Kết quả từ các mô hình khuyến nông

Việc xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư đã góp phần không nhỏ trong thành tựu phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với hàng chục mô hình, dự án khuyến nông được thực hiện trong vụ đông xuân năm 2015, nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, nông dân mạnh dạn áp dụng và nhân rộng.
Điển hình, mô hình lúa lai VT404 được triển khai tại 5 huyện là Krông Nô, Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Glong, Đắk R’lấp, với quy mô 16 ha cho 70 hộ tham gia đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, diện tích lúa mô hình của 4/5 huyện đã thu hoạch, năng suất trung bình đạt 8,1 tấn/ha, lợi nhuận bình quân trên 22 triệu đồng/ha.
Cá biệt, tại huyện Krông Nô và Chư Jút, năng suất đạt 9 tấn/ha và chất lượng gạo thơm ngon được người dân ưa chuộng. Qua theo dõi quá trình sinh trưởng, giống lúa VT404 cho năng suất cao hơn nhiều giống đang sử dụng tại các huyện, đồng thời kháng bệnh hại tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các huyện triển khai mô hình.
Ông Nguyễn Văn Tiến ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà (Krông Nô) cho biết: “Mặc dù trên thị trường hiện có rất nhiều giống lúa được giới thiệu đạt năng suất, chất lượng cao, nhưng nhiều năm qua, tôi luôn sử dụng các loại giống từ các mô hình đạt kết quả trên chính đồng ruộng của địa phương. Qua thực tế sản xuất, tôi thấy các loại giống như VT404, TH3-3, Nghi hương 2308, Nhị ưu 838… đều xuất phát từ các mô hình thử nghiệm do ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện. Không chỉ chuyển đổi về giống mà tôi còn được tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nên rất thuận lợi trong quá trình sản xuất”.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã ký hợp đồng quản lý dịch hại trên 5 ha với các hộ dân trồng tiêu. Qua đó, các cán bộ của đơn vị đã trực tiếp hướng dẫn cho các hộ trồng tiêu biện pháp sử dụng hợp lý, đúng cách phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, việc ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm vi sinh để hạn chế sự phát sinh của các loại dịch bệnh gây hại mạnh nhất trên hồ tiêu như bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora gây ra và bệnh vàng lá chết chậm do tuyến trùng tấn công cũng được chú trọng. Đây đang là phương thức phát triển cây hồ tiêu bền vững mà ngành Khuyến nông tỉnh và bà con nông dân định hướng, áp dụng, nhân rộng nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, trong vụ đông xuân 2015, ngành Khuyến nông tỉnh còn triển khai nhiều mô hình như nuôi gà J-Dabaco thả vườn, mô hình siêu cao lương, đề tài nghiên cứu hoa đào tại Đắk Mil và Gia Nghĩa, dự án khí sinh học… Hiệu quả từ kết quả thực hiện các mô hình, dự án đã góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất trong vụ đông xuân của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thì các mô hình, dự án khuyến nông đã được thực hiện đúng yêu cầu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Trung tâm đã chú trọng triển khai các mô hình áp dụng giống mới, giống đặc sản có năng suất, chất lượng cao, đủ điều kiện nhân rộng nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả và nhân rộng các mô hình, dự án, tập trung khắc phục những hạn chế. Trong đó, đơn vị chú trọng đến việc xác định địa điểm triển khai mô hình dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế của nông dân, định hướng của địa phương, định hướng cho nông dân sản xuất thực hiện mô hình theo hướng tập trung, có sự đổi mới về kỹ thuật.
Trước khi triển khai, đơn vị sẽ tiến hành điều tra các điều kiện như tập quán sản xuất của địa phương, trình độ thâm canh, đất đai, giao thông, thủy lợi để xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp, kết hợp với thông báo đầy đủ các điều kiện tham gia mô hình đến từng hộ dân.
Có thể bạn quan tâm

Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 cận kề, nhà vườn trồng cam sành, bưởi Năm Roi, dưa hấu,… đang tất bật chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường trong niềm phấn khởi trúng mùa, được giá.

Cá mú nghệ, gà Đông Tảo đang là những đặc sản hút hàng của nông dân Khánh Hòa cung ứng trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 bởi sự độc đáo, mới lạ.

Đối với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, ở các khu vực không nuôi bán thâm canh và thâm canh được nên nuôi kết hợp tôm sú với cua, hải sâm, hoặc cá rô phi, rong câu... Thời gian thả giống từ tháng 3-8, mật độ thả 5 - 10 con Post 15/m2, thả giống và thu hoạch theo phương thức đánh tỉa thả bù hoặc thu toàn bộ tùy thuộc vào từng mô hình thực hiện.

Những năm qua, tình hình nuôi thủy sản ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, một số mô hình hiệu quả nuôi thấp, không có lãi. Nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh chủ yếu tập trung ở 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh, một số ít nuôi ở Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, La Gi và Hàm Tân.

Để đạt mục tiêu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá) năm 2014 là 17.300 tấn, trong đó khai thác 12.780 tấn, nuôi trồng 4.520 tấn, huyện Hoằng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vùng ven biển.