trên địa bàn xã. Hầu hết người nuôi cá lồng đều có của ăn, của để và đặc biệt là giải quyết công ăn việc làm thường xuyên.
Ông Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc khoe: “Tết Nhâm Thìn vừa rồi, nhiều gia đình nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu bán cá được giá, nên họ phấn khởi lắm. Xã cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư tỉnh mở lớp tập huấn, hướng dẫn bà con nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao, ngăn chặn được dịch bệnh, tránh rủi ro”.
Qua trao đổi với một số cán bộ nuôi trồng thủy sản cho thấy, để nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao cần có số liệu điều tra khảo sát, tiến tới xây dựng quy hoạch cho loại hình nuôi này, xác định các đối tượng nuôi chủ lực, mở rộng các đối tượng nuôi mới...
Nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu đã và đang làm đổi thay cuộc sống của không ít người dân Điền Lộc. Tuy nhiên, để cho nghề nuôi cá lồng trên sông phát triển một cách bền vững, gắn liền với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái của sông Ô Lâu. Vấn đề quy hoạch, sắp xếp khu vực có thể nuôi cá lồng là việc làm cần chú ý của chính quyền địa phương. Có như vậy, nghề nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu mới phát triển bền vững, lâu dài; mang lại hiệu quả kinh tế cho không ít bà con nông dân các xã ven sông ở Phong Điền...
Có thể bạn quan tâm

Giữa bốn bề keo lai, đồi chanh trĩu quả của ông Đàm Đại ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức - Quảng Ngãi) trở nên nổi bật. Nhờ vào gần 1ha chanh này mà ông Đại thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Nằm trong con hẻm của thôn Tiến An, xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), gia đình chị Nguyễn Thị Thu Sương đang quây quần bên tách trà trong buổi chiều muộn. Đây là gia đình nuôi thành công dự án “Lươn không bùn”.

Gia đình anh Hồ Văn Tuệ ở ấp Bình Nam, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An là hộ nông dân điển hình trong phong trào nuôi cá lóc mang lại thu nhập cao.

Thông thường vào dịp đầu năm, các vùng chăn nuôi thủy sản trên địa bàn Hà Nội sẽ bước vào vụ sản xuất cá thương phẩm mới.Việc chuẩn bị đầy đủ các yếu tố kỹ thuật trước khi thả cá giống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo tỷ lệ cá sống cao, tăng trọng nhanh trong thời gian nuôi.

Cá bống dừa có hình dạng bên ngoài giống như cá bống tượng và cũng là một loài cá dữ. Cá bống dừa có màu đen đậm hay nhạt tùy vào môi trường nước đang sống. Cá bống dừa (CBD) là sản phẩm mà tự nhiên ban tặng cho vùng sông nước tiếp giáp với biển.