Hướng Đến Chăn Nuôi Heo An Toàn Sinh Học

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, gây thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi heo trong tỉnh Phú Yên đang từng bước hướng đến nền chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa rủi ro.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát dịch bệnh
Nghề chăn nuôi heo ở nước ta hình thành và phát triển từ lâu, mang lại nguồn thu nhập cho nhiều gia đình nông thôn. Tuy nhiên ở Phú Yên, nghề chăn nuôi heo phát triển chưa mạnh; hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún tại các hộ gia đình là chủ yếu; gần đây một số hộ nuôi theo hình thức gia trại nhưng chưa có sự tập trung để thành những khu chăn nuôi chuyên biệt. Chính vì vậy nên vấn đề kiểm tra, giám sát và đầu tư cho chăn nuôi chưa được chú trọng.
Ông Đặng Thái ở xã Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa) cho hay: “Gia đình tôi nuôi heo nay đã gần 20 năm, thường mua heo giống của các hộ nuôi ở xã Hòa Trị (Phú Hòa), con giống loại này chưa được chủng ngừa đầy đủ các loại vắc xin nên dễ bị dịch bệnh”. Ông Thái dẫn chứng thêm, năm ngoái, sau khi gia đình ông mua thêm 5 con giống ở Hòa Trị để tăng đàn, thì chỉ khoảng 1 tuần sau cả đàn heo bị bệnh, lây sang các con khác trong chuồng khiến cho cả đàn heo mắc bệnh.
Bà Lý Thị Nhàn ở xã Hòa Trị (Phú Hòa) giải thích, sở dĩ bà con thường mua con giống trôi nổi ngoài thị trường là vì có giá thành rẻ hơn nên không đảm bảo chất lượng. Mua con giống tại các trại chăn nuôi chuyên cung cấp giống tuy có giá thành cao hơn nhưng chất lượng được đảm bảo.
Bên cạnh đó công tác chủng ngừa và vệ sinh môi trường chưa được người chăn nuôi quan tâm đúng mức. Theo nhiều hộ chăn nuôi heo, thời gian sinh trưởng của heo thịt tương đối ngắn, chỉ khoảng 3 tháng nên bà con cũng do dự trong việc tiêm phòng. Nếu tiêm đầy đủ tất cả các loại vắc xin theo quy định như tả, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng… mỗi con tốn vài chục nghìn đồng, tính cho cả đàn cũng mất cả triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, những nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh là do người chăn nuôi chưa chú trọng đến việc tiêm phòng, con giống chưa được chủng ngừa đầy đủ, không đảm bảo sạch bệnh, chưa chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường… Đồng thời việc chăn nuôi nhỏ lẻ, người chăn nuôi chưa coi trọng công tác phòng dịch nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch trong các mùa cao điểm.
Chú trọng con giống, vệ sinh môi trường
Trong những năm gần đây, dịch bệnh xảy ra liên tục, gây thiệt hại lớn về kinh tế, nên người chăn nuôi đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh, giảm rủi ro. Ông Đặng Thái cho biết: “Sau nhiều đợt dịch bệnh xảy ra liên tục trong các năm gần đây, nhiều lần cả đàn heo của nhà tôi phải tiêu hủy, thiệt hại rất lớn, nên gia đình đã quyết định đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống hầm bioga bằng composite để xử lý chất thải từ chăn nuôi.
Từ ngày có hầm xử lý chất thải này không những giải quyết tốt lượng chất thải từ nuôi heo, bảo đảm vệ sinh môi trường mà gia đình tôi còn có khí ga để nấu nướng trong gia đình”. Còn ông Võ Hoài Văn, một chủ trại heo lớn ở huyện Đông Hòa cho hay, ngoài việc thu gom chất thải chăn nuôi để làm khí ga sử dụng cho trang trại chúng tôi còn đầu tư xây dựng mô hình nuôi trùn quế từ phân heo, mang lại nguồn thu nhập tương đối khá.
Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi còn quan tâm đến khâu chọn giống, chú trọng lựa chọn con giống chất lượng, đảm bảo sạch bệnh tại các trại giống uy tín. Bà Nguyễn Thị Hậu ở xã An Ninh Đông (Tuy An) cho biết: “Nhằm giảm tối đa rủi ro trong chăn nuôi heo, thay vì mua giống trôi nổi ngoài thị trường như trước đây thì bây giờ tôi chỉ đặt mua giống tại trại giống. Mặc dù giá giống cao gần gấp đôi nhưng đổi lại con giống đảm bảo sạch bệnh vì được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, kể cả tai xanh nên rủi ro khi nuôi sẽ được hạn chế”.
Ngoài những nỗ lực của người chăn nuôi, thời gian qua các ngành chức năng cũng triển khai nhiều mô hình nhằm tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người chăn nuôi hướng đến mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Đào Lý Nhĩ, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi Phú Yên cho biết:
Hằng năm trung tâm tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn, hướng dẫn cho người chăn nuôi thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn hiệu quả, phương pháp phối tinh… Hiện nay tỉnh ta đang thực hiện dự án khí sinh hóa trong chăn nuôi cũng sẽ góp phần tuyên truyền vận động người chăn nuôi có nhận thức đúng trong việc xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật theo hướng công nghệ cao để tăng năng suất và hướng đến mục tiêu giảm giá thành sản xuất từ 15 - 20% so với cách sản xuất thông thường. Hỗ trợ đầu tư, cải tiến cơ giới hóa và các công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất bắp lai.

Trước đó, đầu tháng 1/2015, trong quá trình lấy mẫu kiểm dịch cho hàng nông sản nhập khẩu, Cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật) đã phát hiện 8 lô hàng với 35 container (gần 700 tấn) lạc nhân nhập khẩu từ Ấn Độ qua cảng Hải Phòng có chứa mọt lạc serratus.

Ông Shuntaro Ise, Phó chủ tịch Tập đoàn ISE Food cho biết, ISE Food tại Nhật đã hình thành được hơn 100 năm qua và hiện là tập đoàn có lượng gà đẻ trứng lớn nhất thế giới. Chỉ riêng tại Nhật, ISE Food có các trang trại với khoảng 120 triệu con gà đẻ trứng, và ở Mỹ có trang trại 12 triệu con.

Gia đình anh Phúc có 3 công ruộng ở vị trí không được tốt nên hiệu quả canh tác lúa không cao, anh phải tìm kế sản xuất (SX) khác để nuôi sống 4 miệng ăn. Tình cờ anh xuống thăm mấy người bạn ở Cà Mau, thấy mô hình nuôi cá bống tượng nên về làm thử. Nào ngờ, con cá bống tượng làm vợ chồng anh bao phen hoảng hồn, do cá chết hàng loạt mà không biết nguyên nhân. Rồi anh kiên nhẫn học hỏi kinh nghiệm, tìm tài liệu nghiên cứu. Từ chỗ nuôi lỗ, anh hòa vốn và có lời.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, cả nước vẫn còn 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau và dịch lở mồm long móng xảy ra tại 16 hộ chăn nuôi ở 4 xã, thị trấn (Bằng Vân, thị trấn Nà Phặc, Đức Vân và Vân Tùng) thuộc huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn chưa qua 21 ngày.