Hợp Tác Công - Tư Trong Sản Xuất Cà Phê

Khối nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân cùng với các tổ chức tài chính, hiệp hội trong và ngoài nước đã hợp tác xây dựng 16 vườn mẫu cà phê “công - tư” ở Lâm Đồng, bước đầu nâng cao nhận thức và kỹ thuật thực hành về sản xuất cà phê bền vững cho nông dân.
Lâm Đồng và Đắk Lắk là 2 tỉnh trong cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm thí điểm sản xuất cà phê theo mô hình hợp tác “công - tư” từ đầu năm 2012. Theo đó, Lâm Đồng đi vào triển khai với nhiệm vụ Điều phối viên được giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đến nay, qua các giai đoạn triển khai hơn 2 năm, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc để xây dựng 16 vườn cà phê mẫu, mỗi vườn có diện tích tối thiểu 0,8ha, tuổi cây cà phê từ 8 - 15 năm tuổi.
Người được chọn sản xuất trên vườn cà phê mẫu vừa là những khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông tích cực ở cơ sở, vừa là hộ gia đình sản xuất giỏi, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm canh tác cà phê, có nhiều uy tín trong việc tập hợp nông dân cùng chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững.
Ngoài ra, với vườn mẫu cà phê đưa vào hợp tác “công - tư” phải hội đủ các điều kiện khác như: đảm bảo nguồn nước tưới và hệ thống mương thoát nước; hàng năm tỷ lệ dịch bệnh gây hại trên cây cà phê dưới 5%; năng suất đạt từ mức trung bình trở lên so với các vườn cà phê đối chứng trong cùng khu vực…
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông kiêm Điều phối viên chương trình hợp tác sản xuất cà phê “công - tư” của Lâm Đồng cho biết: Trong hơn 2 năm qua, tất cả 16 chủ vườn cà phê mẫu thường xuyên được tham dự tập huấn kỹ thuật sản xuất và kỹ năng tập hợp nhóm hộ nông dân canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ… ở địa bàn Đắk Lắk và địa bàn Lâm Đồng.
Riêng với diện tích 16 vườn cà phê hợp tác “công - tư” đều được lấy mẫu đất và mẫu lá cây cà phê đưa về Na Uy phân tích, từ đó áp dụng chế độ bón phân, bơm thuốc bảo vệ thực vật thích hợp, hiệu quả trên từng khu vườn. Công ty TNHH Ya Ra và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam hỗ trợ phân bón và thuốc trừ sâu trên 16 khu vườn cà phê mẫu này.
Bên cạnh đó, từng khu vườn mẫu đã áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán mới; tưới nước tiết kiệm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”… đã giảm xuống đáng kể ngày công lao động, đồng thời, giúp cho vườn cây cà phê tăng thêm sức đề kháng trước thời tiết thay đổi thất thường.
Đến nay, thông qua 16 chủ vườn cà phê mẫu (16 trưởng nhóm) đã thu hút được 800 nông hộ ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc của Lâm Đồng, mỗi hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững từ 0,3 - 1ha.
Với hàng chục lớp tập huấn được tổ chức, 16 chủ vườn cà phê mẫu đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn và “cầm tay chỉ việc” cho từng nông hộ triển khai theo quy trình sản xuất cà phê bền vững hàng tuần, hàng tháng, hàng quý rồi tiến hành đúc kết kinh nghiệm cho cả một vụ mùa.
Trong mỗi giai đoạn này, Điều phối viên của Lâm Đồng luôn kịp thời tổ chức “giao ban” với 16 trưởng nhóm để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh, thống nhất đề ra những biện pháp mới hữu hiệu hơn.
Với những giải pháp chuyển giao kỹ thuật canh tác cà phê bền vững một cách đồng bộ, đúng kế hoạch, vụ mùa cà phê vườn mẫu hợp tác “công - tư” năm đầu tiên đạt năng suất cao hơn vườn đối chứng từ 6 - 20,7%; con số này đến vụ mùa năm thứ 2 là từ 4,4 - 38,8%; giá cà phê cả 2 vụ mùa được nông dân bán ra cao hơn giá bình quân thị trường từ 300 - 400 đồng/kg.
Từ cơ sở này, Điều phối viên của Lâm Đồng đã tổ chức tập hợp 5 nhóm hộ gia đình (50 hộ/nhóm) thành lập 1 HTX Nông nghiệp tại xã Lộc Quảng (Bảo Lâm).
Bước đầu, HTX này đi vào hoạt động sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê cho xã viên, đồng thời mở rộng kinh doanh tổng hợp các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2014, Lâm Đồng tiếp tục khai trương 1 HTX nông nghiệp mới tại xã Nam Hà (Lâm Hà) từ mô hình hợp tác “công - tư” nêu trên.
Có thể bạn quan tâm

Dạo tháng ba khi đi viết bài về vùng rừng thông giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị, xe chúng tôi đã phải chạy mỏi... bánh trên vùng đất này. Trong bát ngát bao la của đất, rừng chúng tôi đã nói về những lợi thế để phát triển chăn nuôi ở đây. Và một ngày cuối thu, giữa hai cơn bão chúng tôi lại về vùng đất phía nam tỉnh, tất nhiên không phải để nói lại về rừng thông mà là chuyện những đàn bò...

Sau thời gian dài bị tuột dốc, cuối tháng 10 và đầu tháng 11 này ở An Giang, giá heo hơi quay về mức 45.000 đ/kg, có lúc từ 47.000 đến 50.000đ/kg và dự đoán khả năng sẽ còn tăng thêm. Đây là sự kích thích người chăn nuôi tiếp tục đầu tư, phục hồi đàn heo, chăm sóc quyết liệt giai đoạn cuối năm và chuẩn bị cho Tết sắp tới.

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân lớn nhất Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã chi ra 1.500 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái để mua 115.300 tấn sữa với mức giá bình quân 13.600 đồng/lít và chiếm 60% lượng sữa tươi nguyên liệu của đàn bò cả nước.

Nông dân Đà Lạt đã quen “thâm canh” rau với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất tối đa. Bởi vậy, khi quay trở lại cách trồng rau kiểu “các cụ” - trồng rau theo hướng hữu cơ - họ đã phải thay đổi rất nhiều trong tư duy và trong thói quen. Làm sao để sản xuất ra những cây rau thương phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, người nông dân, bảo vệ môi trường cũng là vấn đề được đặt ra khi Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện mô hình Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ tại thành phố Đà Lạt.

Ông Đặng Phúc, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên cho biết, với 22ha đất sản xuất lúa 2 vụ tại 2 trại giống ở Hòa An (Phú Hòa) và Hòa Đồng (Tây Hòa), mỗi năm, đơn vị cung ứng cho thị trường hơn 220 tấn lúa giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng.