Huyện Phú Thiện chú trọng sản xuất lương thực

Ông Ksor Dương-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho biết: “Kết thúc vụ đông Xuân, năng suất trung bình đạt 7 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt “năng suất vàng” 10-12 tấn/ha như ở Ia Sol, Ayun Hạ, Ia Peng. Điều đáng mừng là dù đối mặt với cơn đại hạn lớn nhất trong lịch sử 10 năm trở lại đây nhưng nhờ có công trình thủy lợi Ayun Hạ điều hòa nguồn nước tưới, trên địa bàn huyện Phú Thiện không có diện tích nào bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước”.
Bên cạnh cây lúa, năng suất các loại cây trồng khác cũng duy trì mức tương đương hoặc cao hơn vụ đông Xuân năm trước. Theo ông Dương, để có được năng suất và một vụ mùa bội thu như vậy là ngoài nhờ sự chủ động kết hợp các giải pháp trong công tác điều hành, hướng dẫn và theo dõi sát sao tiến trình sản xuất mùa vụ, kèm với đó là việc đưa vào sản xuất các loại giống cho sản lượng, năng suất cao cũng như áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật có hiệu quả trong sản xuất.
“Vụ đông Xuân vừa rồi chúng tôi đã cho áp dụng sản phẩm phân bón sinh học nông nghiệp công nghệ cao Bồ Đề 688 do liên danh Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao-Công ty Bạch Đằng-Bộ Công an. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng lúa đã được nâng lên đáng kể”-ông Dương, nói.
Năng suất ổn định, giá cả các mặt hàng nông sản cũng duy trì mức khá đã đem lại cho nông dân Phú Thiện một vụ mùa thuận lợi.
Theo kế hoạch vụ mùa 2015, toàn huyện Phú Thiện sẽ gieo trồng khoảng 15.753 ha, trong đó cây lương thực chiếm 10.300 ha (lúa vụ mùa 6.650 ha, bắp 2.650 ha, mì 190 ha); cây thực phẩm vụ mùa (rau các loại 840 ha, đậu các loại 710 ha), mía duy trì mức 3.870 ha và một số loại cây trồng khác.
Đến nay, do trên địa bàn đã xuất hiện 3-4 đợt mưa lớn, đất đủ độ ẩm nên nông dân Phú Thiện tiến hành xuống giống một số loại cây trồng như: mì, bắp, đậu các loại… “Thời tiết có mưa nên mình xuống giống 1 ha mì trồng xen đậu đen và 10 kg cây mè được hơn một tháng rồi. Cả mì, đậu và mè đều đã lên xanh tốt. Bây giờ mình chuẩn bị đất ruộng để đầu tháng 7 sẽ xuống giống tiếp 1 ha lúa nước”-chị H’Min, cho biết.
Đánh giá về thuận lợi và khó khăn khi bước vào mùa vụ mới, ông Ksor Dương, nhận định: Theo dự báo, tình hình thời tiết năm nay sẽ tiếp tục có những diễn biến thất thường, tiềm ẩn những nguy cơ bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn những tháng đầu năm, mực nước công trình thủy lợi Ayun Hạ xuống thấp dưới mực nước chết sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến công tác xuống giống của bà con. Đây cũng là điều mà ngành nông nghiệp địa phương đang đặc biệt quan tâm.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con nông dân nên bắt đầu xuống giống trà sớm từ ngày 1 đến ngày 31-7 và trà muộn từ ngày 1 đến ngày 15-8. Với các vùng gần sông Ayun như: Chrôh Pơnan, Ia Hiao, Ia Peng… bà con nên xuống giống sớm để thu hoạch sớm, tránh thời điểm thu hoạch gặp mưa lũ gây thiệt hại. Các khu vực cao có thể xuống giống muộn hơn. Hiện tại, khắp các cánh đồng, bà con nông dân các vùng đang khẩn trương chuẩn bị cày bừa ruộng đất để chờ ngày xuống giống.
“Vụ mùa này, huyện có chính sách trợ giá 50% cho lúa giống để bà con nhân dân có điều kiện thuận lợi hơn khi bắt tay vào sản xuất. Địa phương đã chủ động dự trữ trên 23 tấn lúa giống các loại phục vụ cho nhu cầu canh tác vụ mùa của bà con, trong đó có cả giống OM4900 cho năng suất rất cao trên đồng ruộng Phú Thiện vụ đông xuân vừa qua.
Bà con có nhu cầu được trợ giá lúa giống liên hệ đăng ký số lượng trực tiếp tại UBND các xã, thị trấn. Vụ mùa này, chúng tôi cũng khuyến khích bà con nhân dân sử dụng sản phẩm phân bón sinh học Bồ Đề 688, vừa cho năng suất cao vừa đảm bảo không gây tác hại tới môi trường. Bà con nào khó khăn về vốn đầu tư và có nhu cầu có thể đăng ký để được hỗ trợ phân bón. Số tiền đầu tư này sẽ trừ vào tiền thóc sau khi thu hoạch”-ông Ksor Dương, cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Với trên 21km bờ biển cùng với hàng ngàn ha bãi triều, Đầm Hà (Quảng Ninh) thực sự giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng hải sản, đặc biệt là những loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá song, cá vược, cua, ngao, tu hài...

6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện Quảng Xương ước đạt 8.749 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ, bằng 52,1% kế hoạch; sản lượng chế biến đông lạnh đạt 90.000 tấn, sản phẩm khô 7.500 tấn, nước mắm 8.400 lít, sản phẩm dạng mắm đạt 700 tấn. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.367 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 56,4% kế hoạch.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS), tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 14.462 ha, tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 47.890 tấn, tăng 1.778 tấn (3,86%) so với cùng kỳ năm 2013; giá trị sản xuất ước đạt 1.034 tỷ đồng, tăng 38.2 tỷ đồng (3,83%) so với cùng kỳ năm 2013.

Mùa ruốc bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Khi những con ruốc theo con sóng ngoài khơi trôi vào bờ, cũng là lúc bà con ngư dân vùng biển bắt đầu một mùa ruốc. Người khiến ruốc vào bờ, người cân ruốc, người phơi ruốc tạo nên không khí đông vui tấp nập tại vùng biển Mỹ Á trong những ngày qua. Theo các ngư dân, địa điểm đánh bắt là vùng bãi ngang cách bờ 100m, kéo dài 2km.

Nhựa cánh kiến đỏ (CKĐ) là sản phẩm được tiết ra từ một loại côn trùng sống tập trung ký sinh trên một số loài cây chủ ngắn ngày và dài ngày. Ngày nay, nhựa CKĐ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và đặc biệt là làm chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy – một loại sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho bao bì bằng polyetylen.