Huyện Ea Kar (Đắk Lắk) Ngô Được Mùa, Mất Giá

Vụ ngô hè thu năm nay, bà con nông dân ở huyện Ea Kar (Đắk Lắk) được mùa nhưng không vui, bởi, chi phí đầu tư sản xuất tăng cao mà giá ngô giảm khiến lợi nhuận thu về thấp.
Những ngày này, bà con nông dân các vùng quê đang khẩn trương thu hoạch ngô. Dọc đường vào xã Xuân Phú (Ea Kar) đâu đâu cũng thấy ngô, ngô được chở từ rẫy về nhà, được phơi đầy trên sân... Ông Y Bai Mlô, thôn Thanh Phong cho biết, năm nay năng suất ngô cao hơn năm trước khoảng 1 tấn/ha, đạt 8-9 tấn/ha, nhưng giá bán lại thấp.
Thời điểm này, giá ngô tươi thu mua tại nhà dân sau khi tẽ hạt dao động từ 3.000-3.200 đồng/kg; ngô khô 5.000 - 5.500 đồng/kg, giảm 1.000-1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí đầu tư: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê máy cày xới, máy tẽ hạt… tăng liên tục, khiến khoản lợi nhuận cho trồng ngô bị hao hụt. Còn với những người phải ứng vật tư trước mỗi vụ ngô lại càng lao đao hơn.
Chị Phan Thị Thu cho biết, đầu vụ hy vọng ngô được mùa nên gia đình mạnh dạn thuê đất, ứng vật tư để sản xuất, nay ngô được mùa thật nhưng mất giá, nếu sơ chế, găm hàng chờ được giá thì phải chịu lãi vật tư, mà bán với giá này thì không đủ bù vào vốn bỏ ra. Theo tính toán của bà con nông dân, mỗi héc-ta ngô chi phí đầu tư ban đầu khoảng 17 triệu đồng.
Lấy công làm lãi, những năm trước bà con lời 40%, nhưng vụ hè thu này, chỉ còn lời khoảng 20-25%, riêng những hộ thuê đất hay ứng trước vật tư thì tiền lời chẳng còn được bao nhiêu.
Ông Lê Văn Tường, Cán bộ khuyến nông xã Xuân Phú cho hay, đến thời điểm này, địa phương đã thu hoạch được 75% diện tích ngô trên tổng số hơn 800 ha ngô toàn xã trồng đựơc, chủ yếu là ngô lai, năng suất bình quân 6-6,5 tấn/ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây ngô sinh trưởng tốt, có những hộ gia đình năng suất đạt 8 tấn/ha.
Ea Kar là huyện trọng điểm trồng ngô với 4.000 ha (vụ hè thu), sản lượng ước đạt 26.000 tấn, tập trung ở thị trấn Ea Kar, xã Cư Huê, Xuân Phú… Các giống ngô được trồng chủ yếu là NK67, NK 72, CP 501, DK 8868, DK 6919, B 21, NK 4300, NK 6654…, cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được người dân chú trọng nên năng suất, chất lượng ngô ngày càng tăng.
Mặc dù trên địa bàn huyện có nhà máy chế biến thức ăn gia súc của Công ty C.P chăn nuôi Việt Nam, nhưng người nông dân vẫn phải bán ngô qua mối lái trung gian, nên việc bị ép giá, ép cấp là khó tránh khỏi. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Minh Diệu, Phó Giám đốc Công ty cho biết, ban đầu, một số người dân mang ngô lên tận nhà máy bán, nhưng công ty chỉ thu mua số lượng lớn, việc kiểm tra thủy phần, phẩm cấp đòi hỏi nhiều thời gian nên họ bỏ dần. Hiện, công ty chỉ thu mua nguyên liệu thông qua các đại lý theo đơn đặt hàng của công ty mẹ.
Có thể bạn quan tâm

Ở thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản (Bình Phước) hiện có rất nhiều hộ khá lên nhờ trồng cây tầm vông. Giá tầm vông tương đối ổn định, khi thu hoạch tùy loại lớn nhỏ có giá bình quân từ 10 đến 25 ngàn đồng/cây. Sau mỗi đợt thu hoạch, trừ chi phí nông dân thu lãi gần 60 triệu đồng/ha tầm vông. Loại cây này còn rất hiệu quả trong việc sử dụng quỹ đất xấu.

Việc thiếu quy định về mức thuế đối với Indonesia là "bất ngờ thực sự" duy nhất trong các mức thuế đối kháng sơ bộ của Mỹ đặt ra đối với bảy quốc gia sản xuất tôm công bố hôm thứ Tư, một nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ cho biết

Đó là tâm lý chung của đa số nông dân khi vụ hè thu khởi đầu không mấy thuận lợi. Sau vụ đông xuân giá lúa giảm mạnh, nhiều người kỳ vọng vụ hè thu sẽ gỡ gạc lại chút đỉnh nhưng diễn biến ở những vùng thu hoạch sớm cho thấy, có thể vụ này nông dân lại gặp điệp khúc “trúng mùa rớt giá”.

Sau đợt tăng giá bất ngờ những ngày đầu năm 2013, đến nay giá trứng gà đang sụt giảm mạnh, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi lại một chiều tăng cao, khiến người nuôi gà không khỏi lao đao, nhiều gia đình ở Đak Lak lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần hoặc bỏ trống chuồng trại…

Mía một thời là cây công nghiệp chủ lực của huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Chính loại cây trồng này làm nên làng nghề mía đường tại xã Tân Phúc. Tuy nhiên sau khi chịu cảnh mía “đắng”, không ít hộ nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển sang trồng cao su, thanh long và một số cây ngắn ngày khác. Theo đó, làng nghề mía đường Tân Phúc đang bị lung lay...