Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hốt tiền triệu mỗi ngày nhờ hái rong mơ

Hốt tiền triệu mỗi ngày nhờ hái rong mơ
Ngày đăng: 09/06/2015

Của trời cho nên mạnh ai nấy làm, mỗi ngày mưu sinh dưới đáy biển đã mang lại nguồn thu lớn cho họ, tuy nhiên không ít người đối diện với hiểm nguy.

Gian nan

Ở các xã Tam Hải, Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) được trời phú cho các bãi rong mơ (hay còn gọi là rong biển mọc dày đặc dưới đáy biển).

Ngày trước người dân hái những cây non sử dụng trong bữa ăn hằng ngày hoặc phơi khô nấu nước uống. Nhưng nay cây rong “lên ngôi”, một kg có giá vài ngàn đồng nên hàng trăm hộ dân sắm thuyền ra khơi ngụp lặn ở độ sâu từ 3-10m để hái rong đem bán.

Hẹn hò mãi cuối cùng tôi được ông Trần Minh Việt, 60 tuổi ở thôn Thuận An, xã Tam Hải cho theo thuyền để mục sở thị nghề hái rong mơ.

Ăn bữa sáng vội vã, ông Việt chuẩn bị gói thuốc lá, chai nước uống bắt đầu một ngày hốt lộc trời.

Đúng lúc mặt trời ló khỏi mặt biển, ông Việt cùng người con trai Trần Minh Trang (33 tuổi) tiến về nơi ghe thuyền đậu ở cuối làng nổ máy vươn khơi. Con thuyền chở 3 người, và kéo thêm một thuyền thúng theo sau.

Ông Việt chia sẻ: “Lạ lắm, Quảng Nam có đường biển gần 100 km, rứa mà chỉ có vùng biển này là có rong. Ở đây có gần 50 hộ dân chuyên khai thác nhưng vẫn không hết được. Cây rong phát triển nhanh, mình hái xong, nó lại mọc lên”.

Biển ở Tam Hải nước trong xanh, ngồi trên thuyền nhìn xuống thấy đáy, rong biển mọc tầng tầng lớp lớp trông rất đẹp mắt.

Sau 20 phút lênh đênh, ông Việt  bảo: “Đến nơi rồi, giờ mỗi người một việc, chú có xong việc sớm hay muộn cũng phải ngồi đây chờ khi nào cha con tui hái rong chất đầy thuyền thì cập bến”.

Đây gọi là bãi Bắc, nằm dưới chân núi Bàn Than, nơi có rong mọc nhiều nhất tỉnh Quảng Nam. Mới sáng sớm mà có gần 30 chiếc thuyền đã có mặt. Thuyền nào thuyền nấy đều giống nhau, một người lặn, một người chèo thuyền thúng vớt rong, sau đó đưa sang thuyền lớn.

Người con trai ông Việt, anh Trần Minh Trang khoác bộ áo quần người nhái, đồng thời buộc cục chì nặng chừng 5kg vào phần bụng. Còn phần mặt, anh đeo kính chống nước.

Ông Việt đứng trên thuyền cho máy nổ phát ra khí, ông ôm cuộn ống đưa cho người con trai cầm. Anh Trang ngậm vào miệng và nhảy xuống chìm trong nước, từng đợt khí sủi bọt trắng cả vùng biển.

“Đứng trên nhìn xuống thấy đáy tưởng là cạn lắm nhưng độ sâu đến 5 m, nếu mình không mang thêm cục chì vào thì lặn rất khó khăn.

Xuống nước áp lực rất lớn, hái được cây rong không đơn giản, gốc nó nằm sát đáy biển, muốn lấy được cả cây thì phải cắt tận gốc”, ông Việt bộc bạch.

Từng cây rong được anh Trang cắt gốc nổi lên mặt nước, còn ông Việt nhanh chóng chuyển qua thuyền thúng, rong nổi đến đâu ông chèo thuyền thu gom đến đó. Trong chốc lát, một đống rong biển được chất đầy lên thuyền.

Ông Việt cho hay: "Khi giá rong lên, cả vùng biển này có hàng trăm thuyền hái rong, nhưng khi giá xuống, mọi người lại chuyển qua nghề chính là đánh bắt cá. Dù vất vả nhưng mỗi ngày hái rong đều có thành quả, do đó chẳng lo chết đói! Hôm ít, hai cha con cũng kiếm được 500.000 đồng, hôm nhiều thì trên 1 triệu đồng".

Sau chừng 30 phút, thuyền thúng đầy rong, ông Việt cầm ống dây truyền khí ô-xy cho người con trai đang lặn xuống đáy biển giật 3 cái để báo hiệu cho Trang lên nghỉ. Lập tức, người con trai của ông nổi lên mặt nước, bơi về phía thuyền. Anh Trang châm điếu thuốc, hít mấy hơi liên tục.

Theo tài liệu y học cổ truyền, rong mơ thường được dùng ăn để ngừa và trị bướu cổ (do cây chứa nhiều i-ốt). Rong mơ còn sử dùng làm thuốc chữa tràng nhạc, thủy thũng, cước khí, tinh hoàn sưng đau…
Ngoài ra rong mơ cho keo aginat, rất quý cho công nghiệp. Keo này dùng để bao viên thuốc, làm chỉ khâu vết mổ, thuốc cầm máu. Hoặc dùng để chế tơ nhân tạo, làm diêm...

Trong phút nghỉ ngơi, ông Việt lái thuyền cho chúng tôi qua thuyền vợ chồng anh Trần Văn Quý, ở thôn Thuận An, hái rong gần đó. Hai vợ chồng đưa mẻ rong đầu tiên từ thuyền thúng sang thuyền gỗ.

Anh Quý cho hay, xã Tam Hải có vùng biển thủy triều lên xuống, dưới đáy biển là những bãi đá ngầm, rất thích hợp để cây rong bám vào đó sinh sôi phát triển.

“Cứ đến mùa, nhà nào nhà ấy giong thuyền ra khơi khai thác, còn hết mùa, trở về nghề chính là đánh bắt cá. Lấy rong biển không cho thu nhập cao, nhưng cũng đưa nhiều hộ dân thoát nghèo. Như gia đình tui, hai vợ chồng kiếm gần 1 triệu đồng/ngày để nuôi các con ăn học”, anh Quý nói.

Nguy hiểm rình rập

Hỏi về hiểm nguy khi hái rong, anh Quý kể: “Lấy rong ở dưới đáy biển nên gặp vô vàn nguy hiểm. Vụ rong biển năm trước, trong lúc đang lặn hái thì không may bị nổ vòi dẫn khí ô-xy, tui cứ lặn hái, còn vợ thì thu gom không để ý đến.

Hết khí ô- xy, tui chết ngạt dưới nước, không thấy rong nổi lên, vợ chèo thuyền đến cầm dây kéo lên, nếu vợ không phát hiện, chắc tui nguy kịch rồi".

Còn anh Trần Minh Trang cho biết, ở trong làng có nhiều người bị điếc tai, mắc bệnh tim mạch do đi lấy rong biển nhưng không tiếp tục công việc này thì lấy gì mà ăn?

12h, khi thủy triều rút cũng là lúc những người hái rong biển chất đầy thuyền, kết thúc một ngày mưu sinh. Hai cha con ông Việt thu được gần 5 tạ rong tươi.

Dưới cái nắng 38 độ C, họ không kịp ăn bữa cơm trưa mà tranh thủ phơi rong trên nền cát biển trắng xóa. Khi rong khô thì giũ sạch cát rồi đóng bao để thương lái đến thu mua. 

5 tạ rong tươi khi phơi khô còn 2,5 tạ, bán giá 5.000 đ/kg, hai cha con ông Việt thu được 1,2 triệu đồng, trừ chi phí, bỏ túi 1 triệu đồng.

Người dân nơi đây cho hay họ không biết thương lái thu mua rong biển để làm gì, bà con chỉ biết đến mùa có người đến mua thì mọi người lại giong thuyền ra khơi.

Với người dân trong vùng, rong biển khô chỉ dùng để nấu nước uống. Còn rong tươi non, bà con dùng làm thức ăn.

“Mỗi ngày người dân Tam Hải thu về hàng chục tấn rong biển, với rong tươi chỉ phơi khoảng 1-2 nắng, lúc đó thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/kg, người thì bảo đưa vào các nhà chế biến ép lấy nước, người thì bảo mua bán sang Trung Quốc nhưng bà con chẳng quan tâm đến việc họ đưa đi đâu.

Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc họ mua giá cao thì bà con có nguồn thu lớn, mua giá rẻ chuyển qua đánh bắt cá”, chị Nguyễn Thị Hồng, một người dân vớt rong cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Chuyện Lão Nông Nuôi Bò Chuyện Lão Nông Nuôi Bò

Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, người ta không còn chọn xích lô để làm phương tiện đi lại nên công việc của ông ngày càng khó khăn. Ông nói: “Lúc đó tôi muốn về quê, nhưng nghĩ lại, phải kiếm cái nghề gì đã. Rồi tôi theo mấy người bạn của mình đi học cách chăn nuôi bò, vì nghĩ về quê thì chăn nuôi là hợp lý nhất”. Sau những tháng ngày học hỏi và tích góp kiến thức cũng như kỹ thuật nuôi bò, ông Nông khăn gói về quê.

03/11/2014
Hướng Đi Mới Cho Ngành Chăn Nuôi Hà Nội Hướng Đi Mới Cho Ngành Chăn Nuôi Hà Nội

Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò cái lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn TP Hà Nội” được UBND thành phố phê duyệt tháng 2 - 2012 và giao Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội (công ty) làm chủ đầu tư. Sau hơn hai năm thực hiện bước đầu đã đạt kết quả khả quan.

03/11/2014
Nuôi Dê Phù Hợp Với Người Ít Vốn Nuôi Dê Phù Hợp Với Người Ít Vốn

Chị Chuẩn lý giải rất hợp lý: Chăn nuôi trâu bò, đòi hỏi phải có nhiều vốn và điều kiện chăn thả cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, chỉ cần tầm 7 triệu đồng là đã có một cặp dê giống. Hơn nữa, dê còn có khả năng kháng bệnh cao và không chiếm quá nhiều diện tích đất làm chuồng trại, nên mô hình này rất phù hợp với những ai ít vốn hoặc những người mới bắt đầu khởi nghiệp.

03/11/2014
Nuôi Đà Điểu Hướng Phát Triển Kinh Tế Triển Vọng Nuôi Đà Điểu Hướng Phát Triển Kinh Tế Triển Vọng

Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, anh Võ Văn Lựu vừa hồ hởi cho biết: Lớn lên trên vùng đất Tú Loan (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chứng kiến cảnh người dân quanh năm vất vả với độc canh cây lúa, đất cằn nên cuộc sống cứ mãi chật vật. Trăn trở để tìm hướng đi mới, cuối cùng anh nhận thấy điều kiện đất đai ở đây với diện tích đất hoang hóa còn lại khá nhiều, cộng với nhiều trảng cát rộng, rất phù hợp cho chăn nuôi đà điểu.

03/11/2014
Bình Phước Nuôi Hươu Lấy Lộc Làm Giàu Bình Phước Nuôi Hươu Lấy Lộc Làm Giàu

Hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế. Nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này. Thu gần 200 triệu đồng/năm chỉ từ 12 con hươu của gia đình ông Nguyễn Viết Long ở ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) là minh chứng.

03/11/2014