Hứa Hẹn Từ Dubai

Tuy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Dubai trong năm 2013 còn khiêm tốn, nhưng thị trường này đang mở ra khá nhiều hấp lực với doanh nghiệp Đồng Nai. Hàng hóa khi đã vào được Dubai thì dễ dàng sang các nước Trung Đông, châu Phi.
Doanh nghiệp Dubai muốn nhập khẩu bưởi từ Đồng Nai.
Chưa đầy nửa năm sau đợt Đồng Nai xúc tiến thương mại với Dubai, đã có một số tập đoàn lớn của Dubai đến tìm hiểu các sản phẩm để ký kết xuất khẩu sang Dubai. Trái cây của Đồng Nai là mặt hàng được doanh nghiệp Dubai nhắm đến đầu tiên.
Nhiều cơ hội cho trái cây
Vào cuối tháng 1-2014, một số doanh nghiệp của Dubai đã đến Đồng Nai tham quan các vùng trồng trái cây lớn và đặt vấn đề nhập khẩu. Thông qua Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), các doanh nghiệp này đã đến các hợp tác xã, câu lạc bộ, doanh nghiệp tìm hiểu phương pháp trồng, chăm sóc của các loại trái cây. Sau khi tìm hiểu, 4 loại trái cây mà doanh nghiệp Dubai dự kiến nhập khẩu là xoài, bưởi, thanh long ruột đỏ và mít.
Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Dofico, cho biết: “Các doanh nghiệp của Dubai đã đề nghị Dofico làm đầu mối phía Việt Nam để xuất khẩu 4 loại trái cây. Nếu đáp ứng được sẽ ký hợp đồng xuất khẩu quanh năm và sẽ tăng dần sản lượng lên”. Ông Phục còn cho biết thêm, thị trường Dubai khá dễ tính, không đòi hỏi quá khắt khe về quy trình sản xuất như hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU. Vì thế, nông dân chỉ cần sản xuất theo đúng quy trình GAP là có thể xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), nói: “Một số doanh nghiệp của Dubai đến tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất xoài ở hợp tác xã và đặt vấn đề sẽ nhập khoảng 22 tấn xoài/tuần, mức giá hơn 20 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá khá cao so với thị trường trong nước. Sau khi ký xong hợp đồng, hợp tác xã sẽ điều tiết để có đủ lượng xoài cung cấp quanh năm”.
Thị trường rộng mở
Sau đợt xúc tiến thương mại của Đồng Nai vào thị trường Dubai cuối năm 2013, nhiều doanh nghiệp Dubai rốt ráo tìm hiểu những chính sách và mặt hàng để tiến hành hợp tác. Trong đó, có Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản Đồng Nai (Donafoods) đã ký được hợp đồng xuất khẩu nhân hạt điều vào Dubai.
Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Dành cho hay: “Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sang Dubai mới đạt hơn 43 triệu USD, song thị trường này đang mở ra khá nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Trong đó, lĩnh vực Dubai quan tâm nhiều là nhóm hàng rau, củ, quả. Phía bạn đang tiến hành hợp tác với một số doanh nghiệp Đồng Nai để phát triển vùng nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu”. Ông Dành cũng cho biết thêm, Dubai không đưa ra các rào cản kỹ thuật, hạn ngạch... để hạn chế nhập khẩu, chỉ yêu cầu các doanh nghiệp Đồng Nai phải đảm bảo về chất lượng sản phẩm, nguồn hàng ổn định nhằm duy trì mua bán lâu dài.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nói: “Dubai là thị trường mới khá hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp trong tỉnh, bởi Dubai là cửa ngõ cho cả Trung Đông và châu Phi. Thị trường phi thuế quan của Dubai rất ưu ái, ngoài thuế nhập khẩu từ 0-5%, doanh nghiệp kinh doanh tại đây không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân”.
Mít là một trong các loại trái cây doanh nghiệp Dubai muốn ký kết nhập khẩu của Đồng Nai.
Hiện nay, Việt Nam đã có đường bay riêng từ TP.Hồ Chí Minh đi Dubai. Đây là một trong những thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp hai nước dễ dàng tìm hiểu thị trường và ký kết hợp tác trên các lĩnh vực.
Một số doanh nghiệp Dubai dự kiến sẽ ký hợp đồng với Dofico, thuê lại một phần diện tích đất trong dự án Khu công nông nghiệp công nghệ cao (Agropark) tại Xuân Lộc để làm các mô hình điểm những loại trái cây sẽ nhập khẩu. Và nông dân có trái cây xuất khẩu vào thị trường này có thể tham quan học hỏi quy trình trồng, chăm sóc để thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Mới đây trong cuộc họp tổng kết ngành công thương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh khẳng định, Dubai là thị trường tiềm năng cho nông dân, doanh nghiệp Đồng Nai. Khai thác được thị trường này, nhiều loại nông sản của Đồng Nai sẽ có đầu ra ổn định. Hiện tỉnh đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp Dubai và Đồng Nai tìm hiểu chính sách, thị trường để cùng hợp tác kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm

Vụ tiêu năm nay bị ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, khiến cây tiêu dễ bị bệnh. Thế nhưng, nhờ áp dụng bón phân qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt và phòng chống bệnh kịp thời nên cây tiêu phát triển tốt, sản lượng đạt cao, một số người trồng tiêu ở huyện Tây Hòa thu về tiền tỉ.

Niên vụ 2013/2014, Việt Nam đã xuất khẩu 1,32 triệu tấn cà phê, kim ngạch 2,75 tỷ USD. Tuy nhiên, cây cà phê Tây nguyên đang đối mặt với những khó khăn do diện tích cà phê già cỗi khá lớn, đòi hỏi phải sớm tái canh để duy trì sản lượng và chất lượng.

Xã Bình Nam là địa phương có diện tích trồng cây đậu phộng lớn nhất huyện Thăng Bình với diện tích ổn định 180ha. Tận dụng được lợi thế đó, đầu năm 2014 địa phương đã quy hoạch cánh đồng mẫu trồng cây đậu phộng với diện tích 45ha tại thôn Đông Tác.

Trong đó, cá tra có diện tích nuôi tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 6.200 ha với sản lượng 598 ngàn tấn. Theo báo cáo của các Sở NN&PTNT thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch.

Những năm gần đây, tại những vùng đất gò đồi cao, đất ruộng thiếu nước, do trồng lúa xuân hè kém hiệu quả nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã thay thế trồng cây mè. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn được sự phát triển của một số dịch bệnh trên cây lúa cũng như hạn chế được việc bỏ đất hoang do thiếu nước vào mùa khô.