Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

HTX Toàn Dân (xã Thanh Lâm, Ba Chẽ) mở hướng làm giàu từ cây ba kích

HTX Toàn Dân (xã Thanh Lâm, Ba Chẽ) mở hướng làm giàu từ cây ba kích
Ngày đăng: 02/07/2015

Ông Lê Công Tiềm, Chủ nhiệm HTX Toàn Dân đưa chúng tôi tới thăm diện tích trồng ba kích trong khu vực đất rừng sản xuất của đơn vị. Hướng tầm mắt chúng tôi về những luống ba kích đang vươn lên xanh rì quanh các sườn đồi, ông Tiềm tự hào: Đó là những “đứa con tinh thần” của tôi đấy. HTX có phát triển thành công hay không đều trông chờ cả vào diện tích trồng ba kích này…

Ông kể, trước đây doanh nghiệp của ông thu mua gỗ nguyên liệu, đến huyện Ba Chẽ làm ăn, thấy ở đây đất đai bao la, trù phú, ông đã rủ mấy người bạn cùng nhau góp vốn thành lập HTX Toàn Dân trên địa bàn huyện vào năm 2005. Sau khi thành lập, Hợp tác xã được UBND huyện cho thuê trên 1.000ha đất thuộc thôn Đồng Thầm, xã Thanh Lâm với chính sách ưu đãi để đầu tư trồng rừng.

Ban đầu, HTX chỉ trồng keo tai tượng để lấy gỗ nguyên liệu. Nay HTX đã đầu tư trên 20 tỷ đồng trồng được 700ha rừng, góp phần bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng ở Ba Chẽ lên gần 48%. Bên cạnh đó, HTX Toàn Dân cũng góp phần tạo việc làm thường xuyên cho đồng bào trên địa bàn với thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhận thấy chu kỳ trồng và khai thác gỗ rừng trồng rất dài, việc quay vòng vốn khó khăn, cộng với yêu cầu bảo vệ rừng nên từ năm 2011, HTX Toàn Dân chuyển đổi mô hình sản xuất. Qua tìm hiểu, nhận thấy cây ba kích của địa phương có hiệu quả kinh tế cao, trong khi trên địa bàn người dân mới chỉ khai thác tự nhiên, nguồn giống cây ngày một cạn kiệt, HTX đã mạnh dạn nghiên cứu, tiên phong đưa cây ba kích vào trồng thâm canh. HTX Toàn Dân đã lập dự án và được UBND tỉnh phê duyệt, có quy mô 100ha với tổng kinh phí trên 107 tỷ đồng.

HTX đã liên kết với Viện Công nghệ sinh học Hà Nội sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống những mẫu cây ba kích Ba Chẽ trong phòng thí nghiệm. Với cách nhân giống này vừa đảm bảo được năng suất, vừa đảm bảo được chất lượng của củ ba kích vì phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất Ba Chẽ.

Củ ba kích tím tự nhiên của Ba Chẽ ngày càng khan hiếm, nhiều người đã phải nhập ba kích của Trung Quốc với chất lượng không tốt về để sản xuất kinh doanh. Do đó, việc trồng, nhân rộng cây ba kích tím để giữ giống, giữ gen loại cây quý này cho địa phương của HTX Toàn Dân là hết sức thiết thực. Để triển khai mô hình, HTX Toàn Dân đã đầu tư trên 50 tỷ đồng, làm nhiều km đường rừng, xây dựng các công trình trữ nước để tưới cây, quy hoạch các khu ươm cây ba kích tím. Hiện tại, HTX đã trồng được trên 150ha ba kích tím.

Cây ba kích tím sau chu kỳ 3 - 4 năm sẽ cho thu hoạch, với giá 200.000 đồng/kg, dự kiến HTX sẽ có doanh thu nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, HTX cũng tiếp tục trồng và nhân rộng nhiều cây dược liệu quý hiếm khác như cây chùm ngây, kim tiền thảo, kim ngân, chuối tiêu hồng... Đặc biệt, sự chuyển đổi mô hình sản xuất của HTX cũng mang lại hiệu quả xã hội cao khi tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn. Hiện tại, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm thời vụ cho trên 200 lao động địa phương. Qua đó, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Công Tiềm chia sẻ: “Giống như tên gọi của HTX, tôi mong muốn tất cả mọi người dân trên địa bàn xã đều được tham gia phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới HTX có dự định phổ biến, nhân rộng mô hình trồng ba kích trên địa bàn, đồng thời phát triển thêm một số dự án mới từ cây ba kích để tạo nên các sản phẩm từ thương hiệu ba kích Ba Chẽ. Qua đó, giúp người dân trên địa bàn có hướng phát triển mới hiệu quả hơn, từng bước cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu…”.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình “Công Nghệ Sinh Thái” Mang Lại Hiệu Quả Mô Hình “Công Nghệ Sinh Thái” Mang Lại Hiệu Quả

Ngày 16-7, tại Tiền Giang, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình “công nghệ sinh thái” trên cây lúa ở các tỉnh phía Nam. Đến dự có các chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Chi cục Bảo vệ thực vật 22 tỉnh, thành phía Nam.

18/07/2013
Ông Nông Dân Đa Tài Ông Nông Dân Đa Tài

Không chỉ làm ăn giỏi, ông Hồ Văn Thăng (51 tuổi), ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị còn sáng chế ra máy đánh vảy cá, giúp bà con nâng cao năng suất, hiệu quả trong chế biến thủy sản.

18/07/2013
Gỡ Khó Cho Tôm, Cá Gỡ Khó Cho Tôm, Cá

Ngày 5/7/2013, tại Cần Thơ, Chính phủ cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thủy sản vùng ĐBSCL. Trong đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng rất được quan tâm.

18/07/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Sủ Đất Trong Ao Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Sủ Đất Trong Ao

Những năm gần đây, cá sủ đất đã được người dân một số địa phương trong nước nuôi với số lượng lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cá sủ đất thường được nuôi theo hình thức nuôi lồng, bè tại các địa phương như Cẩm Phả, Vân Đồn.

18/07/2013
Tôm Thẻ Chân Trắng Vào Mùa Tôm Thẻ Chân Trắng Vào Mùa

Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.

19/07/2013