Hương Biển 3 khẳng định sự khác biệt

Chỉ một đợt gió mùa đông bắc nhẹ đầu mùa từ ngày 10/10, nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch tại các huyện ven biển Nam Định đã ngã rạp.
Với khả năng chống đổ tuyệt vời, giống lúa thuần Hương Biển 3 vẫn "vững như bàn thạch".
Với đặc thù tỉ lệ các giống lúa chất lượng cao, dài ngày chiếm diện tích áp đảo, một số địa phương ven biển Nam Định thường thu hoạch muộn hơn so với các tỉnh khác vùng ĐBSH.
Ông Vũ Công Khoái, PGĐ Trung tâm KN-KN Nam Định bảo rằng đối với vụ mùa, chừng nào lúa chưa vào bồ thì chưa thể nói chắc được điều gì, bởi rủi ro rình rập.
Nào sâu bệnh, cháy rầy, đạo ôn bạc lá cuối vụ, nào rét sớm, nào bão muộn… Có khi lúa chín đỏ, hôm nay chưa kịp gặt, đùng một cái gặp mưa, gió lớn ngày hôm sau đã ngã rạp sạch.
Về các huyện lúa Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu thời điểm này, mới thấy cái rủi ro như ông Khoái nói thật đúng.
Những cánh đồng lúa đã chín đỏ quá 2/3 bông, sắp thu hoạch đến nơi nhưng chỉ một trận gió mùa đông bắc kèm mưa lớn từ ngày 10 - 12/10 vừa qua, đã khiến nhiều ruộng lúa ngã rạp.
Tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường) có cánh đồng lúa ngã rạp sát đất tới 1/3 diện tích, nông dân đành phải bủa ra đồng gặt vớt, được chút nào hay chút đó, còn hơn để lúa mọc mầm ngoài ruộng.
Giữa những thửa ruộng lúa ngã lỗ chỗ ấy, cánh đồng cấy giống lúa thuần Hương Biển 3 rộng hơn 40 ha tại HTX Nông nghiệp Nam Tiến (xã Xuân Vinh) vẫn đứng vững, thách thức mưa to gió lớn.
Có một thói quen trong cách bón phân cho lúa của bà con nông dân ở nhiều vùng ở Nam Định mà đến nay dù ngành nông nghiệp đã tốn không ít công tuyên truyền nhưng vẫn chưa thay đổi được, đó là chỉ bón phân đạm.
Ông Ngô Văn Toàn, xã viên HTX Nam Tiến bảo trong vụ mùa vừa qua, gia đình cấy thử 2 sào lúa Hương Biển 3, nhưng chỉ bón đạm, mà bón tận 10 – 12 kg/sào (so với mức khuyến cáo chỉ khoảng 7 – 8 kg/sào).
“Các trà lúa vụ mùa 2015 trỗ sau ngày 13/9 do gặp mưa lớn nên tỉ lệ lép cổ bông rất cao, có giống lên tới 22%, tuy nhiên Hương Biển 3 có tỉ lệ lép rất thấp.
Với năng suất trung bình 2,4 tạ/sào, giá thóc trung bình 5.500 đ/kg, giống Hương Biển 3 cho giá trị cao hơn từ 250 nghìn đồng/sào so với giống Bắc thơm 7 (năng suất vụ mùa trung bình 1,8 tạ/sào, giá bán từ 6.300 – 6.400 đ/kg)” - Ông Vũ Công Khoái, PGĐ Trung tâm KN-KN Nam Định.
Với cách bón “bội thực” đạm, nhiều giống lúa yếu cây, rối rá, bệnh bạc lá, khô vằn càng thêm trầm trọng, gặp mưa to, gió lớn thì hậu quả khiến lúa ngã đổ là tất yếu.
Tuy nhiên với Hương Biển 3, lúa vẫn cứng cây, bộ lá thẳng đứng, thoáng, không một đám nào bị ngã đổ.
Không riêng gì ở Xuân Vinh, ông Đinh Văn Qúy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thịnh Thắng (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy) không giấu được phấn khởi thở phào nhẹ nhõm cho biết, vụ mùa 2015, HTX đưa thí điểm giống Hương Biển 3 vào SX.
Để cho chắc ăn, HTX bố trí tổng diện tích 1 ha rải rác ở khắp 13 điểm mô hình.
“Đợt gió mùa vừa qua, buổi chiều hôm trước lúa còn bời bời, sáng hôm sau ra thăm ruộng thấy nhiều giống bị đổ nghiêm trọng nên lãnh đạo HTX lo ngay ngáy.
Tuy nhiên các điểm trình diễn giống Hương Biển 3 vẫn bình an vô sự”, ông Qúy cho biết.
Cũng theo vị này, mặc dù là vùng đất lúa ven sông Sò, thuộc diện “cuối vùng chua, đầu vùng mặn”, chất đất dở dở ương ương, tuy nhiên Hương Biển 3 cho thấy cả 2 khả năng chịu mặn và chịu chua phèn rất tốt, lúa sinh trưởng đẻ nhánh khỏe, năng suất không thua kém gì so với một số giống lúa thuần đã có tên tuổi.
Không chỉ đánh giá cao về khả năng kháng bệnh, nhất là chống đổ tuyệt vời của Hương Biển 3, nhiều nông dân, lãnh đạo ngành nông nghiệp Nam Định xem giống này là sự lựa chọn hàng đầu cho vụ mùa.
Ông Đào Viết Tâm, GĐ Trung tâm KN-KN Nam Định cho biết, qua 3 vụ trình diễn mô hình, từ vụ mùa 2015, Nam Định đã quyết định đưa Hương Biển 3 vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.
Theo đó đến nay, đã mở rộng được khoảng 500 ha giống lúa này.
Về năng suất, Hương Biển 3 có khả năng chịu thâm canh cao, cấy được cả 2 vụ, năng suất bình quân đều đạt trên 65 tấn/ha, thâm canh cao có thể đạt 70 - 75 tạ/ha, chất lượng gạo thơm nhẹ, có vị đậm.
Vụ xuân 2015, Hương Biển 3 đã được đưa vào 5 ha tại đồng đất mặn, phèn ven biển thuộc xã Giao Hải (Giao Thủy), năng suất đạt trung bình tới 75 tạ/ha.
“Với áp lực của Nam Định trong vụ mùa đó là bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông nên ưa tiên của tỉnh khi lựa chọn giống lúa cho vụ mùa vẫn là khả năng kháng bệnh, đặc biệt phải là giống có khả năng chống đổ tốt.
Hương Biển 3 đã là giống lọt vào tầm ngắm của Nam Định khi đáp ứng đủ các tiêu chí này, nhất ở cho vụ mùa”, ông Tâm khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Trong nhiều năm qua, năng suất, sản lượng lúa ở vùng ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ sự liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa. Bà con nông dân ngày càng thích nghi và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, nhân giống lúa tạo ra năng suất, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước. Năm 2012, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL ước đạt 24,6 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so năm 2011, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng hơn 7,2 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,2 tỉ USD. Lúa đông xuân 2012 - 2013 đang vào vụ thu hoạch được đánh giá là vụ lúa trúng mùa, năng suất bình quân ban đầu trên 7 tấn/ha. Đạt được kết quả đó là do nông dân thường xuyên quan tâm sử dụng giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao.

Đây là mô hình nuôi heo áp dụng công nghệ lên men từ quần thể các vi sinh vật sống để xử lý chất thải của vật nuôi, làm cho môi trường thông thoáng, giúp đàn heo ăn nhiều, lớn nhanh. “Nuôi heo không tắm” - cách gọi nôm na này đang lan truyền nhanh trong người dân Hậu Giang. Đây là mô hình nuôi thí điểm đầu tiên, với những phát hiện khá thú vị khi tận dụng các nguồn phụ phẩm ở ĐBSCL, hứa hẹn mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả ở ĐBSCL

Bên cạnh hỗ trợ vốn vay cho những hộ nghèo, hộ có nhu cầu làm ăn phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp người dân có đời sống tốt hơn.

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị công bố về Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen (BĐG) năm 2012 vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết tính đến nay các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành có hơn 9.500 hộ thả nuôi 838 triệu con tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên diện tích 10.123 ha. Tuy nhiên ngành thủy sản chỉ mới kiểm dịch được 269 triệu con, chiếm 32% số lượng tôm thả nuôi.