HTX Chè Sáng Thu Khắc Phục Khó Khăn, Giữ Gìn Thương Hiệu Chè Shan Tuyết Quảng Ngần

Nằm sâu dưới chân núi trên địa bàn thôn Bản Chang, một trong những thôn, bản xa nhất và khó khăn nhất của xã Quảng Ngần (Vị Xuyên), cơ sở HTX chè xanh Sáng Thu đang nỗ lực xây dựng cho cây chè Quảng Ngần một thương hiệu mang tên chè xanh Shan tuyết Sáng Thu.
Cùng một dải Tây Côn Lĩnh hùng vĩ cũng giống như cây chè ở các xã Thượng Sơn, Cao Bồ, cây chè Shan tuyết ở Quảng Ngần có chất lượng tuyệt hảo không thua kém một sản phẩm chè nào.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ sống trên núi cao, nơi có khí hậu quanh năm mát mẻ trong lành cho ra những sản phẩm chè Shan đặc biệt thơm ngon. Từ lâu, cây chè được xem là cây trồng trọng điểm của xã Quảng Ngần. Với diện tích rộng lớn khoảng trên 50ha cung cấp nguồn nguyên liệu chè tươi dồi dào và chất lượng.
Nhận thấy được thế mạnh của cây chè địa phương và nỗ lực đưa cây chè địa phương mình phát triển có thương hiệu giới thiệu đến với người tiêu dùng nên đầu tháng 3.2013, HTX chè Sáng Thu được thành lập. Từ khi thành lập đến nay, HTX chè Sáng Thu đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực. Trước đây, người dân thôn Bản Chang sau khi lên núi cao thu hoạch chè về phải tự mình chuyên chở ra đến trung tâm trụ sở UBND xã cách thôn 15km để bán chè tươi cho các thương lái.
Giờ đây, có HTX đóng tại thôn nên đã giảm đi quãng đường vận chuyển cho người dân. Mặt khác, HTX Sáng Thu đóng trên địa bàn thôn Bản Chang, một thôn có diện tích trồng chè lớn nhất xã Quảng Ngần, các quy trình sơ chế được làm tại chỗ nên búp chè được giữ xanh và tươi hơn, chất lượng được nâng cao so với trước đây.
Vào mùa thu hoạch chè từ tháng 3 đến tháng 9, trung bình mỗi ngày cơ sở HTX Sáng Thu thu mua của người dân địa phương khoảng 60kg đến 70kg chè tươi, có những lúc cao điểm số lượng nhập chè tươi có thể lên tới trên 1 tạ. Tuy quy mô còn nhỏ nhưng HTX cũng tạo việc làm cho 4 công nhân lao động là người địa phương với mức thu nhập trung bình 2,5 triệu/tháng...
Tuy nhiên, để duy trì hoạt động và phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Quảng Ngần thì cơ sở HTX Sáng Thu còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, đường giao thông đi lại cực kỳ hiểm trở.
Chỉ có duy nhất một con đường từ trung tâm xã dẫn vào thôn, quãng đường tuy chỉ dài khoảng 15km nhưng để vào tới nơi thì phải mất gần 1 giờ đồng hồ chạy xe máy. Anh Phàn Văn Sáng, một thành viên của HTX cho biết: Đường giao thông đi lại rất khó, mỗi lần đóng gói xong thì HTX phải thuê xe ô tô chở chè ra với mỗi chuyến xe hết 2 triệu đến 2,5 triệu đồng. Những lúc vào mùa thu hoạch chè nhiều, HTX phải thuê chở 2 đến 3 lần/tháng, chưa kể những lúc trời mưa ô tô không vào được, phải dùng xe máy chuyên chở từng đợt ra ngoài.
Hiện tại toàn thôn Bản Chang vẫn chưa có điện thắp sáng, điều đó kéo theo khó khăn cho HTX Sáng Thu. Để vận hành các loại máy sấy, máy lăn, thắp sáng... HTX phải tự mua các loại máy phát điện và dây điện để dẫn điện từ suối về cơ sở.
Tính riêng chi phí tiền dầu để chạy 1 máy phát điện, 1 máy nổ kéo đủ tải cho hoạt động sản xuất của xưởng thì phải mất 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/ ngày-đêm. Anh Sáng tâm sự: “Dù đó là khó khăn mà HTX Sáng Thu phải đối diện, đó cũng là khó khăn chung của người dân thôn Bản Chang nhưng bù lại HTX sẽ thu mua được những búp chè to, tươi, lá dài và có tuyết trắng.
Cơ sở bảo quản và sơ chế, đóng gói tại chỗ nên chất lượng chè được đảm bảo, khắc phục được tình trạng búp chè bị héo, kém chất lượng do người dân phải vận chuyển chè tươi trên một quãng đường xa như trước đây khi chưa có HTX”.
Được cấp thương hiệu vào tháng 8.2013, HTX chè Sáng Thu đang từng bước đẩy mạnh sản xuất, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết Quảng Ngần ra thị trường. Bên cạnh đó, Anh Sáng cho biết: HTX Sáng Thu rất cần sự hỗ trợ và phối hợp của các cấp chính quyền địa phương cùng cơ sở HTX Sáng Thu khắc phục những khó khăn hiện tại để phát triển thương hiệu của cây chè ở xã Quảng Ngần.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các ban ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, nhiều hộ nông dân ở xã Thanh Chăn huyện Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư phát triển kinh tế trang trại vườn rừng, xóa được đói nghèo từng bước vươn lên làm giàu.

Ếch Thái Lan dễ nuôi, nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước của ao, hồ hoặc những khoảng đất trống trong vườn để đầu tư nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do giá cả thức ăn ngày càng tăng cao, trong khi giá ếch thương phẩm bán vào vụ thuận không cao nên nông dân thu lãi ít, thậm chí thua lỗ. Điều này đã làm cho nhiều hộ nông dân từ bỏ việc nuôi ếch.

Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.

Đã nhiều năm nay anh Nguyễn Thanh Hồng ở ấp 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trồng bầu bí luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao. Với 1,2 hécta bầu bí, hàng năm gia đình anh lãi 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Rời quê hương Thanh Hóa vào nhập cư, làm ăn sinh sống ở xã Ea Trol – 1 xã miền núi của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Với số vốn 10 triệu đồng đã vay mượn của anh em, bà con, bạn bè ở quê, ông Nguyễn Tài Khoa mua 3 ha cà phê, gọi là vốn giắt lưng ban đầu để gia đình ông bén rễ và hình thành một cuộc sống mới ở vùng đất xa xôi này.