Hướng Đi Mới Từ Nuôi Hàu Lồng

Mấy năm trước, nhiều hộ nghèo ở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) phải bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống, nhưng từ khi HTX Hàu lồng ra đời (năm 2007), người nghèo nơi đây đã tìm được hướng đi mới…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hôn - Chủ nhiệm HTX Hàu lồng xã Đất Mũi cho biết, trước khi thành lập HTX, chính quyền địa phương có cử một số cán bộ ra Vũng Tàu học hỏi mô hình nuôi hàu lồng để về thử nghiệm tại địa phương.
“Kết thúc chuyến tham quan đó, chúng tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển cho vay 70 triệu đồng để mua con giống về nuôi nhưng một thời gian sau hàu giống mua ở Vũng Tàu chết hết do không thích nghi được với điều kiện của Đất Mũi”- ông Hôn nhớ lại.
Với quyết tâm làm bằng được, từ đồng vốn nhỏ ban đầu, ông Hôn đã đi lùng mua được 17 tấn hàu giống trên địa bàn mang về thả nuôi, 6 tháng sau thu hoạch bán được 130 triệu đồng. Sau thành công này, ông Hôn đã đề xuất với địa phương thành lập HTX Hàu lồng Đất Mũi. “Ban đầu, HTX chỉ có 1 bè nuôi hàu, cứ thế tích lũy dần, có tiền lại đầu tư bè nuôi kế tiếp.
Đến nay, HTX đã có gần 50 xã viên với 17 bè nuôi đặt tại ấp Lạch Vàm, trung bình mỗi vụ thả trên 200 tấn hàu giống, vốn điều lệ cũng tăng từ 900 triệu đồng lên gần 5 tỷ đồng” - ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ nhiệm HTX Hàu lồng Đất Mũi nói.
“Vụ vừa qua, HTX thu hoạch được hơn 500 tấn hàu thương phẩm, trừ chi phí lãi hơn 4 tỷ đồng” - ông Hôn cho biết. Ông Ngô Minh Toại - Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết: Là xã ven biển nên nhiều hộ gia đình ở Đất Mũi không có đất sản xuất, phải sống dựa vào biển hoặc khai thác gỗ rừng trái phép để hầm than.
Vì thế, mô hình HTX hàu lồng là hướng đi đúng, góp phần khai thác tốt tiềm năng của địa phương và giúp người dân vươn lên.
Có thể bạn quan tâm

Hội Nông dân huyện Châu Đức đã phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh BR - VT xây dựng mô hình trình diễn sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại 4 xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Láng Lớn và Quảng Thành. Theo Hội Hồ tiêu tỉnh, đây là một trong những bước chuẩn bị tiếp đón Hiệp Hội hồ tiêu thế giới đến khảo sát, đánh giá về tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, vụ mùa 2014 vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên mặc dù điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp, tuy nhiên năng suất trồng trọt tại khu vực này đạt cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là cây lúa. Theo đó, năng suất lúa bình quân toàn vùng đạt 63,1 tạ/ha, cao hơn năm trước 3,5 tạ/ha; sản lượng đạt 1,66 triệu tấn, tăng gần 142.000 tấn.

Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại ở các năm trước, năm nay nông dân hạn chế "ngâm" mì ở những vùng trũng. Vì vậy, mới bước vào mùa mưa, bà con gấp gáp thu hoạch mì ở những vùng thấp bán cho nhà máy. Bên cạnh đó, phía nhà máy cũng tạo điều kiện thuận lợi để nông dân bán sản phẩm của mình, thu lại tiền đầu tư và công sức sau bao ngày nhọc nhằn canh tác.

Thu hoạch xong gần 1ha quýt cách nay 3 ngày, ông Nguyễn Văn Nhu, ở ấp 3, xã Long Trị, cho biết: “Quýt trồng hơn 2 năm là có thể cho thu hoạch, năng suất đạt từ 2,5 - 3 tấn/công (cây 3 năm tuổi), còn 4 - 5 tấn/công (cây 4 - 5 năm tuổi). Mặc dù giá có giảm, nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi công quýt cũng đem lại lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đồng”.

Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng nhưng ông Bảy Quang đã phất lên nhờ trồng được cây nhãn ở vùng đất sỏi đá Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). “Cơ ngơi” sau 15 năm gắn bó với vùng đất sỏi đá của ông là 4 hécta nhãn tiêu da bò cùng nhiều giống cây ăn trái đặc sản, như: bưởi da xanh, quýt đường, cam sành…