HTX nuôi nghêu Đất Mũi phấn khởi sau vụ nghêu thịt

Năm 2006, nhận thấy bãi nghêu Khai Long có môi trường lý tưởng để phát triển vùng nuôi nghêu thịt, ông Phan Danh (Hai Sanh), nguyên Bí thư Ðảng uỷ xã Ðất Mũi, hiện là Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Ngọc Hiển đã khởi xướng cho nghề nuôi nghêu đầu tiên ở đây. Ông cùng với một số thành viên đến huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng mua 4,2 tấn nghêu giống về thả nuôi thử nghiệm. Sau 1 năm thả nuôi thì thu hoạch được 20 tấn nghêu thịt.
Thấy việc nuôi nghêu thịt mang lại kết quả cao, cuối năm 2007, ông Hai cùng với một số thành viên tiếp tục khăn gói lên tận tỉnh Bến Tre, Tiền Giang để học hỏi cách nuôi nghêu thịt của một số HTX ở đây để rút kinh nghiệm. Từ đó, nghề nuôi nghêu ở xã Ðất Mũi phát triển. Ban đầu, có 54 thành viên tham gia nuôi nghêu trong 1 tổ hợp tác (THT), rồi anh em vận động mọi người cùng góp vốn tham gia nên số lượng tăng lên gần 200 thành viên và thành lập được 16 THT nuôi nghêu thịt.
Theo anh Nguyễn Long Châu, người gắn bó với vùng nuôi nghêu xã Ðất Mũi gần 10 năm nay, trước đây số ít thành viên trong vùng nuôi nghêu vì lợi ích trước mắt nên đã “móc nối” cho người dân lén lút vào vùng nuôi nghêu thịt khai thác để ăn chia sản phẩm. Cũng có những thành viên thiếu tâm huyết, từ khi thả giống cho đến ngày thu hoạch thì bỏ mặc, giao phó cho thiên nhiên, thiếu chăm sóc, bảo vệ vùng nuôi nghêu nên hiệu quả mang lại không cao.
Từ đó, giữa tháng 5/2013, chính quyền địa phương đã thống nhất cho 16 THT nuôi nghêu xã Ðất Mũi hợp thành 1 HTX nuôi nghêu. Ông Lê Thanh Liêm, Chủ nhiệm HTX, cho biết, HTX nuôi nghêu có 11 tổ nuôi nghêu cộng đồng được thành lập với vốn đầu tư 500 triệu đồng/tổ, theo hình thức HTX đồng quản lý với nhiều sự ràng buộc, sau khi trừ hết chi phí, nếu lãi sẽ nộp lại HTX 15%, còn thất thì không phải nộp. Ðến nay, 11 tổ nuôi nghêu cộng đồng này đã có 129 xã viên tham gia.
Ðến thời điểm này, nghêu thịt đã cho thu hoạch, năng suất đạt cao. Theo ông Lê Thanh Liêm, do nguồn giống mua về tốt, thời tiết thuận lợi nên ít hao hụt, thất thoát khoảng 10%, anh em xã viên trong HTX rất phấn khởi. Hiện nghêu thịt bán ra thị trường giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, như vậy, ước thu hoạch vụ nghêu này mỗi xã viên lãi trên 150 triệu đồng, sau gần 1 năm thả nuôi.
“Ðã 10 năm rồi, vùng nuôi nghêu ở xã Ðất Mũi mới có được sinh khí mới, người nuôi nghêu mừng rỡ, người lao động cũng có thêm thu nhập từ việc bắt nghêu. Sinh khí này sẽ là động lực để anh em xã viên trong HTX gắn bó và phát triển nghề nuôi nghêu thịt này trong thời gian tới”, anh Nguyễn Long Châu chia sẻ.
Theo ông Lê Phú Sánh, Ban Chủ nhiệm HTX, hiện vấn đề an ninh của vùng nuôi nghêu xã Ðất Mũi không đáng lo ngại, chỉ lo thiếu vốn để đầu tư sản xuất, các xã viên mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Sau vụ thu hoạch nghêu thịt đợt này, HTX sẽ tiếp tục mua nghêu giống thả lấp vụ. Theo dự tính, sẽ có gần 200 tấn nghêu giống được thả nuôi trong diện tích quản lý của HTX.
“Hiện diện tích còn lại, nhiều thành viên trong HTX đang chọn những bãi có lượng phù sa, bãi bùn, mực nước không bị cạn để thả thử nghiệm sò giống ở bãi Khai Long. Nếu thành công, đây cũng là mô hình góp phần giải quyết việc làm và xoá đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương”, ông Lê Thanh Liêm cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đến nay toàn tỉnh có 17,16 ha diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng tại hai huyện Kỳ Anh và Lộc Hà, thiệt hại hơn 400 vạn con giống.

Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thành công quy trình cho sinh sản nhân tạo, ấp nở và ương nuôi cá bột đối với nguồn cá đối bố mẹ thành thục được chọn từ tự nhiên. Theo TS Lê Quốc Việt cùng nhóm cộng sự, cá đối mẹ có trọng lượng 250g, cho đẻ trên 300.000 trứng, tỷ lệ nở khoảng 50%. Cá bột lớn nhanh, đạt kích cỡ 1,1 - 1,3cm và tỷ lệ sống 20% - 40% sau ba tuần tuổi.

Từng niên vụ, tổ luôn bám sát các bộ giống thích nghi do Cục Khuyến nông khuyến cáo; phối hợp chặt chẽ với trung tâm giống nông nghiệp sở tại và tiến hành nhân giống lúa cấp xác nhận phục vụ nhu cầu sản xuất.

Vụ nuôi tôm năm nay, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước - Bình Định) thả nuôi trên diện tích 327 ha, trong đó có 15 ha vùng Kim Đông nuôi theo phương thức bán thâm canh (BTC), 20ha nuôi quảng canh cải tiến đơn tôm, diện tích còn lại nuôi tôm xen với các đối tượng thủy sản khác.

Hàng trăm ha dừa, mía và đất ruộng tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long biến thành ao nuôi cá lóc trong thời gian ngắn. Diện tích nuôi cá không ngừng tăng lên nhưng các địa phương vẫn gặp khó trong việc quản lý.