Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nuôi trồng thuỷ sản thiệt hại nặng do mưa lũ
Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn cho biết: Do ảnh hưởng của mưa lụt kéo dài đã làm cho nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện bị thiệt hại có nguy cơ mất trắng hoàn toàn. Mưa lớn liên tục đã làm lượng nước ngọt tăng đột biến gây ngọt hoá ở nhiều vùng nuôi.
Các loài phù du và tảo là những thức ăn chủ yếu cho các loài nhuyễn thể không thể phát triển được. Ảnh hưởng trực tiếp nhất là những vùng nuôi ven bờ, các loài thích nghi sống ở tầng nông, độ sâu chỉ từ 20 đến 40cm như hầu, ngao, tu hài…
Đây là những loài thích nghi với điều kiện có độ mặn trung bình cao quanh năm của nước từ 28‰ trở lên. Độ trong của nước trên 2,5m. Nước lưu thông tốt, thành phần thực vật phù du phong phú, nước không bị ngọt hoá, không chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải. Nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản của huyện Vân Đồn bỗng chốc bị mất trắng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng do trận mưa lụt lịch sử gây ra. Trong ảnh: Bè nuôi hầu của một hộ tan tác sau mưa lụt.
Do vậy, đợt mưa lớn vừa qua đã làm giảm nồng độ mặn, kèm theo bùn đất làm thay đổi môi trường sống đột ngột, làm nhuyễn thể tại các bè, bãi nuôi bị chết hàng loạt. Người nuôi thuỷ sản đối mặt với nguy cơ mất trắng rất cao. Anh Đặng Trung Hội, ở khu 1, thị trấn Cái Rồng là một trong những hộ nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại nặng do đợt mưa lụt vừa qua gây ra. Anh cho biết: Tôi nuôi hầu là chủ yếu, trong đó diện tích nuôi hầu thương phẩm hơn 4ha với sản lượng khoảng 100 tấn.
Vừa qua, do mưa kéo dài, không có nắng để cho tảo quang hợp, làm cho số lượng tảo giảm đã làm hầu nuôi thiếu thức ăn. Điều này đã gây ra hiện tượng hầu nuôi chết hàng loạt. Chúng tôi còn bị thiệt hại nặng vì 40 bể ươm giống hầu từ 12-15 khối đang trong giai đoạn cho ấu trùng bám cá thể nhưng do mưa, toàn bộ số bể trên không thể thay nước được, độ mặn không đảm bảo chỉ còn 3‰, đến nay đã hỏng 37 bể, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng gần 500 triệu đồng.
Nuốt nước mắt vào trong, anh Nguyễn Văn Thành ở thôn 9, xã Hạ Long, buồn bã cho chúng tôi biết: Do mưa lụt, từ một gia đình có hoàn cảnh kinh tế ổn định bỗng nhiên gia đình tôi trở thành trắng tay chỉ trong vài ngày. Với diện tích 6ha nuôi trồng hải sản với nhiều loài như cá lồng bè, hầu, tu hài, ngao... cũng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Đợt mưa vừa qua đã làm cho tu hài và ngao bị chết rất nhiều. Ngày 28-7, giông lốc mạnh làm cho các bè nuôi cá bị va đập mạnh, gây hư hỏng và thiệt hại tới 2/3 bè nuôi. Ước tính trước mắt, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.
Cũng giống như gia đình anh Hội, anh Thành, hàng trăm hộ nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Vân Đồn cũng đối mặt với nguy cơ trắng tay vì mưa lụt, đặc biệt là tại các xã đảo như Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi. Theo thống kê, tại xã Ngọc Vừng có 110 hộ nuôi ốc biển bị thiệt hại nặng, thiệt hại từ 30-80%. Xã Bản Sen có 27 hộ với 800 bè nuôi hầu bị mất trắng; Thắng Lợi 71 bè cá, 4 triệu con ngao giá bị chết... Theo ước tính đến thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại về nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện Vân Đồn khoảng 30 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả, được biết Phòng NN&PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện tìm hướng giải quyết, lập danh sách các hộ bị thiệt hại và mất trắng do ảnh hưởng của mưa lụt để đề xuất hỗ trợ, tạo các điều kiện để các hộ này phát triển nuôi mới, sau khi đợt mưa lụt kết thúc.
Có thể bạn quan tâm

Sau nhiều năm lặn lội với cây, với đất, gia đình ông Đặng Văn Túc, thôn 8, xã Quý Quân (Yên Sơn, Tuyên Quang) đã có gần 1.300 gốc bưởi đường, bưởi Diễn..

Với diện tích lớn nhất tỉnh, cây quýt ở Bạch Thông (Bắc Kạn) đã mang lại thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho loại quả đặc sản này là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương và người dân.

Tiền Giang đang được Chính phủ New Zealand hỗ trợ ứng dụng những công nghệ và kinh nghiệm hàng đầu thế giới trong việc phát triển và tiếp thị các giống hoa quả có giá trị kinh tế cao hướng đến xuất khẩu thông qua triển khai dự án Sáng kiến nông nghiệp mới.

Trái thanh long Bình Thuận ngoài xuất khẩu, thì nhiều người dù ở vùng miền nào trong nước cũng đều ít nhiều biết đến và thích dùng. Vậy nên, nhu cầu tổ chức tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa đang mở ra nhiều triển vọng thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này…

Trong số 5 tàu đầu tiên được chọn thí điểm khai thác cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản, riêng anh La Tình (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) có 4 tàu. “Quy trình đánh bắt quá cầu kỳ, mất thời gian trong khi giá chỉ cao hơn giá cũ 20%. Đi hai trăng rồi 4 tàu lỗ 400 triệu”, anh Tình kể.