Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hợp Tác Công - Tư Trong Sản Xuất Cà Phê

Hợp Tác Công - Tư Trong Sản Xuất Cà Phê
Ngày đăng: 12/04/2014

Khối nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân cùng với các tổ chức tài chính, hiệp hội trong và ngoài nước đã hợp tác xây dựng 16 vườn mẫu cà phê “công - tư” ở Lâm Đồng, bước đầu nâng cao nhận thức và kỹ thuật thực hành về sản xuất cà phê bền vững cho nông dân.

Lâm Đồng và Đắk Lắk là 2 tỉnh trong cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm thí điểm sản xuất cà phê theo mô hình hợp tác “công - tư” từ đầu năm 2012. Theo đó, Lâm Đồng đi vào triển khai với nhiệm vụ Điều phối viên được giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đến nay, qua các giai đoạn triển khai hơn 2 năm, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc để xây dựng 16 vườn cà phê mẫu, mỗi vườn có diện tích tối thiểu 0,8ha, tuổi cây cà phê từ 8 - 15 năm tuổi.

Người được chọn sản xuất trên vườn cà phê mẫu vừa là những khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông tích cực ở cơ sở, vừa là hộ gia đình sản xuất giỏi, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm canh tác cà phê, có nhiều uy tín trong việc tập hợp nông dân cùng chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững.

Ngoài ra, với vườn mẫu cà phê đưa vào hợp tác “công - tư” phải hội đủ các điều kiện khác như: đảm bảo nguồn nước tưới và hệ thống mương thoát nước; hàng năm tỷ lệ dịch bệnh gây hại trên cây cà phê dưới 5%; năng suất đạt từ mức trung bình trở lên so với các vườn cà phê đối chứng trong cùng khu vực…

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông kiêm Điều phối viên chương trình hợp tác sản xuất cà phê “công - tư” của Lâm Đồng cho biết: Trong hơn 2 năm qua, tất cả 16 chủ vườn cà phê mẫu thường xuyên được tham dự tập huấn kỹ thuật sản xuất và kỹ năng tập hợp nhóm hộ nông dân canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ… ở địa bàn Đắk Lắk và địa bàn Lâm Đồng.

Riêng với diện tích 16 vườn cà phê hợp tác “công - tư” đều được lấy mẫu đất và mẫu lá cây cà phê đưa về Na Uy phân tích, từ đó áp dụng chế độ bón phân, bơm thuốc bảo vệ thực vật thích hợp, hiệu quả trên từng khu vườn. Công ty TNHH Ya Ra và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam hỗ trợ phân bón và thuốc trừ sâu trên 16 khu vườn cà phê mẫu này.

Bên cạnh đó, từng khu vườn mẫu đã áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán mới; tưới nước tiết kiệm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”… đã giảm xuống đáng kể ngày công lao động, đồng thời, giúp cho vườn cây cà phê tăng thêm sức đề kháng trước thời tiết thay đổi thất thường.

Đến nay, thông qua 16 chủ vườn cà phê mẫu (16 trưởng nhóm) đã thu hút được 800 nông hộ ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc của Lâm Đồng, mỗi hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững từ 0,3 - 1ha.

Với hàng chục lớp tập huấn được tổ chức, 16 chủ vườn cà phê mẫu đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn và “cầm tay chỉ việc” cho từng nông hộ triển khai theo quy trình sản xuất cà phê bền vững hàng tuần, hàng tháng, hàng quý rồi tiến hành đúc kết kinh nghiệm cho cả một vụ mùa.

Trong mỗi giai đoạn này, Điều phối viên của Lâm Đồng luôn kịp thời tổ chức “giao ban” với 16 trưởng nhóm để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh, thống nhất đề ra những biện pháp mới hữu hiệu hơn.

Với những giải pháp chuyển giao kỹ thuật canh tác cà phê bền vững một cách đồng bộ, đúng kế hoạch, vụ mùa cà phê vườn mẫu hợp tác “công - tư” năm đầu tiên đạt năng suất cao hơn vườn đối chứng từ 6 - 20,7%; con số này đến vụ mùa năm thứ 2 là từ 4,4 - 38,8%; giá cà phê cả 2 vụ mùa được nông dân bán ra cao hơn giá bình quân thị trường từ 300 - 400 đồng/kg.

Từ cơ sở này, Điều phối viên của Lâm Đồng đã tổ chức tập hợp 5 nhóm hộ gia đình (50 hộ/nhóm) thành lập 1 HTX Nông nghiệp tại xã Lộc Quảng (Bảo Lâm).

Bước đầu, HTX này đi vào hoạt động sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê cho xã viên, đồng thời mở rộng kinh doanh tổng hợp các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2014, Lâm Đồng tiếp tục khai trương 1 HTX nông nghiệp mới tại xã Nam Hà (Lâm Hà) từ mô hình hợp tác “công - tư” nêu trên.


Có thể bạn quan tâm

VietGAP Cho Nghề Nuôi Cá Tra Vẫn Còn Khó VietGAP Cho Nghề Nuôi Cá Tra Vẫn Còn Khó

Năm 2013, giá cá tra tụt dốc thảm hại, doanh nghiệp thu mua cá thấp hơn giá thành sản xuất khiến nhiều hộ thua lỗ, treo ao, nợ ngân hàng bạc tỉ. Mặc dù, từ giữa năm 2014, giá cá tra bắt đầu phục hồi, tăng từ 21.000 - 24.000 đồng nhưng số lượng hộ và diện tích, ao nuôi cũng chưa được cải thiện.

03/02/2015
Hiệu Quả Từ Dự Án Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm Sú, Tôm Thẻ Chân Trắng Theo VietGAP Hiệu Quả Từ Dự Án Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm Sú, Tôm Thẻ Chân Trắng Theo VietGAP

Để khắc phục những tồn tại đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”giai đoạn 2014 - 2016 nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

03/02/2015
Thanh Hóa Phát Triển Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Theo Hướng Công Nghiệp Thanh Hóa Phát Triển Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Theo Hướng Công Nghiệp

Ngày 30-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH Việt Nam (Công ty CP TH), thuộc Tập đoàn TH – THMilk, công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa.

03/02/2015
Rau Tháng Chạp Rau Tháng Chạp

Năm 2013, xã vận động nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển một số đất trồng mía sang trồng rau rồi thành lập tổ hợp tác (THT) Rau an toàn tại 3 thôn Ninh An, Phước Hưng Nam và Thạch Nham Tây, nhưng quy mô, hiệu quả nhất là vùng rau Ninh An.

03/02/2015
Ninh Sơn (Ninh Thuận) Mía “Đắng” Mùa Khô Hạn! Ninh Sơn (Ninh Thuận) Mía “Đắng” Mùa Khô Hạn!

Tình hình nắng hạn kéo dài từ giữa năm 2014 đến nay đã gây ảnh hưởng đến năng suất nhiều loại cây trồng của người nông dân trong tỉnh. Mặc dù là loại cây chịu hạn tốt nhưng với người trồng mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), địa phương được xem là “thủ phủ” mía của cả tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

03/02/2015