Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng Đi Mới Cho Người Chăn Nuôi Gà Ở Thái Nguyên

Hướng Đi Mới Cho Người Chăn Nuôi Gà Ở Thái Nguyên
Ngày đăng: 21/12/2012

Dự án chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được triển khai thử nghiệm tại 12 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) thời gian vừa qua đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người chăn nuôi…

Sau 3 tháng thực hiện dự án chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng an toàn sinh học với quy mô 500 con, gia đình chị Dương Thị Tươi, xóm Đồng Trầu, xã Tân Khánh đã thu lãi khoảng 27 triệu đồng. (Cao gấp 1,5 lần so với phương pháp chăn thả truyền thống trước đây).

Những năm gần đây, chăn nuôi gà thịt theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô trang trại, gia trại ngày càng phát triển và góp phần đáng kể và việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân ở Phú Bình. Tuy nhiên, việc chăn nuôi của các hộ gia đình vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát và chưa thực sự chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao.

Trước thực trạng đó, để giúp người chăn nuôi tái cơ cấu đàn gà ở địa phương, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng ATSH, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh và cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, năm 2012, được sự tạo điều kiện của Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng NN & PTNT) huyện Phú Bình đã triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng ATSH với quy mô 6.000 con tại 12 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện (mỗi hộ 500 con).

Những hộ được chọn thực hiện thí điểm dự án là những hộ chăn nuôi có đủ điều kiện về đất đai, chuồng trại và vốn đối ứng theo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật của dự án. Giống gà được sử chọn là giống gà lai giữa gà mẹ Lương Phượng với bố là gà lai Mía đã được tuyển lựa kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng tốt (khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh). Dự án bắt đầu được triển khai từ tháng 7/2012, các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 60% giá tiền mua con giống, 40% giá tiền mua thức ăn công nghiệp đồng thời được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật về chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho đàn gà theo hướng ATSH.

Để đạt được mục tiêu dự án đề ra, ngay từ khi triển khai thực hiện mô hình, cán bộ Phòng NN & PTNT đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, ban ngành, đoàn thể ở cơ sở, lựa chọn các hộ gia đình có đủ điều kiện tham gia mô hình. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 100 hộ gia đình trong vùng dự án về kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng các loại vắcxin cho đàn gà; Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của dự án cũng thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà ATSH nên đàn gà của dự án sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra…

Sau 3 tháng triển khai, dự án đã được nghiệm thu với kết quả rất đáng khích lệ. Theo thống kê, tỷ lệ gà nuôi sống đạt trên 95%, trọng lượng trung bình đạt từ 2,0 - 2,3 kg/con. Với giá bán thị trường hiện nay là 65.000 đồng/kg. Tổng số tiền thu được từ dự án là trên 850 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, dự án vẫn thu lãi khoảng 350 triệu đồng. Như vậy trung bình mỗi hộ tham gia dự án sẽ thu lãi 29 triệu đồng.

Anh Bùi Văn Tú, cán bộ phụ trách dự án cho biết: Chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng ATSH là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa tối đa sự tiếp xúc giữa gia cầm với mầm bệnh lây lan vào khu vực chăn nuôi để đảm bảo cho gia cầm được khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh... Mục tiêu của mô hình này nhằm nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật chăn nuôi gà thịt theo hướng ATSH cho nông dân để tạo ra loại nông sản có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu của thị trường; góp phần nâng tổng đàn gia cầm, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ở địa phương, đồng thời quản lý tốt dịch bệnh trên gia cầm…

Chị Dương Thị Tươi, xóm Đồng Trầu, xã Tân Khánh, là một trong những hộ tích cực tham gia dự án cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi gà theo hình thức chăn thả từ gần 10 năm nay nhưng do không nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc và phòng chống dịch bệnh nên đàn gà thường chậm lớn hay xảy ra dịch bệnh. Thông thường mỗi lứa gà gia đình tôi phải nuôi từ 4 - 5 tháng mới được xuất bán, trong khi tỷ lệ gà nuôi sống chỉ đạt khoảng 70%, vì vậy mà hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Thậm chí có lứa gà gia đình tôi phải chịu thua lỗ lớn vì dịch bệnh và giá cả thấp.

Vừa qua, được biết huyện triển khai dự án chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng ATSH nên gia đình tôi đã đăng ký tham gia. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ dự án nên đàn gà sinh trưởng và phát triển đồng đều, tỷ lệ nuôi sống cao, không xảy ra dịch bệnh. Chỉ sau 3 tháng chăm sóc, đàn gà của gia đình tôi đã được xuất bán với trọng lượng trung bình đạt khoảng 2,2 kg/con. Với giá bán 65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con gà cho lợi nhuận khoảng 55.000 đồng. Tính chung cả lứa gà 500 con, gia đình tôi thu lãi khoảng 27 triệu đồng. Đây là lứa gà cho lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của gia đình tôi…

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Phạm Đăng Ninh, Phó Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Phú Bình cho biết: Dự án nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng ATSH rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi, đầu tư, chăm sóc của người dân trên địa bàn huyện. Dự án không những đã mang đến cho bà con nông dân cái nhìn và cách làm mới trong chăn nuôi gà đảm bảo vệ sinh dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn giúp nông dân nâng cao nhận thức trong việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi. Qua đó, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình cho nông dân, từng bước mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người chăn nuôi… Thời gian tới, Phòng NN & PTNT huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền về mô hình để giúp nông dân trên địa bàn có hướng chăn nuôi phù hợp, an toàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

Bắc Ninh: Nghề Nuôi Ong - Một Vốn Bốn Lời Bắc Ninh: Nghề Nuôi Ong - Một Vốn Bốn Lời

Bởi tất cả những sản phẩm của ong đều có thể cho thu nhập như: mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, phấn hoa... Những sản phẩm này đều có giá trị dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh rất tốt nên trên thị trường hiện nay thường rất dễ bán và được giá. Trong khi đó, vốn đầu tư cho việc nuôi ong không lớn, chủ yếu là đầu tư vốn ban đầu để đóng thùng, mua đàn gốc mà thôi...

26/10/2013
Các Địa Phương Tăng Cường Bảo Vệ Vườn Cây Ăn Trái Và Hoa Màu Trong Mùa Lũ Các Địa Phương Tăng Cường Bảo Vệ Vườn Cây Ăn Trái Và Hoa Màu Trong Mùa Lũ

Những ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường nên mực nước lũ ở các địa phương phía nam lên cao. Trước tình hình này, người làm vườn, rẫy đang khẩn trương thực hiện các biện pháp đối phó với lũ.

26/10/2013
Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Hiệu Quả Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Hiệu Quả

Hiện nay trên địa bàn huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) ngoài cây cam xoàn mang lại hiệu quả kinh tế thì cây thanh long ruột đỏ cũng được người dân đâu tư trồng và bước đầu cho lợi nhuận kinh tế ổn định.

26/10/2013
“Vua Bưởi Hồ Lô” Lại Xuất Chiêu “Vua Bưởi Hồ Lô” Lại Xuất Chiêu

Từ dịp Tết năm 2009 đến nay, người tiêu dùng đã biết đến những cặp bưởi hồ lô in dòng chữ “Tài - Lộc”. Ông Thành cho biết năm nay trái bưởi hồ lô sẽ “biến hóa” thêm 2 hình ảnh mới là thỏi vàng cộng với đồng tiền và chữ “Phúc Lộc Thọ”. Khi được hỏi ai là người nghĩ ra “chiêu” mới này, ông Thành cho biết vì lợi ích của tất cả 26 thành viên trong CLB nên sau nhiều đêm suy nghĩ, ông cùng các thành viên trong CLB đã táo bạo sáng chế thêm 2 cái khuôn có in những chữ trên như muốn chuyển tải đến người tiêu dùng sự may mắn, tiền tài, trường thọ trong dịp năm mới. “Nếu cứ an phận ngồi trên sự thành công cũ thì chắc chắn có ngày sản phẩm của mình sẽ bị bão hòa trên thị trường” - ông Thành chia sẻ.

26/10/2013
Đa Dạng Hóa Đối Tượng Nuôi Thủy Sản Để Giảm Rủi Ro Đa Dạng Hóa Đối Tượng Nuôi Thủy Sản Để Giảm Rủi Ro

Trong điều kiện nghề nuôi cá tra xuất khẩu gặp khó khăn kéo dài do giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, nhiều hộ nuôi thủy sản trong tỉnh đã chuyển sang nuôi các đối tượng khác để tránh rủi ro và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

28/10/2013