Kết Hợp Phát Triển Kinh Tế Gia Đình Với Bảo Vệ Rừng Và Môi Trường Sinh Thái

Với phương châm: “Phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại phải gắn với bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ môi trường sinh thái”, thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có hướng đi mới trong lao động, sản xuất và ý thức rất cao trong việc tích cực thực hiện tốt giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.
Phát huy tiềm năng lợi thế đất đai
Được sự quan tâm của các cấp, những năm qua, nhiều hộ dân ở Hướng Phùng được hưởng nhiều chế độ chính sách đãi ngộ như: vay vốn phát triển sản xuất, vốn ưu đãi và nhiều nguồn vốn khác để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại.
Các chính sách đào tạo học nghề đối với người lao động ở nông thôn cho bà con nơi đây cũng được quan tâm. Họ thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất và kinh doanh. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân trong xã ngày càng tiến bộ hơn.
Điều đáng ghi nhận đầu tiên ở Hướng Phùng là người dân nơi đây luôn biết cách khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có của địa phương. Nhiều hộ kinh tế mới cũng như bà con Vân Kiều ở xã đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau kinh nghiệm trong lao động, sản xuất. Họ tận dụng có hiệu quả diện tích đất hoang, đồi núi trọc để trồng các loại cây có giá trị chủ lực.
Mặc dù các mô hình kinh tế gia đình, trang trại tại đây chưa nhiều, quy mô còn nhỏ, mang tính thời vụ nhưng đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở xã có việc làm, thu nhập ổn định. Trước thực trạng cây cà phê giá cả bấp bênh, phát huy lợi thế tiềm năng đất đai, nhiều hộ ở Hướng Phùng đã quyết định chọn cây hồ tiêu trồng xen canh với cà phê hoặc chuyển đổi số diện tích cà phê già cỗi sang trồng tiêu.
Bên cạnh đó, việc đưa cây cao su, cây bời lời, tràm…vào trồng của nhiều hộ ở Hướng Phùng cho thấy người dân có tầm nhìn xa về hiệu quả kinh tế lâu dài của các loại cây này.
Hướng Phùng có diện tích 124,95 km2, dân số 1.582 hộ/5.727 khẩu, trong đó người Vân Kiều chiếm hơn 80%. Cùng với các chương trình, dự án trồng rừng đầu tư tại địa phương, việc tạo điều kiện cho nhiều hộ phát triển kinh tế trang trại cũng là cơ hội khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, qua đó, góp phần trồng mới rừng, giữ gìn nguồn tài nguyên đất, động vật, thực vật trên địa bàn.
Với lợi thế diện tích đất tự nhiên lớn, người dân xã Hướng Phùng tập trung trồng trọt theo hướng đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Hiện toàn xã có 96,7 ha lúa nước, năng suất bình quân đạt 25 tạ/ha, tổng sản lượng 241,75 tấn; hơn 20 ha sắn, năng suất 80 tạ/ha; các loại cây ngô, khoai lang khoảng hơn 45 ha. Khai thác lợi thế của vùng đất đỏ bazan, người dân chú trọng đầu tư trồng cây công nghiệp. Nhiều mô hình trang trại cà phê, tiêu kết hợp với chăn nuôi, trồng rừng đã ra đời.
Đến nay, Hướng Phùng có trên 1.500 ha cà phê, mỗi năm cho sản lượng 1.500 - 1.600 tấn, tổng doanh thu đạt giá trị gần 150 tỷ đồng...; hơn 8,5 ha cây hồ tiêu, năng suất đạt 10 tạ/ha. Trước thực trạng cây cà phê không ổn định về giá cả và một số vườn cây cà phê bị già cỗi, xã có chủ trương động viên bà con tiếp tục giữ lấy vườn cà phê, trồng thay mới số cà phê già cỗi.
Bên cạnh đó, khuyến khích người dân trồng mới cây hồ tiêu và các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; xây dựng các mô hình kinh tế gia đình, kinh tế trang trại bền vững. Riêng đối với cây hồ tiêu, theo khảo sát, hiện toàn xã có khoảng 300 hộ có nhu cầu trồng mới hồ tiêu với diện tích trồng mới là 20 ha.
Từ đầu tư của Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2014, nông dân trong xã sẽ được đầu tư 380 triệu đồng để mua cây giống hồ tiêu. Số giống cây cấp về trước hết sẽ ưu tiên cấp cho hộ nghèo, cận nghèo của xã.
Các hộ điển hình trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở xã như: Ông Lê Ngọc Trịnh ở thôn Xa Ri đã chuyển 1 ha diện tích cà phê sang đầu tư dựng choái để trồng hồ tiêu, hiện tiêu của gia đình ông đã lên xanh tốt; ông Trần Văn Xuân ở thôn Cổ Nhổi dành 2 ha đất đồi để trồng tiêu xen giữa vườn cà phê.
Giờ đây, vườn tiêu của gia đình ông Xuân có 350 gốc và ông vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích để trồng tiêu; gia đình ông bà Hồ Mơi và Hồ Thị Dưng ở thôn Doa Cũ cũng mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm của bà con kinh tế mới đầu tư khai hoang trồng 2 ha cà phê chè, 1 ha cà phê mít, 50 gốc tiêu, gần 1 ha rừng... Nhờ làm ăn có hiệu quả nên nhiều hộ trên địa bàn có tổng thu nhập bình quân hàng năm đạt từ 80- 200 trăm triệu đồng/hộ.
Cộng đồng trách nhiệm
Không chỉ giúp nhân dân trong xã làm ăn, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu, chính quyền xã Hướng Phùng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì thế, đa số người dân nơi đây ý thức cao trong việc duy trì được số diện tích rừng vốn có của xã, hăng hái tham gia trồng, bảo vệ rừng, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội ở một địa bàn vùng khó.
Ở thôn Chênh Vênh có 92 hộ, 423 khẩu, trong đó dân tộc kinh 27 hộ/93 khẩu, dân tộc Vân kiều 65 hộ/330 khẩu. Đây là thôn có diện tích rừng lớn nhất xã Hướng Phùng, là thôn giáp ranh với khu vực bảo tồn da dạng sinh học với rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng với diện tích trên 330 ha, rừng trồng 50 ha.
Ông Hồ Văn Noi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Chênh Vênh cho biết : “Nhận thức việc bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ môi trường sinh thái là rất quan trọng, nhiều năm nay, tôi thường xuyên phối hợp với ban cán sự, các ban, ngành đoàn thể của thôn tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác chăm sóc bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, không săn bắt động vật hoang dã, không chặt rừng cấm lấy gỗ dựng nhà, làm vật dụng sinh hoạt...
Với sự quyết tâm cao, nhân dân thôn Chênh Vênh đã tham gia phát hiện tố giác 15 trường hợp người dân từ bên ngoài vào khai thác trái phép lâm sản lên chính quyền xã, cung cấp thông tin cho kiểm lâm phụ trách địa bàn bắt và xử lý 12m3 gỗ từ nhóm 3 đến nhóm 7.
Ngoài ra, các hộ dân trong thôn đã nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ 100 ha rừng đặc dụng. Với chủ trương này, người dân đã được hưởng lợi từ rừng”.
Ông Hồ Đang, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, cho biết: “Xác định phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại cần phải gắn liền với bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nhiều năm qua chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phát hiện, tố giác các trường hợp vi phạm lâm luật nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở các khu rừng thuộc địa phận xã Hướng Phùng và các xã lân cận. Với tinh thần trách nhiệm cao, nhân dân trong xã đã không để xảy ra nạn cháy rừng, nhất là hạn chế tối đa việc phá rừng làm nương rẫy.
Thời gian tới, xã rất mong các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đối với chính sách giao khoán bảo vệrừng, hỗtrợkinh phí về việc chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng rừng cho người dân. Cần đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường đi đến các khu kinh tế trang trại để thuận lợi hơn trong việc sản xuất, thu hoạch cho người dân”.
Có thể bạn quan tâm

Anh út Hận (chợ Ba Thê cũ, xã Bình Thành, Thoại Sơn, An Giang) cho biết: Từ cuối tháng 5/2013, thương lái các tỉnh phía Bắc đã vào thu mua rắn hổ hèo thương phẩm nên giá bán tăng từ 500.000 đồng/kg lên 650.000 đồng/kg.

Chiều 7.6, tại TP.Quy Nhơn, Bình Định, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT Bình Định tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và tưới tiết kiệm nước cho lúa hè thu cho các tỉnh khu vực miền Trung.

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong lĩnh vực thủy sản hiện là 20 - 25% đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc nghiên cứu công nghệ bảo quản cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân. Bên cạnh đó, ngư dân cũng rất cần được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch.

“Mấy tháng qua, gần 100.000 con lươn giống lút chút như thế này đã được “xuất ngoại” sang Nhật Bản rồi đấy!”. Vừa vớt những con lươn bột nhỏ xíu trong thau lên, kỹ sư Đoàn Kim Sơn, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, vừa trò chuyện. Bên cạnh công việc của một người thầy, kỹ sư Sơn còn là chủ trang trại Sơn Ca 1 (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) và Sơn Ca 2 (huyện Hóc Môn, TP HCM).

Trong đó yêu cầu các địa phương tập trung nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân 2012 - 2013 theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch đến đâu làm đất tới đó.