Hợp tác xã nuôi nghêu Thành Đạt lợi nhuận cao liên tục 12 năm

Thu hoạch nghêu tại HTX Thành Đạt
Hiệp Thạnh có một phần diện tích thuộc vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, với lợi thế về vị trí địa lý nằm giáp biển Đông Nam bộ đã tạo ra sự đa dạng về hệ sinh thái nước mặn, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản phát triển.
Trong đó, tiềm năng về diện tích đất bãi bồi rất lớn, thích hợp cho nuôi nghêu, sò. Tuy nhiên, việc tổ chức, quản lý và khai thác nguồn lợi nghêu tự nhiên trong giai đoạn đầu chưa được quan tâm, người dân tự khai thác và sử dụng một cách bừa bãi làm mất an ninh trật tự của địa phương.
Đến năm 2003, Hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu Thành Đạt, ở ấp Chợ được thành lập, Nhà nước giao đất cho HTX này quản lý khai thác và nuôi nghêu. Qua một thời gian hoạt động, hiện HTX nuôi nghêu Thành Đạt không những làm ăn hiệu quả, giúp xã viên có việc làm, vượt khó thoát nghèo mà còn quản lý, bảo vệ tốt nguồn lợi thủy đặc sản có giá trị xuất khẩu cao tại địa phương.
HTX nuôi nghêu Thành Đạt hiện có 133 xã viên, vốn điều lệ 2,2 tỷ đồng với diện tích nuôi nghêu 50/400ha. Doanh thu và thu nhập của xã viên qua từng năm đều tăng mạnh, các xã viên hết sức phấn khởi và an tâm đóng góp vào sự phát triển của mô hình kinh tế hợp tác tại địa phương. Cụ thể: Từ năm 2003 đến nay, HTX đã thả nuôi và thu hoạch được 06 vụ, lợi nhuận dao động từ 90 - 125% so với vốn đầu tư.
Vụ nghêu năm 2014 - 2015, HTX thả được 32 tấn nghêu giống trên diện tích 50ha, hiện đang thu hoạch bán với giá 23.000 đồng/kg, ước lợi nhuận khá cao.
Bà Nguyễn Thị Trường, ở ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, là xã viên HTX cho biết: Tất cả các nguồn thu chi đều được HTX công khai hóa và thông qua tập thể với cơ cấu ăn chia hợp lý kể cả các khoản quỹ phúc lợi xã hội, quỹ dự phòng, quỹ khen thưởng...
Đặc biệt, từ nguồn phúc lợi xã hội, từ năm 2003 đến nay, HTX hỗ trợ địa phương tặng 06 căn nhà tình thương (mỗi căn hỗ trợ 20 triệu đồng) và tham gia tốt các phong trào ở địa phương phát động, như gây quỹ khuyến học, tu sửa đường giao thông…
Ông Trần Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh nhận xét: Từ khi HTX nuôi nghêu Thành Đạt ra đời, tình hình khai thác nghêu được ổn định, hàng năm HTX nuôi nghêu đã giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương trên 10.000 ngày công lao động, mỗi lao động có thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày.
HTX đã xây dựng được bộ máy hoạt động chặt chẽ, từng xã viên có ý thức bảo vệ không để xảy ra tình trạng mất an ninh của bãi nghêu. Đến kỳ thu hoạch nghêu, thương lái đến thu mua tại chỗ, nông dân có thêm việc làm, thu nhập... đây cũng là nguồn lợi lớn cho xã hội, góp phần giải quyết việc làm và xóa nghèo tại địa phương.
Ông Trần Văn Đã, Giám đốc HTX nuôi nghêu Thành Đạt cho biết: Ngoài những thuận lợi, hiện tại HTX cũng gặp những khó khăn nhất định như, nguồn vốn của xã viên còn thấp, giá bán nghêu thịt thương phẩm biến động thất thường, nghêu giống thả nuôi chủ yếu lệ thuộc vào các tỉnh bạn.
Trong khi đó, số lượng nghêu cám ở tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều nhưng tay nghề ương của các HTX trong tỉnh còn yếu, nghêu cám chủ yếu bán lại cho các trại giống ương của tỉnh Bến Tre. Cái khó của HTX hiện nay chính là nguồn vốn đầu tư, chưa ương được nghêu giống, nghêu chưa có thương hiệu nên bán giá thấp hơn so với có thương hiệu khoảng 5.000 đồng/kg.
Mong các ngành hữu quan vào cuộc để HTX nuôi nghêu Thành Đạt nói riêng và của tỉnh nói chung tháo gỡ những khó khăn đang còn vướng mắc, tạo đầu ra ổn định, giảm giá thành đầu tư, tăng thu nhập cho xã viên.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm KN-KN Bắc Ninh đã triển khai mô hình phát triển chăn nuôi vịt đẻ hướng thịt ATSH.

Hiện nay, tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, khoảng 15.000 tấn sò lông đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được khai thác, còn nằm dưới bãi nuôi vì không có thương lái mua, khiến nhiều hộ dân nuôi sò gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho loài thủy sản hai mảnh vỏ này.

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công (Thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã được Công ty TNHH San Hà (Tp. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà ta “Gò Công” chăn nuôi theo quy trình an toàn với giá 60.000 đồng/kg đối với gà trống và 75.000 đồng/kg đối với gà mái. Với mức giá trên, hộ xã viên nuôi 1.000 con gà ta Gò Công sẽ thu lãi 30 triệu đồng sau chu kỳ 3 tháng nuôi.

Tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gần 190 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Chư Pah (Gia Lai) bị hạn; trong đó 30 ha bị mất trắng, số còn lại đang dần phục hồi. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah - ông Phạm Minh Châu, diện tích cây trồng bị hạn vụ sản xuất năm nay giảm nhiều so với năm 2010 trở về trước.

Khi áp lực về việc làm tăng cao, cùng với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh khó kiểm soát, các hộ dân của xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đưa con dế vào nuôi thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế của nông dân.