Huyện Cái Nước (Cà Mau) Báo Động Ô Nhiễm Nguồn Nước Trong Nuôi Tôm

Hiện nay có một thực tế đang tồn tại, đó là tình trạng tôm nuôi công nghiệp bị chết, người dân bơm xả trực tiếp ra môi trường. Hành vi này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên tôm nuôi phát sinh, lây lan.
Thời gian gần đây, do xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa và sau đó là nắng nóng, nhiệt độ tăng cao làm cho các yếu tố môi trường biến động, gây bất lợi cho tôm nuôi công nghiệp. Đã có hơn 100 ha bị thiệt hại. Ngành chức năng huyện Cái Nước (Cà Mau) đã hỗ trợ cho bà con nông dân có tôm nuôi bị thiệt hại hơn 11 tấn clorin, để xử lý nguồn nước trong ao nuôi trước khi thải ra môi trường tự nhiên, nhằm ngăn ngừa và khống chế mầm bệnh lây lan.
Anh Lê Chí Linh, ấp Kinh Tư, xã Hoà Mỹ, là một trong những hộ có thâm niên trong nghề nuôi tôm công nghiệp, tâm sự, mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng đôi lúc tôm nuôi vẫn bị thiệt hại do dịch bệnh. Gặp trường hợp như vậy, anh báo ngay cho cán bộ khuyến ngư và thú y cơ sở để tìm hiểu nguyên nhân tôm chết. Nếu mắc phải một số bệnh nguy hiểm, yêu cầu ngành chức năng hỗ trợ hoá chất để xử lý, sau đó mới bơm xả ra môi trường bên ngoài. Đây được xem là trách nhiệm và quyền lợi của người tôm nuôi công nghiệp.
Tuy nhiên, hàng trăm hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Cái Nước, không phải ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường nước như anh Linh. Không ít hộ chủ quan, thiếu trách nhiệm, cứ mỗi khi có tôm nuôi bị thiệt hại, cứ bơm xả nước trực tiếp ra sông rạch mà không cần xử lý nguồn nước để tiêu diệt mầm bệnh. Điều này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng.
Mặc dù quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường rất cụ thể, nhưng từ trước đến nay chưa có địa phương nào áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người dân tự ý bơm xả nước thải ao nuôi tôm công nghiệp bị chết do dịch bệnh ra môi trường. Lý do đơn giản, là chính quyền địa phương không có phương tiện lấy mẫu nước, cũng như không xác định được mức độ gây ô nhiễm nguồn nước nên không thể xử lý hành vi này được. Chính từ sự bất cập này, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước trong nuôi tôm.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết, để mô hình nuôi tôm công nghiệp phát triển bền vững, người dân cần phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nước. Đồng thời, người nuôi tôm công nghiệp cũng nên dành một phần kinh phí để đầu tư mua hoá chất xử lý nguồn nước khi ao tôm công nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh trước khi bơm xả ra môi trường.
Thiết nghĩ, để người nuôi tôm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước trong nuôi tôm, ngành chức năng nên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp cố tình vi phạm, nhằm răn đe và giáo dục ý thức của người nuôi tôm, bảo vệ môi trường nguồn nước, giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững./.
Tại Khoản 2, Điều 19 của Nghị định số 179, ngày 14/11/2014 của Chính phủ có quy định: phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi xả, thải dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất thải nguy hại, các nguồn gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác vào môi trường nước không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, diện tích nhãn trồng ở miền Nam vào khoảng 34.000 ha, trong đó có nhiều diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhãn là loại cây có thể xử lý ra trái quanh năm, đáp ứng được số lượng lớn để xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện diện tích này đang bị bệnh chổi rồng làm giảm năng suất và diện tích.

Được đưa vào huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trồng từ năm 2005, sau 10 năm "bén duyên", giờ đây táo Đài Loan trở thành cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đối với các hộ nông dân. Đây cũng là đặc sản của vùng đất Lục Ngạn được người tiêu dùng gần, xa ưa thích.

Cây giảo cổ lam là dược liệu quý, sẵn có trong tự nhiên, với rất nhiều công dụng như bình ổn huyết áp, chống kết tụ tiểu cầu, làm tan huyết khối, ngăn ngừa sơ vữa mạch… Qua phân tích điều kiện tự nhiên, năm 2014, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã thực hiện mô hình trồng thí điểm cây giảo cổ lam tại xã Phương Viên.

Tết, dịp để nhiều người, nhiều nghề kiếm thêm thu nhập. Trong những ngày tết, hoa và rau là hai loại không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhiều nông dân cũng tận dụng cơ hội này để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, thị trường tết năm nào cũng có điều khiến nông dân này mừng nhưng nông dân khác thì lại lo.

Tại Phước Thuận, xã trồng nho nhiều nhất huyện với tổng diện tích 163 ha, người trồng nho Tết nơi đây cũng đang háo hức mong chờ ngày thu hoạch. Anh Nguyễn Đức Thuận, ở thôn Hiệp Hoà trồng 1,5 sào nho xanh, dự kiến nửa tháng nữa sẽ thu hoạch để bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.