Hợp Tác Xã Chè Lương Sơn Phát Huy Sức Mạnh Tập Thể, Đẩy Mạnh Sản Xuất Kinh Doanh

Được thành lập năm 2001, Hợp tác xã (HTX) chè Lương Sơn (huyện Yên Lập) có 237 xã viên. Sau nhiều năm củng cố, đổi mới phương thức hoạt động, đến nay mô hình kinh tế tập thể của HTX Lương Sơn đã phát huy thế mạnh trong việc liên kết và là điểm tựa vững chắc cho các hộ gia đình xã viên phát triển sản xuất - kinh doanh chè.
Năm 2010 từ sự tài trợ của Chương trình dự án VECO, sự hỗ trợ, đồng hành của Công ty chè Phú Hà trên địa bàn, sự giúp đỡ của hội phụ nữ, người trồng chè xã Lương Sơn đã thành lập 7 nhóm sản xuất chè.
Các hộ xã viên được tập huấn, áp dụng quy trình mới vào sản xuất chè búp tươi và thiết lập các điểm thu gom, bán chè tập trung trên 7 nhóm. HTX đã chủ động ký hợp đồng bán sản phẩm chè búp tươi với Công ty chè Phú Hà, giúp xã viên tâm huyết hơn với cây chè, đầu tư thâm canh cho vườn chè nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho gia đình. Từ những kết quả đã đạt được, người dân tin tưởng vào mô hình kinh tế tập thể, tích cực tham gia vào mô hình này.
Để giúp các xã viên có điều kiện thuận lợi trong sản xuất chè, HTX chè Lương Sơn đã đầu tư một số máy móc, trang thiết bị, hệ thống chế biến chè xanh với 5 bộ bom quay chè xanh, máy sấy hương chè, máy hút chân không đóng gói chè và máy hút màng co cùng với một số vật dụng khác để phục vụ cho việc chế biến chè xanh, với tổng trị giá 200 triệu đồng.
Cùng với việc hỗ trợ về máy móc, HTX còn phối hợp mời nghệ nhân từ tỉnh Thái Nguyên - nơi có những vùng chè có thương hiệu, uy tín về giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật chế biến chè xanh cho các hộ sử dụng bom quay chè xanh và Ban chủ nhiệm nắm được kỹ thuật chế biến để đưa ra sản phẩm có chất lượng, hấp dẫn thị trường.
Từ nhận thức sự thành công của mô hình kinh tế tập thể phụ thuộc phần lớn vào sự thống nhất, đồng lòng cao giữa Ban chủ nhiệm với các xã viên nên thời gian qua, Ban chủ nhiệm HTX luôn phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch, họp giao ban định kỳ hàng tháng giữa Ban quản trị HTX với các tổ trưởng tổ sản xuất nhằm đánh giá hoạt động cũng như kiến nghị của xã viên để cùng bàn bạc, tìm hướng giải quyết; phân công trách nhiệm cho từng tổ trưởng đôn đốc, giám sát và cập nhật số liệu thu hái chè của tổ để cân đối với Công ty chè Phú Hà; tuyên truyền cho xã viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của cây chè cũng như VSATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Những năm gần đây, xã viên HTX chè Lương Sơn đã tích cực áp dụng KHKT vào thâm canh chăm sóc chè. HTX đã có những đợt cung ứng phân bón bằng cách trả chậm để xã viên thâm canh chè, liên hệ với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Ngân hàng Nông nghiệp đề xuất hỗ trợ cho xã viên HTX vay gần 200 triệu đồng để đầu tư thâm canh cây chè.
Song song với đó, HTX tích cực tuyên truyền vận động xã viên mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống chè có năng suất cao như chè lai I, lai II tại các tổ của HTX.
Nhờ tích cực thâm canh, đầu tư trồng chè, đến nay tổng sản lượng chè búp tươi từ các tổ sản xuất bán cho nhà máy và chế biến chè bán ra thị trường đạt trên 400 tấn, với giá trung bình 4.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi sào trồng chè búp tươi thu được khoảng 9 triệu đồng.
Cùng với việc trồng và bán chè búp tươi, từ năm 2013, HTX chè Lương Sơn bắt đầu sản xuất chè xanh, đã sản xuất đóng gói được 7.000 gói chè các loại trong 3-4 tháng. Chè xanh của HTX được bày bán trên thị trường trong huyện, các xã và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ đã bước đầu được người tiêu dùng biết đến thương hiệu và sử dụng.
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201412/hop-tac-xa-che-luong-son-phat-huy-suc-manh-tap-the-day-manh-san-xuat-kinh-doanh-2379826/
Có thể bạn quan tâm

Việc cho vải ra quả từ thân đã mang lại những hiệu quả về kinh tế, thu hái nhanh, bớt đi một nửa nhân công trong những ngày cao điểm, giá cao và ổn định.

Là tỉnh có diện tích trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL nhưng hiện nay giá khoai lang tại Vĩnh Long đang lên xuống thất thường vì quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Có tám container vải tươi của VN đã và đang trên đường đến hai thị trường khó tính mới mở là Mỹ và Úc sau nửa tháng bắt đầu xuất khẩu.
Xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) có 20 bản của 2 dân tộc Mông và Thái. Sản xuất nông nghiệp ở đây từ lâu đời chủ yếu canh tác một vụ trên nương, năng suất, sản lượng thấp. Đất sản xuất có độ dốc cao, nhanh bạc màu, người dân không sử dụng phân bón nên gieo trồng được 2 - 3 vụ lại bỏ hoang. Diện tích rừng bị thu hẹp mà cuộc sống người dân vẫn không được cải thiện nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Miên, đội 23, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) tại lớp tập huấn “Quy trình chăm sóc cây lúa, ngô trên đồng ruộng bằng các sản phẩm của Công ty Supper phốt phát và Hoá chất Lâm Thao” diễn ra từ ngày 12 - 13/6 vừa qua, bà Miên hồ hởi cho biết, đã nhiều năm qua mỗi khi bước vào mùa vụ, gia đình bà không phải lo tiền, hay vay lãi nóng để mua phân bón nữa.