Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hợp Tác Xã Ở Đâu Trong Chuỗi Liên Kết?

Hợp Tác Xã Ở Đâu Trong Chuỗi Liên Kết?
Ngày đăng: 04/09/2014

Đồng Nai hiện có 89 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó 80% hoạt động yếu, kém. Nhưng ngay cả các HTX hoạt động hiệu quả cũng chủ yếu ở lĩnh vực đầu tư sản xuất; còn lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh để tìm đầu ra cho nông sản hầu như chưa có.

Tỉnh hiện đang xây dựng nhiều dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cho các cây điều, xoài, ca cao... Trong đó, HTX sẽ là một mắt xích quan trọng trong việc giảm khâu trung gian trong thu mua, tiêu thụ nông sản.

* Liên kết doanh nghiệp

Đồng Nai không thiếu các mô hình HTX nông nghiệp đạt hiệu quả tốt trong việc liên kết nông dân để tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, đa số xã viên tham gia các HTX vẫn phải tự xoay xở tìm đầu ra cho nông sản và luôn phải đối mặt với sự bấp bênh, bất ổn của thị trường. Ngay cả các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP vẫn phải chấp nhận bán trôi nổi ra thị trường vì các HTX chưa tổ chức được đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Đăng Bông, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “HTX có trên 32 hécta xoài được chứng nhận VietGAP, đảm bảo cung cấp sản lượng xoài lớn, an toàn ra thị trường. Nhưng vì chưa liên kết được với doanh nghiệp (DN) trong khâu tiêu thụ, chế biến, nên sản phẩm của HTX vẫn buộc phải bán cho thương lái với giá như hàng thường”.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức lại hoạt động của HTX dịch vụ chăn nuôi Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất) theo hướng chuỗi liên kết. Trong đó, HTX đã “bắt tay” với cả chục DN để cung cấp, hỗ trợ cho các xã viên về con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...

Quan trọng nhất, đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi sẽ được bảo đảm vì HTX đã ký kết được các văn bản ghi nhớ trực tiếp cung cấp thịt heo, gà cho một số tổng công ty lớn”.

“Bắt tay” với DN là hướng đi các HTX cần quan tâm để gỡ bài toán khó trong tiêu thụ. Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), cho biết thời gian qua không thiếu các đoàn DN nước ngoài tìm đến tận nơi đặt vấn đề xuất khẩu xoài.

HTX đã trực tiếp ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu hoặc cung cấp hàng đến tận tay DN mà không phải qua các khâu trung gian khác. Tuy nhiên, kênh tiêu thụ chính cho sản phẩm của HTX vẫn là qua thương lái.

“Để đơn hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cần qua rất nhiều công đoạn, từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói... HTX không thể tự xoay mà cần liên kết với DN, nhất là trong việc tổ chức đầu ra cho sản phẩm” - ông Bảo nói.

* Trở thành mắt xích

Nâng cao năng lực để các HTX có thể trở thành cầu nối giữa nông dân với DN là nội dung quan trọng trong chương trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh. Theo các DN, HTX là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi liên kết giữa DN và nông dân. HTX sẽ đại diện cho nông dân ký kết các văn bản hợp tác với DN, thu mua nông sản tại chỗ cho nông dân.

Theo kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn với cây ca cao (thuộc chương trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh) do Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) đang triển khai, dự án sẽ phát triển 1 ngàn hécta ca cao. Trong đó, các HTX sẽ được thành lập, là đại diện cho nông dân để ký kết với DN trong tiêu thụ sản phẩm. Thông qua HTX, DN đầu tư cho nông dân về giống, phân bón, kỹ thuật…

Ông Lê Minh Tôn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho biết: “Tuy đặc trưng của cây ca cao là thu hoạch rải rác nhưng người trồng không e ngại vì câu lạc bộ tổ chức thu mua tại chỗ cho các xã viên. Hướng tới, chúng tôi sẽ thành lập HTX, được DN đầu tư kho trữ hàng, máy móc sơ chế sản phẩm tại chỗ nhằm giảm chi phí nhân công, chi phí vận chuyển để tăng lợi nhuận cho nông dân”.


Có thể bạn quan tâm

Diện Tích Nuôi Cá Đồng Tăng Nhanh Diện Tích Nuôi Cá Đồng Tăng Nhanh

Theo Sở NN và PTNT Đồng Tháp, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra từ đầu năm đến 5/7/2013 là 1.429,56 ha, bằng 71,48% kế hoạch năm và tăng 143,33 ha so với cùng kỳ năm trước. Đồng Tháp đã thu hoạch 526,22 ha với sản lượng 189.184 tấn. Tổng số lượng cá giống thả là 339,90 triệu con. Diện tích đang nuôi là 903,34 ha, diện tích treo ao là 40,7 ha.

31/07/2013
Cấp Giống Tái Canh Cây Cà Phê Cấp Giống Tái Canh Cây Cà Phê

Để thực hiện chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong 2 năm qua, từ nguồn vốn của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA), người dân trong tỉnh còn được cấp miễn phí giống cà phê để “trẻ hóa” vườn cây. Tuy nhiên, qua thực tế cấp phát cho thấy, công tác này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, nơi mà việc triển khai còn mang tính hình thức đại trà, chiếu lệ.

31/07/2013
Trồng Lúa Nhật Lợi Nhuận Từ 30 - 35 Triệu Đồng/héc-Ta Trồng Lúa Nhật Lợi Nhuận Từ 30 - 35 Triệu Đồng/héc-Ta

Hội Nông dân xã Bình Phú (Châu Phú - An Giang) cho biết, vụ hè thu năm nay, xã Bình Phú có 27 hộ trồng lúa Nhật, với tổng diện tích trên 120 héc-ta, đạt năng suất bình quân trên 6,5 tấn/héc-ta. Toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH Angimex - Kitoku mua với giá 8.400 đồng/kg lúa khô, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 30 - 35 triệu đồng/héc-ta.

31/07/2013
Bác Bỏ Tin Đồn Về Trường Hợp “Mít Non Nhúng Thuốc Trung Quốc” Bác Bỏ Tin Đồn Về Trường Hợp “Mít Non Nhúng Thuốc Trung Quốc”

Chỉ vì tin đồn thất thiệt “mít non nhúng thuốc Trung Quốc bán tràn lan ngoài thị trường” mà nhà vườn trồng mít ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và các địa phương lân cận phải lao đao vì giá giảm thê thảm, gây thiệt hại rất lớn.

31/07/2013
Liên Kết Bám Biển Thời Xăng Dầu Tăng Giá Liên Kết Bám Biển Thời Xăng Dầu Tăng Giá

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng giá xăng dầu tăng 3 lần, hàng ngàn tàu cá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gặp khó. Chi phí nhiên liệu tăng cao nhưng tôm, cá, mực... lại mất giá; sau chuyến biển thu không đủ bù chi. Khoảng nửa tháng nay, nhiều chiếc tàu ra khơi cầm chừng.

31/07/2013